Tàu sân bay USS John C. Stennis lớp Nimitz của Hải quân Mỹ. Ảnh: US Navy |
Hãng tin Yonhap hôm nay đưa tin Mỹ đang cân nhắc khả năng điều một tàu sân bay đến bán đảo Triều Tiên vào tháng tới. Tuy nhiên, Lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc (USFK) nói rằng họ không biết gì về vấn đề này.
Theo Reuters, tàu sân bay có thể tham gia trong cuộc tập trận hải quân chung của Washington và Seoul, nhằm gửi thông điệp cảnh báo tới nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sau tuyên bố thử bom nhiệt hạch là biện pháp tự vệ chống lại mối đe dọa hạt nhân từ Mỹ.
"Vụ thử bom H của Triều Tiên là bước phòng thủ nhằm bảo vệ vững chắc hòa bình bán đảo Triều Tiên cũng như an ninh khu vực khỏi mối đe dọa chiến tranh hạt nhân của chủ nghĩa đế quốc do Mỹ dẫn đầu. Đó là quyền hợp pháp của một quốc gia có chủ quyền và là hành động hợp pháp mà không ai có quyền chỉ trích", hãng thông tấn KCNA dẫn phát biểu của ông Kim Jong Un.
Đây là tuyên bố đầu tiên của nhà lãnh đạo Triều Tiên kể từ sau vụ thử hạt nhân không báo trước hôm 6/1. Động thái này khiến Mỹ và Trung Quốc tức giận, trong khi nhiều chuyên gia nghi ngờ rằng quả bom mà nước này thử nghiệm không phải là bom H.
Seoul và Washington đều có kế hoạch tiến hành các động thái quân sự khác sau vụ thử hạt nhân của Bình Nhưỡng. Phi cơ ném bom chiến lược tầm xa B-52 Stratofortress của Mỹ sáng nay đã rời căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam ở Thái Bình Dương và tiến vào không phận Hàn Quốc.
"Pháo đài bay" được trang bị tên lửa hạt nhân và bom phá boongke có khả năng bắn phá các cơ sở ngầm của Triều Tiên. Theo các quan chức quân sự, B-52 có khả năng ném bom các sở chỉ huy quân sự của Bình Nhưỡng sau khi cất cánh từ một địa điểm cách đó khoảng 3.000 km, và chỉ mất 4 giờ để Mỹ điều máy bay từ căn cứ Guam tới bán đảo Triều Tiên.
"Việc triển khai B-52 nhanh hơn dự kiến cho thấy dấu hiệu Mỹ 'sẽ đáp trả mạnh mẽ nếu miền Bắc hành động khiêu khích hơn nữa'", một quan chức quân sự Hàn Quốc nhận định.
Về phía Hàn Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Han Min Koo cũng cho biết đã yêu cầu đơn vị tên lửa sẵn sàng chiến đấu để đối phó những hành động khiêu khích có thể xảy ra của Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân. Ngày 8/1, Hàn Quốc cũng tái khởi động hệ thống tuyên truyền bằng loa phóng thanh dọc biên giới Triều Tiên để phản đối Bình Nhưỡng tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch.