Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mùa Tết buồn của hàng không Việt

Lượng khách đi xuống cùng giá vé giảm kỷ lục vì Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới doanh thu cao điểm Tết Nguyên đán 2021 của các hãng hàng không.

Trong năm 2020, lãnh đạo các hãng bay Việt liên tục nhắc về cao điểm Tết và cao điểm hè. Dịch Covid-19 bùng phát vào cuối tháng 2/2020 đã khiến hàng không Việt Nam có một năm khủng hoảng, tuy nhiên các hãng vẫn kinh doanh tốt trong quý I/2020 nhờ toàn bộ cao điểm Tết 2020 không bị ảnh hưởng.

Cụ thể, doanh thu quý I/2020 của Vietnam Airlines đạt hơn 18.800 tỷ đồng, gần bằng cả 3 quý sau cộng lại. Tương tự, doanh thu của Vietjet Air trong quý I/2020 cũng đạt 7.200 tỷ đồng, bằng 2 quý sau đó cộng lại.

Khách giảm, giá vé rớt sâu

Tương quan trên để thấy với hàng không Việt Nam, cao điểm Tết hàng năm đóng góp doanh thu lớn tới đâu. Đây cũng là dịp bầu trời Việt đông đúc nhất khi các sân bay, đặc biệt là Tân Sơn Nhất (TP.HCM), Nội Bài (Hà Nội), Đà Nẵng, Cát Bi (Hải Phòng) hay Vinh (Nghệ An) hoạt động hết công suất.

Cao điểm Tết quan trọng ra sao với hàng không Việt
Doanh thu của Vietnam Airlines và Vietjet Air trong 4 quý năm 2020
NhãnQuý 1/2020 (Cao điểm Tết)Quý 2/2020Quý 3/2020Quý 4/2020
Vietnam Airlines Tỷ đồng 18812599576028202
Vietjet Air
7230496928094429

Tuy nhiên sang năm 2021, cao điểm đầu tiên trong năm của hàng không Việt Nam đã diễn ra không thuận lợi khi dịch Covid-19 tái bùng phát tại nhiều tỉnh thành ngay dịp cận Tết Nguyên đán, khiến nhiều hành khách đắn đo trước quyết định đặt vé về quê ăn Tết.

Theo đó, vào thời điểm tháng 12/2020, diễn biến giá vé vẫn tương tự như mọi năm khi những chuyến bay mở bán sớm có tỷ lệ lấp đầy tốt, giá vé nhanh chóng chạm mức 6-7 triệu đồng, hành khách phải chạy đua đặt vé sớm.

Nhưng tới tháng 1 khi xuất hiện những ca lây nhiễm trong cộng đồng đầu tiên, giá vé máy bay nhanh chóng giảm sâu. Đầu tháng 1, giá vé khứ hồi rẻ nhất trên trục vàng TP.HCM - Hà Nội đã bao gồm thuế phí nhích xuống mức 5,7 triệu đồng, rồi hạ xuống 4,6 triệu đồng vào giữa tháng 1.

Tới cuối tháng 1, giá vé chỉ còn khoảng 4 triệu đồng và tới đầu tháng 2, thời điểm cận Tết, giá vé xuống thấp kỷ lục, có lúc chỉ còn 2,5 triệu đồng khứ hồi TP.HCM - Hà Nội, mức giá không tưởng trong những dịp cao điểm Tết trước đó.

Trong khi các hãng hàng không đã lên kế hoạch tăng chuyến, chuẩn bị cho cao điểm Tết 2021 bận rộn, lượng hành khách lại đi ngược kỳ vọng vì ảnh hưởng của dịch bệnh. Theo lãnh đạo Cục Hàng không, trong giai đoạn Tết 2021, các hãng đã lập kế hoạch khai thác trung bình hơn 1.000 chuyến bay nội địa/ngày, tăng 28% so với cùng kỳ Tết năm trước và ngày cao điểm nhất đạt 1.200 chuyến bay/ngày, tăng 25,3% so với cùng kỳ Tết năm trước.

Lượng chuyến tăng nhưng lượng khách chuyên chở lại giảm. Trong 7 ngày cao điểm Tết, các hãng hàng không Việt Nam ghi nhận sản lượng đạt 408.000 khách (giảm gần 65% so với cùng kỳ) và 2.000 tấn hàng hóa (giảm hơn 54%).

Tính riêng tại 3 sân bay lớn, sân bay Tân Sơn Nhất chỉ đạt 256.000 lượt hành khách (giảm hơn 71%) với 3.400 lượt cất hạ cánh (giảm 44,5%). Sân bay Nội Bài đạt 1.900 lượt hạ cất cánh (giảm hơn 51%) với tổng 136.000 lượt khách (giảm gần 75%). Sân bay Đà Nẵng đạt 580 lượt cất hạ cánh (giảm 73,8%) với 43.000 lượt khách (giảm 86,2%), 124 tấn hàng hóa (giảm 60,1%) so với cùng kỳ.

Kế hoạch tăng 28% số chuyến bay nhưng lại ghi nhận giảm 65% lượng khách, dễ thấy hàng không Việt đã mất cao điểm Tết 2021. Đây cũng là nguyên nhân khiến giá vé giảm sâu khi các hãng bay phải cạnh tranh nguồn khách ít còn lại và buộc các hãng phải giảm lượng chuyến bay để tránh lỗ.

Mong chờ cao điểm hè

Theo thống kê, số chuyến bay thực hiện ngày 3/2 (22 tháng Chạp) là 524 chuyến (kế hoạch là 909 chuyến) với 70.000 hành khách, giảm 83 chuyến bay so ngày 2/2 và chỉ bằng khoảng 80% lượng chuyến bay ngày 22 tháng Chạp năm Canh Tý 2020.

Cho đến 5/2, tình hình đã được cải thiện với việc các hãng hàng không khai thác 643 chuyến bay và lượng vận chuyển dự kiến khoảng 85.400 khách, tăng 15.400 khách so với ngày 4/2. Cục Hàng không dự kiến ngày 6/2, tổng số chuyến bay của các hãng là 746 chuyến bay với tổng số khách đạt xấp xỉ 104.000 khách.

doanh thu hang khong viet tet 2021 anh 1

Cao điểm Tết 2021 không như kỳ vọng, Hàng không Việt sẽ buộc phải trông đợi vào tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt để đón cao điểm hè. Ảnh: Hoàng Hà.

Cũng nhằm cạnh tranh dòng tiền cao điểm Tết, hàng loạt hãng bay Việt đã tung ưu đãi rộng rãi cho hành khách. Tết 2021, ngoài việc được di chuyển với giá vé rẻ, hành khách thường xuyên được hưởng các chương trình khuyến mại như tặng hành lý ký gửi cho những hạng vé rẻ không có dịch vụ này. Những dịch vụ này ở cao điểm Tết 2020 cũng là nguồn thu lớn cho các hãng nhưng nay buộc phải tặng miễn phí để lấp đầy máy bay.

Phải tới những ngày sát Tết như từ 27 tháng Chạp, tỷ lệ lấp đầy các chuyến bay và giá vé của các hãng bay mới có sự cải thiện. Theo Vietnam Airlines, sau quãng thời gian chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 tái bùng phát, tới sát Tết, tâm lý hành khách đã ổn định hơn và các chuyến bay cũng ghi nhận tỷ lệ lấp đầy trở lại mức 80-95%.

Thống kê từ Zing cũng ghi nhận giá vé đã nhích tăng trở lại trong giai đoạn này, tuy nhiên vẫn không thể so sánh với các cao điểm Tết trước đó khi có năm giá vé lên trần hơn 7 triệu đồng từ trước Tết 1,5 tháng.

Hàng không Việt đã mở đầu năm 2021 với bước chạy đà không thuận lợi do ảnh hưởng dịch bệnh. Các hãng bay buộc phải mong chờ vào yếu tố dịch bệnh sớm được kiểm soát để khai thác tốt cao điểm còn lại trong năm là cao điểm hè 2021. Đây sẽ là cơ hội bổ sung dòng tiền lớn khi nhu cầu du lịch, thăm thân của hành khách đang bị kìm nén vì dịch bệnh.

Săn vé máy bay Tết kiểu 'mua đào chiều 30'

Khi giá vé máy bay cao điểm Tết Tân Sửu liên tục giảm, nhiều hành khách quyết định chờ tới sát giờ để mua vé rẻ nhất có thể.

Ngô Minh

Bạn có thể quan tâm