John F. Kirby, thư ký báo chí Lầu Năm Góc thông báo rằng nhóm tác chiến tàu sân bay USS Nimitz sẽ rời khu vực làm nhiệm vụ thuộc Bộ chỉ huy Trung tâm để tiến vào Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trang web của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết.
“Chúng tôi muốn gửi lời cảm ơn tất cả những người đàn ông và phụ nữ trên các tàu trong nhóm tác chiến, các phi đội đã hỗ trợ Bộ tư lệnh Trung tâm trong hơn 270 ngày qua, đảm bảo an ninh quốc gia và ngăn chặn xung đột ở một khu vực rất quan trọng trên thế giới”, ông Kirby nói.
Tàu sân bay Nimitz sẽ trở về căn cứ ở Bremerton, Washington, thuộc khu vực trách nhiệm của Hạm đội 7. Con tàu có thể tham gia các nhiệm vụ huấn luyện, tập trận và nhân đạo ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Với động thái này, Mỹ sẽ không có tàu sân bay nào ở Trung Đông. Tuy vậy, thư ký Kirby cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd J. Austin III tin rằng Mỹ có sự hiện diện mạnh mẽ ở Trung Đông.
Tàu sân bay Nimitz sẽ rời Trung Đông. Ảnh: Hải quân Mỹ. |
Lực lượng quân sự Mỹ có nhiều căn cứ ở các quốc gia vịnh Ba Tư và có đủ sức mạnh không quân để chống lại bất kỳ kẻ thù nào.
Ông Kirby cho biết Bộ trưởng Austin thường xuyên thảo luận với tướng Frank McKenzie, Tư lệnh Bộ chỉ huy Trung tâm, cũng như các chỉ huy khác. Bộ trưởng Austin phải cân đối các yêu cầu từ nhiều khu vực khác nhau, và Mỹ có số lượng tàu sân bay giới hạn.
“Mọi quyết định mà chúng tôi đưa ra với các lực lượng quân sự, đặc biệt là với tài sản quan trọng như tàu sân bay là một quyết định được thúc đẩy bởi sự đánh giá thông suốt về các mối đe dọa trong khu vực. Vì vậy, bộ trưởng đã lưu tâm đến bức tranh địa chiến lược lớn hơn, khi ông chấp thuận việc di chuyển nhóm tác chiến tàu sân bay ra khỏi Bộ tư lệnh Trung tâm”, thư ký Kirby nói.
Việc rút tàu sân bay Nimitz cũng được cân nhắc dựa trên thời gian triển khai của các thủy thủ. Nimitz và các tàu hộ tống đã làm nhiệm vụ lâu hơn so với yêu cầu thông thường. Sức khỏe các thủy thủ và sự hao mòn thiết bị cũng là các yếu tố góp phần cho quyết định rút tàu về căn cứ.