Theo South China Morning Post, bước đi là hệ quả từ việc Washington ngưng áp dụng Đạo luật Chính sách Hong Kong 1992 và sử dụng sắc lệnh "Bình thường hóa Hong Kong" của Tổng thống Donald Trump. Hai quyết định trên chấm dứt tư cách thương mại đặc biệt Mỹ áp dụng cho Hong Kong. Tư cách này đã bảo vệ Hong Kong trước những đòn áp thuế Washington giáng vào hàng hóa Trung Quốc từ năm 2018 đến nay.
Một khi thông cáo có hiệu lực, các công ty Hong Kong sẽ đối diện hàng rào thuế quan tương tự các công ty đại lục. Dù Mỹ và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn một, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung còn nhiều lệnh áp thuế vẫn đang có hiệu lực.
Thông cáo dự kiến được đăng lên Công báo Liên bang Mỹ (Federal Register) vào ngày 11/8. Thay đổi sẽ có hiệu lực "45 ngày sau công bố" và hàng hóa Hong Kong "phải được đánh dấu thể hiện nguồn gốc là Trung Quốc".
Bước đi xuất phát từ "quyết định rằng Hong Kong không còn đủ mức tự chủ để đáp ứng cách đối xử khác biệt so với Trung Quốc". Hàng hóa trái luật sẽ chịu mức thuế phạt 10% khi đến các cảng của Mỹ.
Sức ép từ chiến tranh thương mại khiến việc hàng hóa Trung Quốc đi qua trung gian là Hong Kong để tái xuất khẩu sang Mỹ ngày một phổ biến. Ảnh: Reuters. |
Từ tháng 1 đến tháng 5, xuất khẩu từ Hong Kong sang Mỹ đã giảm 22,3% so với cùng kỳ năm 2019.
Giới quan sát dự đoán xét riêng bước đi này thì tác động đến kinh tế Hong Kong không quá lớn. Hàng hóa sản xuất tại chính đặc khu xuất khẩu sang Mỹ chỉ chiếm một phần nhỏ tổng xuất khẩu nền kinh tế. Phần lớn giá trị hàng hóa rời Hong Kong là "tái xuất khẩu" từ đại lục.
Hàng nội địa Hong Kong xuất khẩu sang Mỹ trong năm 2019 là khoảng 471 triệu USD, tương đương 0,1% tổng hàng hóa xuất khẩu từ nơi này sang Mỹ, theo Hội đồng Thương mại và Phát triển Hong Kong.
"Nhìn một cách bao quát, điều này rõ ràng không tốt. Tuy nhiên, nó không quá nhiều ý nghĩa vì nhìn chung giá trị khá hẹp", John Marrett, chuyên gia phân tích kinh tế ở Hong Kong, chia sẻ.
Dù vậy, sự thay đổi chính sách của Washington sẽ khiến Hong Kong thêm chật vật giữa những khó khăn chồng chất. Nền kinh tế đặc khu trong quý II/2020 đã giảm gần 9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trước diễn biến dịch Covid-19 và tác động từ các biện pháp giãn cách xã hội, cùng với tình hình chính trị xã hội nhiều mơ hồ sau luật an ninh quốc gia mà Bắc Kinh thông qua vào tháng 6, sức ép lên nền kinh tế đặc khu đang ngày một lớn.