Tòa án Tối cao Mỹ được cho là đã tạm thời bỏ phiếu để đảo ngược luật phá thai theo dự thảo ý kiến được Politico tiết lộ.
Bản dự thảo viết bởi Thẩm phán Samuel Alito và lưu hành bên trong tòa án nơi phe bảo thủ chiếm đa số. Theo dự thảo, luật cho phép hợp pháp hóa phá thai, dựa trên án lệ "Roe v Wade", là "sai lầm nghiêm trọng ngay từ đầu".
Việc này sẽ có ảnh hưởng đến luật pháp các tiểu bang và ảnh hưởng đến quyền lựa chọn của hàng triệu phụ nữ, chủ yếu nằm ở nhóm chưa kết hôn, mẹ đơn thân, ở tuổi ngoài 20, da màu...
Roe v Wade là gì?
Roe v Wade (Roe kiện Wade) là phán quyết mang tính bước ngoặt của Tòa án Tối cao Mỹ từ năm 1973 được thiết lập nhằm hợp pháp hóa việc phá thai trên toàn quốc.
Roe bãi bỏ luật cấm phá thai ở một số bang, tuyên bố rằng họ không thể cấm thủ tục này trước thời điểm thai nhi có thể sống sót bên ngoài tử cung (khả năng sống sót của thai nhi).
Do những cải tiến của y học, các chuyên gia ước tính khả năng sống sót của thai nhi bắt đầu từ 23 hoặc 24 tuần, so với 28 tuần như trước. Điều đó có nghĩa là tại thời điểm này của thai kỳ, em bé vẫn có khả năng sống sót nếu bị sinh non.
Vụ kiện đôi khi được gọi với cái tên rút gọn là “Roe”. Đây là biệt danh của bà Norma McCorvey trong vụ kiện diễn ra vào năm 1970. “Wade” là từ để chỉ Henry Wade lúc đó là công tố viên quận Dallas - bị đơn trong vụ kiện này.
Khi đó, bà McCorvey mới 22 tuổi và đã mang thai đứa con thứ 3 được 5 tháng.
Hai luật sư là Sarah Weddington và Linda Coffee muốn chống lại luật cấm phá thai ngoại trừ trường hợp để cứu sống người mẹ của bang Texas. Bà McCorvey lúc đó chỉ muốn “nhanh chóng phá thai” nên đã ký vào một bản tuyên thệ mà bà nói rằng mình thậm chí còn không đọc nó.
Vào ngày 22/1/1973, Tòa án Tối cao Mỹ đã ban hành phán quyết 7-2 trong vụ Roe v Wade. Phán quyết ghi rằng các quyền riêng tư theo thủ tục tố tụng và các điều khoản về quyền bình đẳng của Tu chính án thứ 14 mở rộng tới quyết định phá thai của phụ nữ trong 3 tháng đầu của thai kỳ sẽ “không bị nhà nước can thiệp”.
Theo New York Times, quyết định này đã định hình lại xã hội và chính trị Mỹ, trở thành một trong những chủ đề tranh cãi gây chia rẽ nước Mỹ nhất trong nửa thế kỷ qua. Nhiều người đồng tình với Roe v Wade khi các cuộc thăm dò liên tục cho thấy đa số người Mỹ không muốn Tòa án Tối cao nước này lật ngược luật cấm phá thai.
Planned Parenthood v Casey (Planned Parenthood kiện Casey) là quyết định mang tính bước ngoặt khác của Tòa án Tối cao Mỹ vào năm 1992. Vụ kiện này tái khẳng định kết luận trung tâm của Roe rằng theo hiến pháp, phụ nữ có quyền phá thai cho đến thời điểm thai nhi có khả năng sống sót ngoài tử cung.
Điều gì sẽ xảy ra nếu Roe v Wade bị lật đổ?
Theo phân tích từ Viện Guttmacher hồi tháng 4, hơn một nửa bang của Mỹ có khả năng hoặc gần như chắc chắn cấm phá thai nếu Tòa án Tối cao Mỹ đảo ngược phán quyết trong vụ Roe v Wade. Hiện tại, phá thai vẫn hợp pháp ở mọi tiểu bang của Mỹ và mỗi bang có ít nhất một phòng khám phá thai được cấp phép.
Theo CNN, nếu điều này diễn ra, từng bang của nước Mỹ sẽ có chính sách khác nhau và tạo ra một “hệ thống chắp vá”. Nhiều khả năng thủ tục này vẫn được tuân theo tại những bang do đảng Dân chủ chiếm ưu thế, trong khi các bang do đảng Cộng hòa lãnh đạo sẽ cấm hoàn toàn.
13 tiểu bang của Mỹ hiện có “trigger law” - một kiểu luật đã được thông qua để biến việc phá thai là hành động bất hợp pháp ngay sau khi Tòa án Tối cao ra phán quyết chống lại vụ Roe. Một số bang có luật phá thai cũ đã bị vô hiệu bởi vụ Roe v Wade nhưng có thể được thi hành trở lại.
New York Times cho hay do tài liệu bị rò rỉ mới chỉ là dự thảo, không phải quyết định cuối cùng, phải mất một tháng hoặc có thể lâu hơn để Tòa án Tối cao Mỹ chính thức đưa ra phán quyết, và quyết định đó có thể khác với dự thảo đang được lưu hành.
Việc dự thảo bị rò rỉ đã làm bùng lên cuộc tranh luận giữa hai phe. Nhiều người đã đứng biểu tình bên ngoài Tòa án Tối cao Mỹ vào tối 2/5 chỉ vài giờ sau khi dự thảo được lan truyền.
Các thành viên đảng Dân chủ đã lên án và kêu gọi ngay lập tức thông qua luật bảo vệ quyền phá thai.
Trong một tuyên bố, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi và lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mỹ Chuck Schumer gọi dự thảo này “là một trong những quyết định tồi tệ và gây nhiều tổn hại nhất trong lịch sử hiện đại”.
Hai nhà lãnh đạo nói rằng việc đảo ngược vụ Roe sẽ là "lần hạn chế quyền lớn nhất trong 50 năm qua, không chỉ đối với phụ nữ mà còn đối với tất cả người Mỹ".
Nhà Trắng chưa lên tiếng về dự thảo này.
Ai bị ảnh hưởng nhiều nhất?
New York Times nhận định nếu kết luận cuối cùng giống như bản dự thảo do Politico công bố, có khả năng những người sống ở miền Nam và Trung Tây nước Mỹ sẽ không còn được tiếp cận với việc phá thai hợp pháp. Một loạt hạn chế luật phá thai đã được đề xuất ở các bang do đảng Cộng hòa chiếm ưu thế.
Theo nghiên cứu của Viện Guttmacher, theo luật hiện hành, cứ 4 phụ nữ Mỹ thì có một người sẽ phá thai vào một thời điểm nào đó.
Những người này có hoàn cảnh sống khác nhau, nhưng chủ yếu là phụ nữ chưa kết hôn; bà mẹ đơn thân; ở độ tuổi 20; có thu nhập thấp; da màu hoặc đã có một đứa con. Họ cũng thường sống ở những bang nghiêng về đảng Dân chủ.
Một số phụ nữ, nếu có điều kiện, có thể tìm cách phá thai theo cách khác, ví dụ như đi tới bang hợp pháp hóa thủ tục này hoặc đặt thuốc ở nước ngoài.
Texas là một ví dụ điển hình. Vào tháng 9, khi đạo luật có hiệu lực cấm phá thai sau khi phát hiện nhịp tim thai (khoảng 6 tuần), số ca phá thai tại các phòng khám ở Texas giảm một nửa. Tuy nhiên, nhiều phụ nữ có thể đã đến các bang lân cận hoặc đặt thuốc, nên tỷ lệ tổng thể chỉ giảm khoảng 10%.
Nếu quyết định trong án lệ Roe bị lật ngược, Mỹ sẽ tham gia vào nhóm các quốc gia thắt chặt quyền phá thai của phụ nữ, đi ngược xu hướng nới lỏng trên toàn cầu.
Chỉ có ba quốc gia đã thắt chặt luật phá thai từ năm 1994 là Ba Lan, El Salvador và Nicaragua. Trong giai đoạn đó, 59 quốc gia đã mở rộng khả năng tiếp cận, theo Trung tâm Quyền sinh sản.
66 quốc gia - nơi sinh sống của khoảng 1/4 phụ nữ trong độ tuổi sinh sản - hiện cấm phá thai hoặc chỉ cho phép phá thai nếu tính mạng của người mẹ gặp nguy hiểm.