Tựa cuốn sách dựa gam màu đỏ thắm ấy khiến tôi liên tưởng đến cơn mưa mềm trong một chiều hè trên phố. Bằng cách dịu nhẹ và tự nhiên, tác giả dẫn tôi đi qua cơn mưa chiều đong đầy ân tình ký ức tuổi hoa.
Cuốn tản văn bắt đầu với tôi bằng những ký ức rất đỗi thân thương của tuổi thơ thành Nam xứ Bắc. Đó là “khu vườn ngập tràn ánh nắng" của nhà ông bà nội: “Căn nhà ngói ba gian của ông bà nội nằm trong một khu vườn rộng bên sông, cây cối quanh năm xanh tốt. Chiều chiều, gió từ sông thổi vào mang theo hơi nước mát lành".
Hay “hàng dâm bụt hoa đỏ rực cánh xoè to, nhuỵ vươn dài như chiếc râu mèo”; là khi hoa mới chỉ chúm chím, “tôi đã lén bà nội ngắt lấy, cắn cái cuống hoa rồi mút chùn chụt thứ nước ngọt ngọt mát mát. Không đứa trẻ nào ở thôn quê mà không biết thưởng thức món ngon đó của tự nhiên cây lá”.
Trong khu vườn ấy có hoa hồng với đủ loại như hồng phấn, hồng vàng, hồng trắng hay kiêu xa như hồng nhung… Với nhiều thức quả, vườn nhà mang nỗi nhớ da diết như hương bưởi đưa trong tiết tháng ba; hàng ổi đào, ổi mỡ sai trĩu, quả chín không kịp hái rơi đầy gốc…
Mưa chiều trong lòng phố của tác giả Xuân Phong. |
Xen trong bức tranh đồng quê xứ Bắc ấy là những trò nghịch dại của trẻ thơ khi “đứa em nghịch ngợm hái nụ nhài nhét vào mũi... khiến đứa bé không thở được”; hay lần “bẻ trộm” lá sấu bị bắt được; rồi những lần nướng khoai bị nhọ nhem… Nhà báo Xuân Phong gọi đó là “ký ức xanh trong ngọt ngào thơm mùi nắng”.
Trong cơn mưa chiều ấy là khoảng nhớ ở “Khu tập thể của mẹ” với những khoảnh ruộng để trồng rau. “Ai cũng nuôi gà, nuôi lợn, có nhà còn cấy lúa”.
Về “Những ngày mưa", hái rau muống và nỗi sợ bị "con vật hai đầu trơn trơn dai dai nhì nhằng bám vào chân"; những lần phải xếp hàng xô chậu đi xách nước; "chiếc giếng đất cũ - vốn là một phần không hiểu thiếu cho cuộc sống hàng ngày của gia đình các thầy cô giáo thời của mẹ tôi”.
Trong màn mưa ký ức ấy có “Đêm mưa mùa hè” với “Hai chiếc chậu được đặt sẵn, một cái ở góc giường, một cái trên nóc chiếc tủ quần áo phòng mưa dột".
Và “bỗng trong tiếng mưa sầm sập như có tiếng cửa nhà ai bị lắc mạnh, nghe rõ riếng khoá rít lên như bị xoắn vào chốt. Trộm”.
Đến ngay cả những “Con đường mang tên nỗi nhớ" cũng trở thành niềm nhớ khôn nguôi.
Cũng trong dòng ký ức ấy, có “Những con chữ đi từ gian khó" với người bạn thời hoa niên vượt lên hoàn cảnh để trưởng thành.
“Trời nắng chang chang. Mắt nó đỏ hoe: 'Cậu cho tớ gửi sách ở đây nhé. Bố tớ đốt sách không cho đi học nữa'. Tôi đứng lặng người. Nhà nghèo, bố mẹ không thể cùng lúc lo cho bốn đứa học. Nhưng nó vốn ham học, có lẽ nào bỏ học ngang chừng? Sách gửi tạm nhà tôi, có quyển bị đốt cháy xém nham nhở. Để sách đó khi cần chỉ đi người không đến lớp, bố sẽ không biết”...
Những lát cắt của ký ức cứ thế đan xen được tác giả xâu chuỗi một cách tự nhiên khiến người đọc sống trong một không gian, thời gian bằng những câu chuyện dung dị, góc nhỏ thân thương.
“Mưa chiều trong lòng phố, giữa hối hả bộn bề, giữa vô vàn âm thanh của cuộc sống, tôi thấy và cho phép mình sống chậm lại, chậm lại một vài nhịp để tâm hồn lắng dịu”.
Bởi, “những lúc như thế, tôi thấy mình tựa như cô gái nhỏ, tâm hồn đầy xao động, trái tim như run lên những thanh âm của bản nhạc trữ tình, mệt mỏi nếu có như được xoá tan…”.
Không chỉ dừng lại như thế, đan xen trong trong cảm xúc ấy là kỷ niệm của tác giả với nhà báo Tân Linh (báo Văn Hóa): “Tân Linh viết cuốn trường ca trên giường bệnh, viết bằng cả niềm tin và nghị lực vô bờ bến, sống hết mình cho từng ngày còn lại trên cõi đời".
Hay cùng với con gái của nhà văn Kim Lân - Nguyễn Thị Hiền - khi chị về thăm mái nhà xưa ở ngõ Hạ Hồi (Hà Nội): “Đôi mắt ướt trong màn mưa đã đẫm những cành bàng lá dỏ. Chị nhớ về người cha mình rất mực thương yêu, người đã dồn hết tâm huyết cho con gái theo đuổi nghiệp vẽ mà ông vì hoàn cảnh không thể thực hiện đam mê”.
Cuốn tản văn này còn có lát cắt tuổi thanh xuân của tác giả, nơi Sài Thành hoa lệ, hay phố phường thâm trầm của thủ đô nghìn năm văn hiến.
Nhà báo Xuân Phong tự hỏi: Kỷ niệm chẳng phải là những lát cắt cuộc đời, để người ta nhớ mãi và giữ cho riêng mình, cũng từ đó mà lớn lên, trưởng thành.
Quả vậy, như tôi, một ngày hè, cái nắng đủ nhiều để gọi mây chiều, giông tới, thì “Mưa chiều trong lòng phố" là một gợi ý để tôi và bạn bước chậm, thật chậm.
Để được sống cùng với những gì gần gũi, dung dị của bức tranh tuổi hoa niên có lúc êm đềm, khi gian khó nhưng đong đầy những ân tình mà tác giả đã mang lại.
Nhà báo Xuân Phong đã xuất bản ký chân dung Những tia nắng cho đời - Nhà xuất bản Văn học, năm 2015; Muôn ánh vàng bay - Nhà xuất bản Hội Nhà văn năm 2016 và Tản văn Mưa chiều trong lòng phố - Nhà xuất bản Hội Nhà văn, năm 2021.