Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Một tuần phong tỏa, cô gái mắc kẹt ở Vũ Hán hẹn hò qua mạng

Trong tuần đầu tiên thành phố Vũ Hán, miền Trung Trung Quốc, bị phong tỏa, cuộc sống thường nhật dường như ngưng đọng.

Đối với nhiều người, thế giới bó hẹp trong căn hộ của mình, buộc họ phải tìm cách vượt qua từng phút, từng giờ, từng ngày cho tới khi cơn ác mộng bùng phát virus corona đi qua.

Thế nhưng, với những người khác, niềm hạnh phúc là khoảnh khắc giúp đỡ nhau giữa tâm dịch chết chóc - tới nay đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 213 người và khiến hơn 9.400 người nhiễm bệnh.

Hình ảnh đau lòng

Vào 2h sáng 23/1, giới chức trách thông báo lệnh giới hạn đi lại với cư dân Vũ Hán, đóng cửa sân bay, ga tàu và giao thông công cộng. Các thành phố khác ở tỉnh Hồ Bắc cũng có động thái tương tự vào những ngày sau đó.

Khoảng 5 triệu cư dân đã rời khỏi Vũ Hán trước khi lệnh phong tỏa có hiệu lực vào 10h sáng 23/1, vì dịch bệnh bùng phát cũng như nghỉ lễ Tết Nguyên đán, còn khoảng 9 triệu dân ở lại, theo giới chức Hồ Bắc.

Virus corona Vu Han anh 1

Vũ Hán trải qua một tuần bị cô lập trong nỗ lực khống chế virus corona của chính quyền Trung Quốc Ảnh: AFP.

Một trong những người ở lại là Liang Liang. Vị doanh nhân này đã gia nhập với 4.000 người tình nguyện đang dành thời gian và cả phương tiện di chuyển của mình để chở các vật dụng cần thiết và nhân viên y tế.

Việc ngừng hoạt động các phương tiện giao thông công cộng khiến nhiều nhân viên bệnh viện cùng bệnh nhân gặp khó khăn trong việc đi lại vì không có xe hơi cá nhân. Các nhóm trò chuyện trên WeChat đã sớm giúp những người có nhu cầu đi lại và những người có xe hơi gặp được nhau.

“Các video và hình ảnh trên mạng cho thấy nhân viên bệnh viện phải làm việc trong điều kiện tồi tệ và thiếu đồ bảo hộ. Tôi vô cùng đau lòng khi chứng kiến những cảnh tượng đó”, Liang nói với SCMP.

Trong tuần qua, Liang Liang đã giúp chở khoảng 100 nhân viên bệnh viện và phân phát hàng chục nghìn khẩu trang cùng vài ngàn bộ quần áo bảo hộ cho bệnh viện. Một số tài xế tình nguyện bắt đầu ngày mới vào 5h và thường không khép lại một ngày lao động quần quật trước nửa đêm, Liang Liang nói.

Giới chức trách khuyến cáo ở nguyên trong nhà sẽ giúp cư dân được an toàn hơn. Thế nhưng, với những tài xế tình nguyện, liên tục chạy ngoài đường đồng nghĩa với nguy cơ nhiễm bệnh gia tăng, đặc biệt là khi họ còn thường xuyên tiếp xúc với các bác sĩ và bệnh nhân. Một người điều phối đội tình nguyện cho biết một tài xế đã bị sốt hôm 25/1, theo các tin nhắn đăng tải trên nhóm trò chuyện WeChat.

“Nếu nói tôi không lo bị nhiễm bệnh thì chỉ là nói dối. Tôi có lo sợ… Nhưng trong hoàn cảnh này, động lực giúp đồng loại vượt lên trên sự lo lắng của tôi về sức khỏe bản thân. Tôi cũng hy vọng mình may mắn và không bị nhiễm bệnh”, Liang Liang cho biết.

Không phải ai cũng hoảng loạn

Lệnh phong tỏa ban đầu cũng châm ngòi cho những hành động tích trữ hàng hóa có phần hoảng loạn. Thế nhưng, sau một tuần, nhiều cư dân Vũ Hán nói rằng họ có đủ thức ăn - vấn đề lớn là những sản phẩm như chất khử trùng và thuốc men.

“Tôi ra ngoài khoảng một lần một tuần để mua đồ tạp hóa. Thực phẩm dễ mua nhưng khẩu trang và thuốc men khan hiếm. Tôi phải mua một số loại thuốc huyết áp cho mẹ tôi”, ông Wang Wei - giáo sư kỹ thuật điện tử của Đại học Khoa học và Công nghệ Huazhong ở Vũ Hán cho biết.

Cũng theo lời ông Wang, nỗi sợ hãi của ông lên tới tột độ khi phát hiện một người ông từng tiếp xúc đã nhập viện vì bị sốt.

“Tôi rất e sợ. Ông nội một người bạn của tôi đã qua đời vì viêm phổi Vũ Hán”, ông Wang cho biết.

Virus corona Vu Han anh 2

Đường phố vắng lặng ở Vũ Hán những ngày bùng phát dịch bệnh. Ảnh: AFP.

Đối với Crystal Yu, một sinh viên tốt nghiệp ngành marketing, lệnh phong tỏa thành phố cũng gây ảnh hưởng tới việc khởi đầu một vị trí mới.

Yu tới Vũ Hán từ Milan vào tháng 1 để thăm gia đình dịp Tết Nguyên đán. Cô đã định bắt đầu thực tập cho một công ty ở Hong Kong vào đầu tháng 2, nhưng nay cô không thể rời khỏi thành phố.

“Tôi không hài lòng với chính quyền Vũ Hán vì họ không chia sẻ thông tin kịp thời về bùng phát dịch bệnh”, Yu bức xúc.

“Tôi tới Thượng Hải từ Milan hôm 18/1, trước khi tới Vũ Hán một ngày sau đó. Lúc bấy giờ, truyền thông và chính quyền đều nói việc lây truyền từ người sang người là rất hạn chế”.

Yu thừa nhận rằng phong tỏa thành phố là cách hữu hiệu để kiểm soát lây lan virus nhưng lại khiến những người như cô mắc kẹt - những người chỉ tới thành phố trong thời gian ngắn và nhiều khả năng không mắc bệnh.

“Tôi chỉ muốn có một năm mới hạnh phúc. Tôi không bao giờ nghĩ tới thành phố bị phong tỏa và sự nghiệp của tôi bị ảnh hưởng”, Yu trải lòng.

Trong khi đó, Yu tham gia một nhóm hẹn hò WeChat dành cho người độc thân tìm kiếm tình yêu lãng mạn trong thời gian chờ “tai qua nạn khỏi”. Nhóm này hiện có khoảng 200 người dùng ở Trung Quốc và cả nước ngoài.

“Tôi tham gia nhóm này để tiêu khiển, tôi thực sự không tin vào hẹn hò trên mạng”, Yu cho biết.

Trong nhóm này, Yu đã gặp một sinh viên đang ở Italy nhưng hai người ít có thời gian tán gẫu vì múi giờ lệch nhau, Yu cho hay.

Cư dân ở Vũ Hán cũng giết thời gian bằng cách quay video cuộc sống giữa phong thành và đăng lên mạng. Một số video gây sốt với những cảnh chơi bóng bàn ngay trên bàn ăn hay múa lân ngẫu hứng trong nhà.

Tại Đại học Vũ Hán, nơi có khoảng vài trăm sinh viên nước ngoài vẫn còn lưu lại trong trường, chợ vẫn mở và những bữa tối đóng hộp vẫn được giao tới đều đặn.

“Bữa tối nay có cơm, gà nướng với khoai tây, nấm và rau… Rất ngon”, Rana Waqar Aslam - nghiên cứu sinh đang theo học tiến sĩ từ Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), cho biết. Anh nói thêm rằng anh vẫn rời trường ra ngoài mua đồ tạp hóa nhưng phần lớn sinh viên khác đều hạn chế đi lại. Aslam cũng không liên lạc với đại sứ quán UAE để xin sơ tán. Tuy nhiên, lệnh phong tỏa cũng khiến anh buộc phải hủy chuyến đi vòng quanh Trung Quốc đã lên kế hoạch trước đó.

“Rõ ràng một số người hoảng loạn, nhưng không ai cũng như vậy”, Aslam nói.

Những kiểu ‘chơi trong nhà’ của người dân Vũ Hán giữa tâm dịch Nhiều người Trung Quốc đã ở trong nhà vào dịp Tết Nguyên đán do sự bùng phát của virus corona. Họ tìm ra nhiều cách để chống lại sự nhàm chán và chia sẻ nó trên mạng xã hội.

213 người chết vì virus corona, 9.692 ca nhiễm

Số người chết vì virus corona Vũ Hán tại Trung Quốc đã lên đến 213. Tổng số ca nhiễm tới lúc này là 9.692 trong khi WHO đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu.

WHO ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu với virus corona

WHO ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu (PHEIC) đối với sự lây lan của virus corona bên ngoài Trung Quốc, mô tả đây là “sự bùng phát chưa từng có tiền lệ”.

Sơn Trần

Bạn có thể quan tâm