Tổng thống Mỹ Donald Trump bước vào năm mới 2018 bằng phong thái hùng hổ khác thường khi châm ngòi nhiều cuộc chiến mới trên Twitter với tốc độ mà các trợ lý, các lãnh đạo thế giới và công chúng phải chật vật để bắt kịp.
"Nếu nói ông ấy cư xử một cách không biết kiềm chế trên vũ đài quốc tế trong năm đầu nhiệm kỳ thì những ngày đầu tiên của năm thứ hai cho thấy ông đang hâm nóng mọi chuyện", AP bình luận trong một bài viết hôm 4/1.
Bùng nổ những trận chiến mới
Với Pakistan, ông gọi người dân nước này là những "kẻ dối trá và lừa đảo đi ủng hộ bọn khủng bố" trong dòng tweet xuất hiện chỉ vài giờ sau khoảnh khắc giao thừa.
Với người Palestine, ông đe dọa cắt viện trợ cho đến khi họ đồng ý ngồi xuống đàm phán hòa bình với Israel, một động thái được cho là còn nguy hiểm hơn cả việc công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.
Với Iran, ông tuyên bố chính quyền của Tổng thống Hassan Rouhani "thất bại toàn tập" và thể hiện sự ủng hộ của Washington với những người biểu tình chống chính phủ trong bất ổn lớn nhất Iran kể từ năm 2009.
Còn với Triều Tiên, ông Trump nói "nút hạt nhân" mà ông nắm giữ còn "to hơn nhiều lần" so với thiết bị mà nhà lãnh đạo Kim Jong Un có thể có trong tay. Bình luận của tổng thống Mỹ dường như chỉ là một lời nói đùa nhưng khiến không ít người nghĩ đến viễn cảnh cuộc chiến tranh hạt nhân đầu tiên xảy ra trên thế giới sau hơn 70 năm.
Tổng thống Donald Trump tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago, Florida, hôm 29/12. Ảnh: Getty. |
Với những người ủng hộ ông Trump, và thậm chí với cả những người chỉ trích ông, điều này có lẽ chỉ là chuyện thường ngày. Sau tất cả, trong năm đầu nhiệm kỳ, ông Trump đã không ngừng xô đổ các giới hạn của một tổng thống Mỹ bằng những tuyên bố khiêu khích thường không được thực hiện.
Tuy nhiên, đối với những quốc gia đang cố gắng "đọc vị" nhà lãnh đạo Mỹ, những tuyên bố như vậy có thể dẫn đến những hệ quả trong thực tế. Pakistan nổi giận với phát biểu của ông Trump, triệu đại sứ Mỹ ở Islamabad để yêu cầu giải thích về sự việc mà họ cảm thấy mất thể diện với tư cách là đối tác an ninh chủ chốt của Mỹ.
Trong khi đó, các chuyên gia về Triều Tiên lo lắng việc ông Trump châm chọc Bình Nhưỡng có thể đẩy hai nước đến bờ vực chiến tranh.
"Đây không phải là trò chơi", cựu phó tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết trong một cuộc phỏng vấn với NBC News hôm 3/1. "Tổng thống phải hiểu rõ hơn về việc những lời mà tổng thống nói ra quan trọng như thế nào".
"Tôi nghĩ rằng tổng thống quá kiêu ngạo và điều này rất nguy hiểm", ông Biden nói.
Nhà Trắng, như thường lệ, lại tìm cách xoa dịu sự việc. Thư ký báo chí Sarah Sanders nhấn mạnh rằng ông Trump không "chế giễu" nhà lãnh đạo Kim Jong Un, mà chỉ đơn thuần là "đứng lên vì người dân nước này". Theo bà Sanders, việc ông Trump giữ im lặng mới là điều nguy hiểm.
"Đây là một tổng thống sẽ không khúm núm và không yếu ớt", bà nói.
'Như một người ngoài cuộc'
Những tuyên bố mới nhanh như lửa về chính sách đối ngoại của ông Trump được đưa ra khi tổng thống kết thúc kỳ nghỉ lễ, nói rõ rằng năm thứ hai trong nhiệm kỳ tổng thống của ông sẽ là một "tàu lượn siêu tốc" không kém cạnh năm đầu.
Hôm 3/1, nhiều người tại Washington đã lên tiếng khi ông Trump ra tuyên bố gọi cựu cố vấn cấp cao Steve Bannon là "mất trí" trong phản ứng về cuốn sách mới đầy những lời chỉ trích và tin đồn nội bộ về chính quyền của vị tổng thống.
"Đây chính là con người ông ấy", Ari Fleisher, cựu thư ký báo chí thời Tổng thống George W. Bush, nói về ông Trump. "Sau một năm, ông ấy vẫn đánh giá công việc của mình như một người ngoài cuộc, không phải là người trong cuộc dẫn dắt chính phủ, mà là người ngoài cuộc với những dòng tweet, những lời chỉ trích và để chúng nát bươm".
Những phát biểu trên mạng xã hội của ông Trump đã khiến các quan chức tại Hội đồng An ninh Quốc gia, Bộ Ngoại giao và các cơ quan khác xôn xao trong hai ngày qua nhằm xác định liệu có phải ông đang đưa ra đường hướng mới một cách chóng vánh hay chỉ đơn giản là tăng lực cho chính sách đối ngoại đã có từ trước nhân dịp năm mới.
Biểu tình phản đối ông Trump tại Karachi, Pakistan, hôm 2/1. Ảnh: Getty. |
Đối với đa số, hóa ra đó là vế thứ hai. Các quan chức cấp cao cho biết họ đang chỉ đạo nhân viên xem các tweet của ông Trump chỉ đơn giản là "tweet" và mặc định rằng không có chính sách mới nào được công bố trừ khi có thông báo khác thông qua các kênh chính thức.
Chẳng hạn như đối với Pakistan, ông Trump tweet về việc cắt giảm viện trợ cho nước này vì các nhà lãnh đạo của họ đối xử với các nhà lãnh đạo Mỹ "như những kẻ ngốc" và "cung cấp nơi ẩn náu an toàn cho những kẻ khủng bố mà chúng tôi săn lùng ở Afghanistan". Ông dường như lặp lại lời Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley. Những bình luận của bà Haley xuất hiện trước đó cùng ngày khi bà khẳng định Washington đang rút lại khoản viện trợ 255 triệu USD cho Pakistan - một quyết định đưa ra vào mùa hè năm ngoái.
Bất chấp sự tức giận ở Islamabad, các quan chức ở Washington cảm thấy rằng vụ ồn ào đã bị phóng đại. Các quan chức cho hay mặc dù các dòng tweet của ông Trump hầu như không mang tính ngoại giao, chúng cũng đã phản ánh sự thất vọng kéo dài nhiều năm của Mỹ với Pakistan vốn đè nén chính quyền của cả hai bên.
Trong khi đó, lời đe dọa cắt viện trợ cho người Palestine của ông Trump không phải xuất hiện một cách bất thình lình. Các quan chức Mỹ đã cân nhắc những biện pháp chống lại chính quyền Palestine sau một cuộc bỏ phiếu tại Đại hội đồng LHQ nhằm lên án quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel từ tổng thống Mỹ.
Các quan chức cho biết việc thảo luận về cắt giảm viện trợ mới chỉ vừa bắt đầu. Cuộc họp đầu tiên của chính phủ để xem xét các khả năng dự kiến diễn ra vào thứ năm (4/1) và các trợ lý an ninh quốc gia hàng đầu của ông Trump sẽ không cân nhắc các lựa chọn, ít nhất cho đến tuần tới.
Tuy nhiên, người Palestine đã phản ứng mạnh mẽ, và các quan chức cao cấp ở đó cho biết họ sẽ không bị "đe dọa" bởi ông Trump. Bất kể tổng thống Mỹ quyết định ra sao, lời đe dọa của ông đã không giúp đưa ra được bất kỳ "chương mới" nào cho tiến quá trình hòa bình Arab - Israel mà ông muốn dẫn dắt.