Mô phỏng của Đại học John Hopkins ở bang Maryland, Mỹ cho kết quả là số người nhiễm bệnh nhập cảnh ở mỗi sân bay trên thế giới, tính đến ngày 25/1.
Số người nhiễm bệnh và sự di chuyển của họ được tính toán dựa vào nhiều yếu tố, bao gồm đường bay giữa các thành phố lớn, dữ liệu hàng không, dữ liệu về dân số, cũng như một số giả thiết về tỷ lệ lây bệnh và khỏi bệnh trong một khoảng thời gian nhất định.
“Các thành phố có nguy cơ cao nhất thường là những thành phố có nhiều người đi từ Vũ Hán một cách trực tiếp hoặc gián tiếp, đặc biệt là các thành phố ở Trung Quốc”, tiến sĩ Lauren Gardner của Đại học John Hopkins viết trong nghiên cứu.
Mô hình được chạy từ khi bắt đầu dịch bệnh cho đến ngày 25/1. Kết quả về số ca nhiễm đã đi ra ngoài Trung Quốc đại lục vào khoảng 40 cho đến ngày hôm đó, phù hợp với con số thực tế được ghi nhận.
Các sân bay có nguy cơ cao sẽ tiếp nhận hành khách nhiễm bệnh. Ảnh: Đại học John Hopkins. |
Bài viết về nghiên cứu này, đăng trên trang web của Đại học John Hopkins, cho biết thêm rằng đến ngày 26/1, 13 nước được mô hình xác định là có nguy cơ cao nhất (dựa vào tổng số người mắc bệnh nhập cảnh ở các sân bay của nước đó) đều đã ghi nhận các ca nhiễm.
Tuy nhiên, đáng chú ý, để số người nhiễm ra ngoài Trung Quốc đại lục rơi vào khoảng 40 như vậy, nghiên cứu này ước tính phải có khoảng 20.000 người nhiễm virus corona tại Trung Quốc đại lục vào ngày 25/1, cao hơn nhiều so với con số 2.000 người được ghi nhận ngày hôm đó.
Ước tính của Đại học John Hopkins cao hơn so với các ước tính khác, chẳng hạn 4.000 người nhiễm (tính đến ngày 18/1) của Đai học Imperial College (London), hay 12.700 người nhiễm ngày 24/1 của Đại học Northeastern (Mỹ).
“Nhiều thành phố (trong danh sách nguy cơ) dù đã ghi nhận ca nhiễm nhưng vẫn nên chuẩn bị có thêm những ca nữa trong những ngày tới, nhiều khả năng từ các hành khách rời Vũ Hán trước khi lệnh cấm đi lại được ban hành ngày 23/1”, tiến sĩ Lauren Gardner viết.
Nhân viên hãng hàng không Thai Airways tẩy trùng bên trong máy bay ở sân bay tại thủ đô Bangkok. Ảnh: Reuters. |
Ở Mỹ, các sân bay được nhóm nghiên cứu xác định là có nguy cơ cao đều đã được Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh Mỹ (CDC) chỉ định kiểm soát chặt chẽ, bao gồm các sân bay ở Los Angeles, New York (John F. Kennedy) San Francisco, Atlanta (Hartsfield-Jackson) và Chicago (O’Hare).
Nghiên cứu cũng thừa nhận một số giới hạn, chẳng hạn thời gian ủ bệnh, virus sinh sôi vẫn chưa rõ, chỉ tính đến phương tiện hàng không, chưa tính đến một số biện pháp kiểm soát, chưa tính đến lệnh phong tỏa Vũ Hán ngày 23/1.
Bước tiếp theo, nghiên cứu sẽ xác định các tuyến đường có khả năng cao nhất phát tán virus, và tính đến việc người bệnh ở Vũ Hán không rời Vũ Hán một cách trực tiếp nữa.