Sau thành công của tập truyện ngắn đầu tay Bến chờ, tác giả Nguyễn Chí Ngoan cho ra mắt bạn đọc tập tản văn Mưa miền đất mặn. Đặc trưng ngòi bút viết về những ký ức và đời sống người dân “miệt” U Minh và tấm lòng của người con “miền đất mặn” đã đưa tác phẩm của Nguyễn Chí Ngoan chạm đến lòng người…
Tập tản văn Mưa miền đất mặn của Nguyễn Chí Ngoan. Ảnh: Thể thao văn hóa. |
Những câu chuyện nhỏ
Trải suốt 20 tản văn là những sợi ký ức được thu vén về một miền quê nghèo khó, những cánh đồng xơ xác nắng nhưng lấp lánh đầy hy vọng của người dân quê hồn hậu, đậm nghĩa tình. Nét phác họa đầu tiên trong bức tranh của tác giả là ngọn gió Đông, dùng dằng chở bao kỷ niệm niềm vui của thời tuổi nhỏ.
Không gian miền đất U Minh quê hương tác giả mở ra đầy bảng lảng mà rưng rức ám ảnh phủ đầy trong không khí. Dễ dàng nhận ra những hình ảnh thân quen từ một miền ký ức vừa yên bình vừa ẩn chứa một nỗi ngơ ngác nhớ nhung lấp đầy trong nỗi nhớ tuổi thơ.
Nơi đó có tiếng vịt kêu chiều, có những lặng im thổn thức mùi quê quen thuộc in sâu vào tiềm thức của những đứa con xa quê. Như mùi dầu khuynh diệp của nội, mùi mắm kho của mẹ hay mùi chai thuốc xoa bóp của cha, phủ lên một cuộc sống trong trẻo, đậm đà hơi thở miền Tây, đặc sắc.
Với giọng văn hồn hậu và bình dị, tác giả đã khéo léo dệt nên từng mẩu chuyện nhỏ trong tập tản văn như kể câu chuyện của chính mình. Hình ảnh trong tản văn của Nguyễn Chí Ngoan hiện lên thật dung dị, chân thật.
“Có khi má xin được mấy đòn bánh tét thiu của hàng xóm để phơi khô thì anh em chúng tôi lại có thêm khoanh bánh tét chiên giòn tan”. Sự thiếu thốn đó vẫn không cướp đi nét hào sảng, đậm nghĩa tình của con người: “Má cười, má phơi cho mấy đứa trẻ trong xóm. Tụi nó thích món này như bây hồi xưa vậy”.
Nhưng trong mảng màu khắc nghiệt, dữ dội của thiên nhiên, “đất mặn” không phải là đòn trừng phạt của đất trời, mà đó chỉ là sự thử thách, câu đố mà tạo hóa ban xuống, từ đó có kết tinh những loài cây vững chãi bén rễ vươn lên trên vùng đất mà người ta có thể đi tìm được vị ngọt trong từng thớ đất mặn phèn.
Tác giả trẻ Nguyễn Chí Ngoan. Ảnh: FBNV. |
Tấm lòng người con đất U Minh
Có lẽ, qua tập tản văn này, tác giả, nhà giáo trẻ Nguyễn Chí Ngoan đã khéo léo cho chúng ta bay lên, thấy bao vẻ đẹp của cuộc sống này: “Dù mùi mặn có thấm vào từng chân răng kẽ tóc, chúng tôi vẫn sống chan hòa với đất với người, như chính miền đất mặn vẫn thầm lặng nuôi lớn những khát khao”.
Sống trong nỗi nhọc nhằn nhưng những giấc mơ vẫn đơm hoa. Thông qua quyển sách nhỏ, tác giả gieo vào lòng chúng ta một cảm giác thương người, thương đời, thương mình hơn.
Và khi trải lòng vào từng trang sách, bạn đọc sẽ thấy trước mắt mình những dòng sông nắng, nắng như muốn cháy cả những sợi tóc của đám trẻ thơ. Không có cánh cò nào bay thẳng vút, không có sáo diều trên cánh đồng khô mặn hay những vườn cây che bóng mát tuổi thơ.
Nhưng tác giả không hề bi quan về “đất mặn”. Những đoạn tản văn mang màu sắc của một nỗi buồn lấp lánh đầy hy vọng. Tôi thấy rằng tác giả nặng lòng ôm ấp hồn cốt mảnh đất quê hương. Anh cần mẫn ươm những mầm xanh vươn lên như cây xương rồng rắn rỏi giữa sa mạc đầy cát và gió.
Chọn một ngã rẽ riêng tương đối thưa vắng so với những tác giả cùng trang lứa 9X đương thời, Nguyễn Chí Ngoan đã thổi một làn gió miền Tây sống động, thiết tha với nét gần gủi, nếp sinh hoạt truyền thống và đặc trưng của miền sông nước, tạo nên một phong vị rất riêng cho văn học đồng bằng.
Cách mà tác giả chọn quay về với chủ đề những mái hiên nằm nghe mưa nắng, xuồng ba lá hay những đồi lau trắng chập chờn trong ký ức.
Với chất liệu cuộc sống rất riêng, cứ thế không gian miền Tây hiện ra êm đềm, dịu dàng đánh thức trái tim độc giả tìm thấy chính tâm hồn và những kí ức bị bỏ quên trong bộn bề cuộc sống.
Góc nhìn duyên dáng như có thể chạm tới để cảm nhận cách sống, nét phóng khoáng, hào sảng nơi sông nước chứa chan tình cảm.