Tàu khu trục USS Milius tại căn cứ hải quân Mỹ ở Yokosuka, Nhật Bản. Ảnh: Reuters. |
Hải quân Mỹ cho biết tàu chiến Mỹ đã tuân thủ luật pháp quốc tế khi hoạt động gần quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam).
“Tàu USS Milius đang tiến hành các hoạt động thường lệ ở Biển Đông và không gặp trở ngại. Mỹ sẽ tiếp tục bay, di chuyển và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép”, Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ tuyên bố.
Tuyên bố từ Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ cũng bác bỏ hoàn toàn thông tin trước đó từ Bộ Tư lệnh Chiến khu phía Nam của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, nhấn mạnh rằng thông tin đó hoàn toàn sai.
Trước đó, Bộ Tư lệnh Chiến khu phía Nam của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc ngày 23/3 nói rằng họ đã yêu cầu tàu khu trục tên lửa USS Milius rời khỏi khu vực Biển Đông, theo Guardian.
Quân đội Trung Quốc còn cho biết họ đã “tổ chức các lực lượng trên biển và không quân để theo dõi và giám sát” tàu USS Milius.
Quần đảo Hoàng Sa hoàn toàn thuộc chủ quyền của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.
Trong những ngày gần đây, tài khoản mạng xã hội của Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ (USINDOPACOM) xác nhận nhiều cuộc tập trận của Hải quân Mỹ ở khu vực Đông Á, bao gồm Biển Hoa Đông, vùng biển ngoài khơi Philippines và Biển Đông.
Trung Quốc từng nhiều lần yêu cầu tàu chiến Mỹ ở Biển Đông rời đi. Tháng 7/2022, quân đội Trung Quốc tuyên bố đã triển khai lực lượng “xua đuổi” tàu khu trục USS Benfold.
Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ vào thời điểm đó cho biết tuyên bố của Trung Quốc là “sai trái”. Mỹ thường xuyên triển khai các hoạt động tự do hàng hải (FONOP) ở vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông, do tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ làm chủ biên, nói về lịch sử xác lập, thực thi các quyền, lợi ích chính đáng của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, với các vùng biển, thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia.