Những đoạn băng dễ gây hiểu lầm về món súp dơi, những con số bị thổi phồng về người chết vì dịch bệnh, các phương pháp chữa trị vô lý và thuyết âm mưu về vắc xin đang tràn ngập mạng xã hội, tạo ra không khí lo lắng bao trùm người dùng, trong bối cảnh tình hình lây nhiễm virus corona vẫn đang diễn biến phức tạp.
Trong bối cảnh người dân lo lắng về dịch bệnh, họ đang phải tiếp xúc với rất nhiều thông tin sai lệch trên mạng xã hội. Ảnh: Getty. |
Máy sấy tóc giúp diệt khuẩn?
Phoebe, một bác sĩ 40 tuổi người Hong Kong, cho biết cô đang rất bực bội vì những thông tin thất thiệt được thành viên gia đình chia sẻ trong nhóm chat của họ.
"Tôi thấy có thông tin khuyên mọi người dùng máy sấy tóc để khử trùng tay và mặt, hoặc uống nước nóng 60 độ C để giữ sức khỏe", bác sĩ chia sẻ.
"Tôi cũng thấy một bài đăng trên Facebook yêu cầu mọi người uống Dettol (một loại dung dịch khử trùng trong nhà)", vị bác sĩ nói thêm.
Là một chuyên gia về sức khỏe, Phoebe biết không có cách nào trong những cách trên có công dụng thực tế, thậm chí còn có thể gây hại cho sức khỏe, vì thế bà đã cảnh báo các thành viên gia đình về việc này.
Theo các chuyên gia truyền thông và nhà nghiên cứu Internet, mạng xã hội đang tràn ngập những thông tin như vậy.
Kể từ khi virus corona xuất hiện ở thành phố Vũ Hán tại miền Trung Trung Quốc vào đầu tháng 1, những thông tin sai lệch liên tiếp xuất hiện và ngày càng nhiều hơn khi dịch bệnh lan rộng.
Bà Cristina Tardaguila từ Viện nghiên cứu Truyền thông Poynter cho biết các tổ chức kiểm chứng thông tin tại hơn 30 quốc gia đang phải đối phó với 3 "luồng" thông tin sai lệch chính về virus corona.
"Cái đầu tiên liên quan đến nguồn gốc của virus, luồng thông tin sai lệch thứ hai là về bằng sáng chế cho vắc xin ngừa virus - thứ không tồn tại, và luồng tin giả cuối cùng là về cách ngăn ngừa và điều trị virus", bà Tardaguila nhận định.
Các nhóm kiểm chứng của AFP cũng tìm ra những thông tin sai lệch khiến nhiều người hoảng loạn, trong đó có một thông tin bắt nguồn từ Sri Lanka tuyên bố Trung Quốc cho rằng 11 triệu người sẽ chết.
Một thông tin vô căn cứ khác bắt nguồn từ Australia, trong đó liệt kê các thương hiệu thực phẩm phổ biến, và các địa điểm ở Sydney được cho là đã bị nhiễm virus. Nhiều bài đăng thì tuyên bố nước muối cơ bản có thể tiêu diệt virus corona - điều hoàn toàn không đúng sự thật.
Cũng xuất hiện luồng thông tin đầy cảm tính, chỉ trích thói quen ăn uống của người Trung Quốc, và dùng nó để khơi dậy các định kiến mang tính phân biệt chủng tộc.
Người dân Hong Kong xếp hàng mua khẩu trang tại một nhà thuốc. Ảnh: Bloomberg. |
Một video lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội ghi lại hình ảnh một phụ nữ Trung Quốc đang ăn món súp dơi.
Đoạn video này được nhiều tờ báo lá cải của phương Tây đăng lại, và bình luận rằng đây là bằng chứng cho thấy nhu cầu thưởng thức các động vật kỳ lạ của người Trung Quốc đã tạo nên dịch bệnh.
Nhưng trên thực tế, đoạn băng này được quay vào năm 2016 bởi một blogger du lịch người Trung Quốc trên quần đảo Palau ở Thái Bình Dương, và dường như các phương tiện truyền thông đã không bận tâm kiểm tra thông tin này.
Trong khi văn hóa ẩm thực của Trung Quốc bao gồm nhiều món ăn mà người phương Tây không dám nghĩ tới, và có những lo ngại chính đáng về vệ sinh và thị trường buôn bán động vật hoang dã, dơi không phải là món ăn phổ biến ở Trung Quốc.
Kích động phân biệt chủng tộc
Ở Australia cũng xuất hiện nhiều thông tin sai lệch thể hiện thành kiến với cộng đồng người Hoa ở đây.
Hôm 27/1, ông Duncan Pegg, nhà lập pháp địa phương ở Brisbane, đã cảnh báo các cử tri về những thông tin giả, trong đó có cả cảnh báo giả, được phao tin là đến từ Bộ Y tế Australia, yêu cầu người dân hạn chế đi lại tới các khu vực có nhiều người Hoa sinh sống.
"Những thông tin sai lệch được truyền bá bởi những kẻ phân biệt chủng tộc sẽ tạo ra cảm giác sợ hãi và lo lắng", ông Pegg chia sẻ.
Các trang mạng cực hữu cũng nhân cơ hội này để truyền bá các thông tin thất thiệt về virus. Một trong những tin giả được lan truyền rộng rãi tuyên bố vắc xin dành cho virus corona đã cấp bằng sáng chế từ năm 2015.
Thông tin này nhanh chóng được gỡ bỏ vì đúng là có loại vắc xin này, nhưng nó chỉ được sử dụng cho gia cầm.
"Những gì diễn ra xung quanh virus corona tạo điều kiện thuận lợi cho sự lan truyền của những tin đồn, vì chúng được gieo vào bầu không khí sợ hãi và bất an", ông Robert Bartholomew, nhà xã hội học y tế ở New Zealand, nhận định.
Thói quen giật tít của các tờ báo cộng với sự mất lòng tin truyền thống đối với chính phủ Trung Quốc cũng khiến các tin đồn dễ dàng lan nhanh, theo ông Bartholomew.
"Đối với nhiều người, nguồn thông tin chính của họ là từ các phương tiện truyền thông xã hội, nền tảng nổi tiếng vì luôn xuất hiện những câu chuyện không đáng tin".
Người Trung Quốc ở nước ngoài đang phải đối mặt với sự phân biệt chủng tộc do những thông tin liên quan đến virus corona. Ảnh: AP. |
Cơn lũ tin giả và thông tin sai lệch cũng khiến công việc chiến đấu với bệnh dịch của các bác sĩ và nhân viên y tế trở nên khó khăn hơn rất nhiều.
"Tại Đài Loan, mọi người bắt đầu gọi điện cho bệnh viện và các cơ quan chính phủ, tràn ngập các câu hỏi (về những thông tin sai lệch) khiến nguồn nhân lực có giá trị bị hạn chế", ông Kevin Hsueh, quản lý một bệnh viện ở Đài Bắc, chia sẻ với AFP.
"Trong những ngày đầy của một đợt bùng phát, có rất nhiều điều không chắc chắn. Mọi người không thích sự bất an. Họ muốn có câu trả lời", ông Timothy Caulfield, giáo sư luật y tế tại Đại học Alberta, nhận định.
"Mạng xã hội là một cỗ máy phân cực, nơi những tiếng nói lớn nhất sẽ giành chiến thắng. Nhưng đó là điều tệ nhất có thể xảy ra trong một đợt bùng phát dịch bệnh như thế này", ông Caulfield nói.