Sau cơn mưa lớn chiều 22/6, con hẻm cụt số 2 đường Đồ Sơn (quận Tân Bình) lênh láng nước đen kịt trên mặt đường, ngập đến sát cổng nhà dân.
"Nước từ kênh A41 dềnh lên, gần 2 giờ sau mới rút. Nhà tôi nằm cuối hẻm, xây cao hơn mặt đường, may không bị ngập. Đây không phải lần đầu nước từ con kênh này tràn lên", chị Mai Hoa (người dân trong hẻm) kể.
Cùng thời gian đó, hành khách đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất phải tháo giày dép bì bõm lội nước để bước từ xe trung chuyển vào sảnh. Sân bay ngập nước không gây bất ngờ với nhiều người, vì trước đó phi trường này bị ngập nhiều lần.
Tình trạng này kéo dài nhiều năm. Các cơ quan chức năng nhận định một trong những nguyên nhân chính gây ngập như trên nằm ở kênh A41 chưa được cải tạo. Dù thành phố đã có chỉ đạo làm mới con kênh, dự án này vẫn bất động vì nhiều lý do.
Dự án thoát ngập sau 6 năm vẫn nằm im
Cơn mưa lớn ngày 26/8/2016 từng khiến bánh xe máy bay bị ngập, các bãi đỗ chìm trong biển nước khoảng 30 cm, phải đến 2 giờ sau nước rút, sân bay mới hoạt động lại. Trận ngập năm ấy đã khiến hơn 70 chuyến bay đến Tân Sơn Nhất bị ảnh hưởng và hàng loạt chuyến bay bị ảnh hưởng dây chuyền.
Bãi đỗ sân bay Tân Sơn Nhất chìm trong biển nước ngày 26/8/2016. Ảnh: CTV. |
Trong đó, kênh A41 (phường 4, quận Tân Bình) là một trong 3 đường thoát nước chính của sân bay Tân Sơn Nhất, có chức năng tiêu thoát 50% nước ở sân bay ra ngoài. Sau trận ngập, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM đã phê duyệt dự án xây dựng cải tạo tuyến kênh này vào tháng 10/2026, do UBND quận Tân Bình làm chủ đầu tư.
Thành phố yêu cầu quận Tân Bình đền bù giải phóng mặt bằng xong vào tháng 6/2017, sau đó triển khai thi công và hoàn thành vào năm 2018. Tuy nhiên, dự án đến giờ còn nằm trên giấy.
Hàng ngày người dân chịu đựng mùi hôi thối, sống ở ‘khu sân bay’ giữa thành phố nhưng môi trường quá tệ.
Chị Mai Hoa sống trong con hẻm ven kênh A41, đồng thời công tác trong sân bay Tân Sơn Nhất. Chị cho biết khu nhà chị và một góc sân bay vẫn ngập trong những trận mưa lớn.
Không riêng chị Hoa, người dân ở các con đường ven kênh cùng cảnh ngộ, phải chịu cảnh nước ngập mỗi khi mưa lớn và mùi hôi thối mỗi ngày do kênh ô nhiễm trầm trọng.
Lòng kênh nhỏ, không đáp ứng khả năng tiêu thoát nước, đã thế còn bị lấn chiếm. Đi dọc tuyến kênh qua các đường Đồ Sơn, Ba Vì, Cộng Hòa, tại nhiều đoạn, công trình xây dựng cả tạm bợ lẫn bê tông đã lấn ra gần nửa lòng kênh nhiều năm.
Không những thế, đủ loại rác đang bồi lấp dòng kênh như rác sinh hoạt, rác xây dựng, cành cây, nước thải trực tiếp từ nhà dân, phế phẩm… Nhiều đoạn bị người dân tập kết bãi rác, vật liệu xây dựng dọc bờ kênh hay bồi đất chăn thả gia cầm dưới lòng kênh. Mỗi khi mưa lớn, đống rác này là nguyên nhân gây tắc nghẽn cống, khiến nước dềnh mặt đường.
Rác phủ mặt kênh, có đoạn còn bít cống và công trình lấn chiếm khiến lòng kênh A41 bị thu hẹp dòng chảy. Ảnh: Ý Linh. |
“Lâu lâu mưa lớn nước ngập đã đành, nhưng hàng ngày người dân phải chịu đựng mùi hôi thối bốc lên và khung cảnh như bãi rác ngay trước nhà. Mang tiếng sống ở ‘khu sân bay’ giữa thành phố nhưng môi trường quá tệ. Mọi người mong con kênh sớm được cải tạo”, một người dân trong hẻm 2 đường Đồ Sơn nói.
Nhiều tranh cãi, dự án chưa thể triển khai
Theo quy mô dự án cải tạo kênh A41 được Sở GTVT duyệt, lòng kênh đoạn từ đường Út Tịch đến đường Giải Phóng sẽ lắp đặt cống hộp đôi, đoạn từ đường Giải Phóng đến đường Phan Thúc Duyện gồm 2 nhánh lắp đặt cống hộp đơn 2,5 m. Mặt kênh sẽ được làm đường rộng 12 m, vỉa hè mỗi bên 4 m cùng hệ thống chiếu sáng, cây xanh.
Theo thông tin từ Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận Tân Bình, tổng diện tích thu hồi đất của dự án là hơn 19.354 m2 cho 837,5 m đường kênh. Trong đó, diện tích đất ở của người dân bị thu hồi là 8.041 m2, có 142 trường hợp bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, các hộ dân nằm trong diện bị giải tỏa cho rằng thiết kế trên của chủ đầu tư không hợp lý ở nhiều chỗ. Ngày 14/2, họ làm đơn khiếu nại tập thể gửi đến UBND quận Tân Bình; ngày 16/5 đơn khiếu nại tiếp tục được gửi đến UBND TP.HCM.
Trong đơn khiếu nại, người dân nói chủ đầu tư nắn cong tuyến đường, bẻ lệch tâm dòng kênh vào sát nhà dân để né công trình của các doanh nghiệp. Việc này sẽ phá vỡ nhiều công trình nhà ở đã ổn định gần 30 năm nay.
Ngôi nhà của chị Mai Hoa nằm ở điểm đầu tiên cần cắt vào để mở đường làm lại kênh, tại đường Đồ Sơn giao Phan Thúc Duyện. Nếu tim kênh bị lệch vào, chủ hộ sẽ phải phá dỡ 2 trụ cột chính của ngôi nhà 3 tầng.
Nặng nề hơn là trường hợp của bà Lê Thị Sửa nhà số 124/1 đường Cộng Hòa, nằm gần cuối dự án cải tạo kênh. Theo quy hoạch trên giấy do chủ đầu tư vẽ, nhà bà Sửa sẽ bị cắt đi 8 m, mất nửa căn nhà hiện tại.
Xung quanh đó còn nhiều hộ dân bị ảnh hưởng tương tự, trực tiếp và gián tiếp nếu triển khai theo dự án trên giấy hiện tại, điều này tác động không nhỏ đến đời sống của các hộ như việc chuyển nhà, sinh kế, giấy tờ, bồi thường...
“Dự án mà chủ đầu tư công bố chưa hài hòa với quyền lợi hợp pháp, chính đáng của chúng tôi. Vì thế, chúng tôi khiếu nại”, người dân sống bên kênh A41 nói với Zing.
Đoàn giám sát của HĐND TP.HCM khảo sát tuyến kênh A41 năm 2019. Sau nhiều lần khảo sát khác của thành phố và quận, dự án vẫn bất động. Ảnh: Sỹ Đông. |
Thêm nữa, người dân cho biết ban quản lý dự án và Hội đồng Bồi thường, hỗ trợ và tái định cư quận Tân Bình đã 2 lần lập phương án bồi thường giải phóng mặt bằng gửi tới từng hộ gia đình bị ảnh hưởng. Nhưng người dân cho rằng giá đền bù quá thấp, nên chưa chấp thuận.
“Từ năm 2016 đến nay chưa có đại diện cơ quan chức năng nào giải thích rõ cho dân tại sao giá đền bù chỉ bằng 30-40% so với giá thị trường. Chính quyền quận chỉ trả lời chung chung rằng tất cả dựa theo quyết định của thành phố, mà không đưa ra văn bản chứng minh”, người dân nói.
Tháng 4/2019, UBND quận Tân Bình đã trình Sở Tài nguyên và Môi trường đơn giá đất tính bồi thường, hỗ trợ. Song đến nay vẫn chưa giải quyết được vấn đề bồi thường.
Đến ngày 24/3, Hội đồng Bồi thường, hỗ trợ và tái định cư quận Tân Bình có buổi tiếp xúc đối thoại với các hộ dân chưa đồng ý nhận tiền đền bù. Biên bản buổi đối thoại nêu rằng đơn giá bồi thường đã thực hiện đúng theo quy định pháp luật. Về hướng tuyến và tim kênh, tổ công tác sẽ liên hệ tại nhà để kiểm tra, giải thích cho chủ sở hữu.
Hơn 2 tháng qua, chủ đầu tư và cơ quan chức năng quận đã đến từng nhà bị ảnh hưởng để ghi nhận hiện trạng và giải thích với người dân, nhưng nhiều hộ dân vẫn chưa đồng thuận.
"Chúng tôi mong các cơ quan chức năng cấp thành phố cho thanh tra lại dự án và yêu cầu quận Tân Bình giải quyết khiếu nại theo đúng trình tự pháp lý. Nếu phương án thấu tình đạt lý, chúng tôi sẵn sàng chịu thiệt một chút, vì dự án cải tạo kênh A41 tốt cho nhiều người dân", gia chủ bị cắt nửa ngôi nhà lên tiếng.