Máy bay ném bom B-52 của Mỹ. Ảnh minh họa: ABC.net |
Theo hãng tin Yonhap của Hàn Quốc, phi cơ ném bom chiến lược tầm xa B-52 Stratofortress rời căn cứ không quân Andersen của Mỹ trên đảo Guam ở Thái Bình Dương sáng nay. Sau đó, nó tiến vào không phận phía trên thành phố Osan, tỉnh Gyeonggi của Hàn Quốc.
Khi bay qua Osan, B-52 được hai chiến đấu cơ F-15K và hai tiêm kích F-16 của Hàn Quốc hộ tống, quân đội Mỹ và Hàn Quốc cho hay. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, chiếc B-52 đã quay về căn cứ.
Chiếc B-52 được trang bị tên lửa hạt nhân và bom “phá boongke” có khả năng bắn phá các cơ sở ngầm của Triều Tiên. Theo các quan chức quân sự, B-52 có khả năng ném bom các sở chỉ huy quân sự của Triều Tiên sau khi cất cánh từ một địa điểm cách đó khoảng 3.000 km, và chỉ mất 4 giờ để Mỹ điều máy bay từ căn cứ Guam tới bán đảo Triều Tiên.
Các quan chức cho biết, Seoul và Washington có kế hoạch tiến hành các động thái quân sự khác sau vụ thử hạt nhân của Bình Nhưỡng.
“Chuyến bay ngày hôm nay chứng minh sức mạnh và khả năng của liên minh”, Reuters dẫn lời Tướng Curtis Scaparrotti, chỉ huy lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc, cho hay.
Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ, viết trên Twitter rằng, Washington đã minh chứng “cam kết kiên định” của mình với các đồng minh trong khu vực như Hàn Quốc và Nhật Bản, đồng thời sẵn sàng bảo vệ “tổ quốc”. "Vụ thử hạt nhân của Triều Tiên là sự vi phạm trắng trợn nghĩa vụ quốc tế của nước này. Các lực lượng quân sự chung của Mỹ ở Ấn Độ Dương cũng như châu Á - Thái Bình Dương sẽ tiếp tục phối hợp với tất cả đồng minh khu vực cùng các đối tác nhằm duy trì sự ổn định và an ninh”, ông Harris cho hay.
"Việc triển khai B-52 nhanh hơn dự kiến cho thấy dấu hiệu Mỹ 'sẽ đáp trả mạnh mẽ nếu miền Bắc hành động khiêu khích hơn nữa'", một quan chức quân sự Hàn Quốc cho biết.
Chiếc B-52 bay ở tầm thấp với sự hộ tống của các chiến đấu cơ Hàn Quốc. Ảnh: USAF |
Trước đó, ngày 7/1, các máy bay do thám Mỹ rời căn cứ Kadena ở Nhật Bản để thu thập thông tin về hoạt động thử nghiệm hạt nhân của Triều Tiên.
Bình Nhưỡng tuyên bố thử nghiệm thành công một thiết bị hạt nhân hydro thu nhỏ lúc 10h (giờ địa phương) ngày 6/1. Theo Triều Tiên, đây là bước tiến đáng kể trong khả năng tấn công của nước này. Động thái khiến Nhật Bản, Hàn Quốc thiết lập tình trạng báo động và cộng đồng quốc tế lên án.
Giới quan sát khó xác nhận tuyên bố của phía Triều Tiên và các nước khác đang xác minh liệu có phải Bình Nhưỡng đã thử thành công thiết bị hạt nhân hydro thu nhỏ hay không. Trong khi đó, quan chức thân cận tình báo Mỹ cho biết vụ thử bom lần thứ 4 của Triều Tiên có sức công phá ước tính khoảng 5-7 kiloton, thấp hơn so với một vụ nổ bom nhiệt hạch (bom H) thông thường.
Ngày 8/1, Hàn Quốc đã tái khởi động hệ thống tuyên truyền bằng loa phóng thanh dọc biên giới Triều Tiên để phản đối Bình Nhưỡng tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch. Hàn Quốc đã nâng cảnh báo quân sự lên mức cao nhất trong khu vực gần nơi đặt các loa phóng thanh. Seoul cũng tăng cường bảo vệ an ninh mạng do lo ngại về một vụ tấn công có thể xảy ra từ phía Triều Tiên.
Đáp lại các động thái trên, Triều Tiên cũng cho lắp loa phóng thanh tuyên truyền chống Hàn Quốc và điều động binh sĩ dọc khu vực biên giới hai nước.