Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Iran Mohammad Javad Zarif. Ảnh: Diplomat |
National Interest dẫn lời Daniel R.DePetris, nhà phân tích tại Wikistrat, Inc., một công ty tư vấn địa chiến lược, cho rằng, tuần qua là khoảng thời gian "vô cùng hiệu quả" đối với mối quan hệ ngoại giao Mỹ và Iran.
Theo DePetris, 7 ngày qua không chỉ dẫn tới một số kết quả tích cực đối với Washington, mà còn cho thấy cách phản ứng khác của quan chức Mỹ và Iran kể từ sau tiến trình đàm phán Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) cách đây 3 năm.
Trước khi Tổng thống Iran Hassan Rouhani được bầu, các quan chức chính quyền Barack Obama rất khó để có một cuộc điện đàm với phía Iran về bất kỳ vấn đề nào. Tuy nhiên, kể từ khi JCPOA tạm thời được ký kết giữa nhóm P5+1 và Iran vào tháng 11/2013, hai kẻ thù suốt 35 năm có thể đàm phán với nhau về một số vấn đề nhất định.
Trở ngại
Các ứng viên tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa đặc biệt chú ý tới hành vi tiêu cực từ Iran, gồm hàng loạt hành động leo thang trong khu vực mà họ cho là liên quan tới an ninh Mỹ và sự ổn định của các đồng minh trong Vịnh Ba Tư.
Trong 3 tháng qua, Tehran thực hiện nhiều hành động khiến Washington lo ngại, bao gồm hai vụ thử tên lửa đạn đạo vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, tập trận hải quân khiêu khích trong Vịnh Ba Tư, gần tàu sân bay Mỹ và gần đây nhất là thẩm vấn 10 thủy thủ Mỹ đi lạc vào lãnh hải Iran.
Theo cây bút DePetris, các quan chức Mỹ không bỏ qua tất cả hành động đó của Tehran. Chúng là lời nhắc nhở rằng, dù đã ký thỏa thuận hạt nhân, lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei và Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) vẫn nắm quân át chủ bài trong các quyết định của Iran.
Việc hải quân của IRGC Iran tạm giữ 10 thủy thủ Mỹ ngày 12/1 và một số video chiếu cảnh một người trong số họ thú tội vì đã “vi phạm lãnh hải Iran” khiến người Mỹ không hài lòng. Đoạn băng do Iran cung cấp được dùng cho mục đích tuyên truyền nhằm làm bẽ mặt Washington và vẽ nên rằng Hải quân Mỹ yếu kém, cần tới lòng trắc ẩn của IRGC. 14 giờ sau khi bắt, các thủy thủ được thả và đều an toàn. Tàu của họ cũng còn nguyên vẹn.
Năm 2007, Anh cũng gặp sự cố tương tự nhưng không may mắn như Mỹ. Các thủy thủ của họ bị phía Iran giam giữ trong nhiều tuần trước khi đưa tới một buổi lễ. Khi đó, các thành viên Hải quân Anh đã bắt tay cựu tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad và cảm ơn ông về lòng hiếu khách.
Theo ông DePetris, nếu Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Iran Mohammad Javad Zarif không tạo ra mối quan hệ tích cực, 10 thủy thủ Mỹ có thể vẫn nằm trong tay Tehran.
Bước ngoặt
Ngày 16/1, Yukiya Amano, Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) chính thức xác nhận Iran đã hoàn tất các nghĩa vụ theo JCPOA. Chúng bao gồm phá bỏ 2/3 nhà máy ly tâm, chuyển 98% kho dự trữ uranium đã làm giàu ở mức thấp tới một địa điểm nước ngoài, loại bỏ lõi của các lò phản ứng ở Arak và tạo điều kiện cho nhân viên IAEA kiểm tra các cơ sở hạt nhân ở Iran. Như vậy, theo tác giả DePetris, chương trình vũ khí hạt nhân của Iran hiện nằm dưới sự giám sát của cộng đồng quốc tế.
Ngay sau tuyên bố của IAEA, Tổng thống Obama ký sắc lệnh nhằm thu hồi các lệnh trừng phạt được áp dụng 20 năm qua với Iran do Tehran tuân thủ đúng các thỏa thuận về chương trình hạt nhân.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani, người thực hiện nhiều nỗ lực nhằm đạt được thỏa thuận hạt nhân lịch sử giữa Tehran với nhóm P5+1, thể hiện niềm vui trên Twitter và nói rằng việc thế giới dỡ bỏ các lệnh trừng phạt là “thắng lợi vẻ vang” với đất nước.
Ngoại trưởng Mỹ Johh Kerry nói, ngày 16/1 đã "đánh dấu việc chuyển biến thỏa thuận hạt nhân Iran từ những lời hứa tham vọng trên giấy thành hành động đo đếm được đang tiến triển". Ông Kerry cũng cho rằng, quyết định mới giúp Mỹ, các bạn bè và đồng minh ở Trung Đông và toàn thế giới "trở nên an toàn hơn nhờ mối đe dọa vũ khí hạt nhân đã giảm".
Tuy nhiên, không phải tất cả các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran đều được dỡ bỏ. Ngày 17/1, chỉ một ngày sau quyết định dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, Bộ Tài chính Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt với 11 công ty và cá nhân liên quan tới vụ thử tên lửa đạn đạo gần đây của Iran.
Cùng ngày, Washington xác nhận Iran đã thả 5 người Mỹ. 4 người trong số họ được thả theo thoả thuận trao đổi tù nhân gồm nhà báo Jason Rezaian của tờ Washington Post, lính thuỷ đánh bộ Amir Hekmati, linh mục Saeed Abedini và một người tên Nosratollah Khosravi-Roodsari. Công dân Mỹ thứ 5 là sinh viên Matthew Trevithick, bị Iran bắt giữ thời gian gần đây. 5 người Mỹ được thả để đổi lấy sự miễn tội cho 7 người Iran bị truy tố và đang ngồi tù tại Mỹ vì vi phạm lệnh cấm vận.
Động thái dỡ bỏ lệnh trừng phạt Iran về vấn đề hạt nhân sau hai thập niên áp đặt khiến cộng đồng quốc tế hoan nghênh. Theo BBC, thông qua động thái này, Iran sẽ có thể tái hòa nhập với nền kinh tế toàn cầu sau nhiều năm bị cô lập.
Tuy nhiên, theo chuyên gia phân tích DePetris, Washington và Tehran sẽ không trở thành bạn hoặc đối tác trong thời gian tới. "Quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Iran sẽ không được tái thiết lập, cũng như cả hai nước sẽ không mở lại đại sứ quán ở mỗi nước", ông viết.
Iran sẽ tiếp tục hỗ trợ các nhóm khủng bố từng giết hại người Mỹ, đầu tư tiền và nguồn lực vào chương trình tên lửa đạn đạo và tung ra những lời công kích chống Israel và người dân nước này. Tuy nhiên, theo DePetris, không thể phủ nhận một tuần qua Washington và Tehran đã cùng hợp tác với nhau về một số vấn đề và đạt được những tiến triển nhất định.