Ủy ban Y tế Quốc gia sáng 31/1 công bố 213 người chết vì virus corona Vũ Hán, sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu.
Đại diện Ủy ban Y tế tỉnh Hồ Bắc, tâm điểm của dịch bệnh, cho hay số ca tử vong tại tỉnh này đã tăng thêm 42 ca, lên thành 204, tính đến cuối ngày 30/1. Ngoài ra, có một ca tử vong được xác nhận ngoài tỉnh Hồ Bắc.
Số ca bệnh mới được phát hiện tại Hồ Bắc trong ngày là 1.220, và tổng số ca bệnh ở tỉnh này hiện là 5.806. Với 8 ca tử vong khác ở các tỉnh thành ngoài Hồ Bắc đã được xác nhận trước đó, tổng số người chết hiện đã là 213. Tổng số ca nhiễm tới lúc này là 9.692.
Số ca tử vong và nhiễm bệnh vì virus corona Vũ Hán vẫn không ngừng tăng cao. Ảnh: New York Times. |
Thông báo được đưa ra ít giờ sau khi WHO ban bố tình trạng khẩn cấp vì virus chết người phát tích ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, và hiện đã lây lan sang hàng chục nước từ châu Á đến châu Âu và châu Mỹ.
Mô tả đây là "sự bùng phát dịch bệnh chưa từng có tiền lệ", WHO ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu (PHEIC) vì sự lây lan của chủng virus corona, hiện được gọi là 2019-nCoV hay virus Vũ Hán, bên ngoài Trung Quốc.
Trước đó, WHO đã từ chối ban bố tình trạng khẩn cấp khi cho rằng còn thiếu bằng chứng lây truyền từ người sang người bên ngoài Trung Quốc. Động thái này đã khiến tổ chức quốc tế về y tế bị chỉ trích.
Phản ứng trước hành động của WHO, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hôm 31/1 nói nước này đủ tự tin và khả năng để chiến thắng trong cuộc chiến chống virus. Bà Hoa cũng cho biết Trung Quốc sẽ tiếp tục làm việc với WHO và các nước khác để duy trì an ninh sức khỏe cộng đồng khu vực cũng như toàn cầu.
Đồ họa: BBC. |
Trước đó, ngày 30/1 đã được ghi nhận là có số ca tử vong nhiều nhất được ghi nhận kể từ khi dịch bệnh do virus corona mới gây ra bùng phát tại Trung Quốc, trong lúc cộng đồng quốc tế đang ngày càng lo lắng về nguy cơ đại dịch toàn cầu.
Dịch bệnh đã bắt đầu gây ra những tác động về kinh tế khi các công ty đóng băng dây chuyền sản xuất và cửa hàng tại Trung Quốc, trong lúc các hãng hàng không tạm dừng hoặc giảm thiểu chuyến bay đến nước này.
Turkish Airlines hôm 31/1 thông báo hãng sẽ dừng bay đến Trung Quốc đại lục cho đến ngày 9/2, sau khi WHO ban bố tình trạng khẩn cấp. Singapore Airlines cũng cho biết sẽ cắt giảm chuyến bay đến Trung Quốc.
Trước đó, một số hãng hàng không lớn đã có quyết định tương tự, bao gồm British Airways của Anh, Lufthansa của Đức, KLM của Hà Lan, American Airlines và United của Mỹ. Các nước cũng đã sơ tán công dân khỏi Vũ Hán.
Hơn 200 công dân Mỹ, bao gồm viên chức ngoại giao, đã được đưa về nước bằng máy bay ít ngày trước. Khoảng 200 công dân Pháp cũng được đưa về nước bằng máy bay quân sự sáng 31/1.
Nhiều nước cũng đã khuyến cáo công dân không đến Trung Quốc trong thời gian này trong khi một số nước cấm nhập cảnh đối với du khách từ Vũ Hán, hoặc ngừng cấp visa cho công dân Trung Quốc.