Các cuộc biểu tình mở màn cho những gì mà nhiều nhà tổ chức dự đoán sẽ là một "mùa hè thịnh nộ", châm ngòi bởi thông tin rò rỉ hồi 2/5 về một dự thảo cho thấy Tòa án Tối cao sẵn sàng đảo ngược luật hợp pháp hóa việc phá thai dựa trên án lệ "Roe v Wade", ban hành ở Mỹ năm 1973, theo Reuters. |
Phán quyết cuối cùng của tòa án có thể trao lại quyền cấm phá thai cho các cơ quan lập pháp tiểu bang, dự kiến vào tháng 6. Khoảng một nửa trong số 50 bang sẵn sàng cấm hoặc hạn chế nghiêm trọng việc phá thai gần như ngay lập tức nếu phán quyết “Roe v Wade” bị bãi bỏ. |
Những người biểu tình cùng khẩu hiệu "Bans off our bodies" đã đổ xuống đường ở New York, Atlanta, Chicago, và Los Angeles để bày tỏ sự phẫn nộ, cùng hy vọng rằng đảng Dân chủ có thể lấn át đảng Cộng hòa - từng nhiều lần tìm cách lật ngược quyền phá thai - trong cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11 năm nay. |
Đảng Cộng hòa đã nỗ lực trong nhiều năm để lật ngược phán quyết "Roe v Wade" - điều gần như không thể tránh khỏi khi ba thẩm phán bảo thủ được bổ nhiệm dưới thời ông Donald Trump, làm thay đổi cán cân chính trị của Tòa án Tối cao sang phía cánh hữu. |
Cuộc biểu tình lớn nhất trong ngày diễn ra ở Washington. Các nhà tổ chức ước tính khoảng 20.000 người đã tập trung tại Đài tưởng niệm Washington, bất chấp mưa phùn để tuần hành dọc National Mall qua Điện Capitol đến Tòa án Tối cao. Brita Van Rossum (62 tuổi) đã đi từ ngoại ô Philadelphia đến tham gia cuộc biểu tình đòi quyền phá thai ở thủ đô Washington, D.C. |
Cuộc biểu tình nổ ra trong những tiếng la hét "Shame" (tạm dịch: Đáng xấu hổ) và "Bans off our bodies" (tạm dịch: Hãy dỡ bỏ các lệnh cấm khỏi cơ thể của chúng tôi) khi những người tuần hành đến gần của tòa án. |
Ở thành phố New York, hàng nghìn người ủng hộ quyền phá thai băng qua cầu Brooklyn để đến Manhattan, nơi họ phải đối mặt với số ít nhà hoạt động chống phá thai. Cảnh sát đã đến để duy trì khoảng cách giữa hai nhóm. |
Một số ít người chống quyền phá thai hét vào những người ủng hộ: "Về nhà đi". Cuộc biểu tình dường như vẫn diễn ra trong ôn hòa, dù ít nhất một người phản đối đã bị nhân viên bảo vệ ở Washington hộ tống đi trước đó trong ngày. Trong ảnh, một người ủng hộ quyền phá thai đang phản biện với phe đối lập quan điểm. |
Nghị sĩ Sean Casten và con gái 15 tuổi của ông, Audrey, nằm trong số hàng nghìn người ủng hộ quyền phá thai đã tụ tập tại một công viên ở Chicago. Casten nói với Reuters rằng thật "kinh khủng" khi đa số người phe bảo thủ của Tòa án Tối cao định xem xét tước bỏ quyền phá thai và "kết án phụ nữ”. |
Elizabeth Holtzman (80 tuổi) một cựu nghị sĩ của New York từ năm 1973 đến 1981, nói rằng dự thảo bị rò rỉ của Tòa án Tối cao "coi phụ nữ là đồ vật, không phải là con người đầy đủ”. |
Malcolm DeCesare, một y tá 34 tuổi, đã tham gia biểu tình ở Los Angeles dưới cái nắng mùa hè, cho rằng việc bãi bỏ quyền phá thai hợp pháp có thể khiến tính mạng của phụ nữ gặp rủi ro khi tìm kiếm giải pháp thay thế không an toàn. |
Luật sư bảo vệ quyền lợi phụ nữ nổi tiếng Gloria Allred đã nói với đám đông về việc phá thai “chui” của chính cô khi còn trẻ, sau khi bà mang thai vì bị cưỡng hiếp trước khi có phán quyết Roe v Wade. “Tôi suýt chết. Tôi bị bỏ lại trong bồn tắm đầy máu của chính mình vì bị xuất huyết”. |
Vụ rò rỉ của Tòa án Tối cao đẩy phá thai trở lại vị trí gây tranh cãi hàng đầu của chính trị Mỹ, đặc biệt là khi các cuộc bầu cử giữa kỳ sắp diễn ra. Nhiều người biểu tình hôm 14/5 bày tỏ lo sợ rằng việc lật ngược quyền phá thai sẽ dẫn đến sự xói mòn các quyền tự do dân sự nói chung. |
"Đây là một sự sỉ nhục đối với mọi thứ mà tôi tin rằng con người chúng ta cần có”, Joel Altshuler (73 tuổi), người Los Angeles, nói. “Nếu phụ nữ không kiểm soát được những gì sắp xảy ra với cơ thể của mình, thì chúng ta đang quay trở lại năm 1850, chứ đừng nói là 1950”. |