Thị trường gọi xe công nghệ tại Việt Nam đang là miếng bánh chia cho nhiều ứng dụng như Grab, Gojek, be, Baemin, ShopeeFood hay AhaMove. Năm 2021, Bộ Công Thương ước đạt doanh thu của mô hình này khoảng 2,4 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng bình quân 30-35%/năm kể từ năm 2015.
Trong lĩnh vực kinh tế số, tốc độ tăng trưởng người dùng của gọi xe trực tuyến chỉ xếp sau thương mại điện tử. Dự kiến, doanh thu gọi xe trực tuyến có thể chạm 4 tỷ USD vào năm 2025.
Tuy nhiên, dù đã có 8 năm hoạt động, mô hình này vẫn tồn tại nhiều vấn đề bất cập liên quan đến giá cước và phụ phí.
Loạn giá cước, phụ phí
Để đa dạng hóa nhu cầu sử dụng dịch vụ của khách hàng cũng như cân đối lợi ích của tài xế và nền tảng, trung bình mỗi ứng dụng gọi xe công nghệ hiện nay lại phát sinh trên dưới 8 loại phụ phí.
Bên cạnh giá cước được niêm yết cố định, phần lớn ứng dụng đều áp dụng mô hình biểu phí linh hoạt. Theo đó, căn cứ vào tình hình thời tiết và thời gian trong ngày, giá cước dịch vụ có thể tăng thêm hàng chục nghìn đồng.
Dẫu vậy, các ứng dụng chỉ nêu lý do nâng giá cước trong giao diện đặt hàng của người dùng, ví dụ vì đơn hàng đặt vào giờ cao điểm, thời tiết xấu. Còn tăng bao nhiêu, dựa vào đâu để tăng, tỷ lệ thụ hưởng giữa hãng và tài xế ra sao đều không thông tin chi tiết.
Không ít shipper chịu thiệt vì ứng dụng thiếu minh bạch. Ảnh: Thạch Thảo. |
Mới đây, một tài xế của Grab phản ánh sau khi hoàn thành cuốc xe giao đồ ăn có lộ trình 2,98 km, anh nhận được 16.000 đồng, thực lĩnh 11.636 đồng sau khi trừ thuế, chiết khấu. Mặt khác, người đặt phải trả 27.000 đồng, cao hơn bình thường do thuộc giờ cao điểm.
Như vậy, thay vì nhận 27.000 đồng nhờ trực tiếp tham gia vào quá trình lao động vào giờ cao điểm, anh được hưởng 16.000 đồng trong khi khoản chênh 11.000 đồng thuộc về Grab.
Trao đổi với Zing, ứng dụng cho biết dịch vụ có thể được áp dụng biểu giá linh động hai chiều theo thuật toán nhằm phản ánh tình hình cung - cầu của thị trường và được dựa vào thực tế quãng đường di chuyển của đối tác tài xế. Ở một số trường hợp nhất định, sẽ có sự chênh lệch giữa giá cước mà đối tác nhận được và giá cước mà người dùng thanh toán.
Tuy nhiên, hãng không giải thích khoản tiền chênh kia được sử dụng trong mục đích nào cũng như vì sao không được niêm yết cụ thể.
Cần đặt minh bạch lên hàng đầu
Theo luật sư Nguyễn Thanh Hà - Giám đốc Công ty Luật S&B - ở góc độ quản lý, các hãng xe công nghệ muốn thu phụ phí phải báo cáo với cơ quan có thẩm quyền, vì đây là vấn đề liên quan đến người tiêu dùng nên phải được cơ quan chức năng cho phép.
Nhà nước không định giá dịch vụ vận tải, doanh nghiệp tự kê khai giá cước. Nếu thực hiện tăng giá cước hay thu thêm các loại phụ phí, Grab đều phải kê khai với cơ quan quản lý và thực hiện đúng theo mức giá, mức phụ phí đã kê khai
Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Giám đốc Công ty Luật S&B
Trường hợp giá kê khai hoặc phụ phí có bất thường hoặc chưa hợp lý, cơ quan quản lý có quyền yêu cầu doanh nghiệp giải trình để làm rõ.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng không thể tùy tiện ban hành các loại phí, lệ phí mà phải tuân thủ theo Nghị định 126/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật phí và lệ phí. Do đó, khi đưa ra các loại phí, hãng phải thông báo rõ ràng đến người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, Grab cần có trách nhiệm giải trình rõ về việc thu các khoản phụ phí. Cụ thể, phụ phí như vậy thì tài xế được hưởng toàn bộ hay phải chia phần trăm cho Grab.
Với những phụ phí doanh nghiệp đưa ra nhưng chưa có sự đồng tình hoặc rõ ràng với khách hàng, cơ quan quản lý cần vào cuộc yêu cầu doanh nghiệp làm rõ, nhằm bảo vệ quyền lợi cho khách hàng sử dụng dịch vụ mà cụ thể là các dịch vụ vận tải của ứng dụng xe công nghệ.
Cần sớm có quy định cụ thể
Đây phải không phải lần đầu tiên câu chuyện minh bạch cước và phụ phí đối với xe công nghệ được đề cập. Ngay tháng trước, Grab từng dính vào lùm xùm khi tung chính sách phụ phí nắng nóng nhưng không công khai cụ thể tỷ lệ ăn chia với tài xế hoặc căn cứ xác định thời tiết “nắng nóng gay gắt”.
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho rằng trường hợp phụ phí nắng nóng hoặc các loại phí, phụ phí khác do Grab áp dụng nếu được cộng trực tiếp vào giá cước sẽ làm thay đổi tổng cước phí mà người tiêu dùng phải trả. Vì vậy phải được thông báo đầy đủ, rõ ràng cho người tiêu dùng trước khi áp dụng theo quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Ứng dụng xe công nghệ có trách nhiệm kê khai, làm rõ những điều chỉnh về giá cước, phụ phí. Ảnh: Thạch Thảo. |
Cục khuyến nghị Grab thông báo rõ ràng cho đối tác tài xế về cơ chế phân chia nguồn thu từ các loại phí, phụ phí và thiết lập hệ thống đảm bảo tự động tách bạch và phân chia nguồn thu từ các loại phí, phụ phí đó trước khi áp dụng.
“Thông báo về việc áp dụng, điều chỉnh, hủy bỏ chính sách giá, phí, phụ phí và các điều kiện giao dịch chung khác cho người tiêu dùng trước khi thực hiện giao dịch. Trong đó, nội dung thông báo phải đảm bảo yêu cầu đầy đủ, rõ ràng và dễ hiểu theo quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để người tiêu dùng có cơ sở lựa chọn hàng hóa, dịch vụ hoặc quyết định tham gia giao dịch", cơ quan này đề nghị.
Ngay cả khi đã có sự vào cuộc của Cục Cạnh tranh bảo vệ người tiêu dùng, nếu không sớm có những chế định luật riêng điều chỉnh thì sự việc sẽ ngày càng phức tạp và khó kiểm soát
Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Giám đốc Công ty Luật S&B
Theo luật sư Nguyễn Thanh Hà, hiện chưa có quy định cụ thể nào về việc áp dụng thu phụ phí đối với các hãng xe công nghệ, chính vì thế việc xác định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của các hãng xe công nghệ còn rất “mập mờ”. Từ đó nhận thấy cần có đề án bài bản để quản lý về thuế, điều kiện kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp cung cấp ứng dụng.
Một số chuyên gia kinh tế cũng cho rằng về bản chất, việc một số hãng xe công nghệ tung phụ phí hoặc tăng phí là hình thức tăng giá dịch vụ. Do đó, Bộ Tài chính cần bổ sung hình thức quản lý giá phù hợp với những mặt hàng, dịch vụ kinh doanh áp dụng công nghệ số.
Hiện Bộ Tài chính cũng đang lấy ý kiến các Bộ, ngành, đơn vị đối với dự thảo Luật giá sửa đổi. Trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các Bộ, ngành (trong đó gồm Bộ Giao thông Vận tải - Bộ quản lý chuyên ngành lĩnh vực giao thông vận tải) đối với vấn đề giá cước vận tải, phụ phí, Bộ Tài chính sẽ tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định hình thức quản lý giá đối với khoản thu này.