Mặt Trời là ngôi sao luôn hoạt động, thỉnh thoảng bùng lên những tia sáng sáng hơn bình thường, đó gọi là ngọn lửa Mặt Trời - hiện tượng xảy ra gần những vết đen Mặt Trời và thường liên quan đến sự giải phóng năng lượng tia plasma.
Từ khi được biết đến, đã có nhiều câu hỏi về sự hình thành ngọn lửa và làm sao để dự đoán chúng - một trong những yếu tố quan trọng để dự báo các hiện tượng thời tiết trong không gian.
Để tìm hiểu thêm về ngọn lửa Mặt Trời, các nhà nghiên cứu Viện Công nghệ New Jersey (NJIT) đã sử dụng kính viễn vọng vô tuyến Extended Owens Valley Solar Array (EOVSA) để ghi lại hoạt động ngọn lửa từ năm 2017.
Một ngọn lửa Mặt Trời (solar flare). Ảnh: NJIT. |
Sau 3 năm, các dữ liệu đầu tiên về ngọn lửa đã được công bố bao gồm thời điểm, vị trí chính xác nơi ngọn lửa bùng phát trên bề mặt của Mặt Trời với năng lượng tương đương một tỷ độ F.
Báo cáo được đăng tải trên tạp chí Khoa học vào ngày 17/1.
"Chúng tôi đã xác định vị trí quan trọng nhất của sự giải phóng năng lượng từ tính trong Vành nhật hoa (corona)", Gregory Fleishman, giáo sư vật lý Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng Mặt Trời NJIT, cho biết.
Theo Digital Trends, các nhà khoa học còn công bố hình ảnh đầu tiên ghi lại hình thái vi mô của ngọn lửa - một chuỗi quá trình xảy ra trên quy mô không gian và thời gian nhỏ cho phép chuyển đổi năng lượng diễn ra.
Nghiên cứu cho thấy ngọn lửa Mặt Trời có quá trình hình thành khá giống các hiện tượng thiên văn như vụ nổ gamma, tương tự quá trình ghi nhận trong phòng thí nghiệm tạo ra năng lượng nhiệt hạch.
Do thiết bị EOVSA có thể ghi nhận các bước sóng quang, tia tử ngoại, tia X và sóng vô tuyến trong một giây, nó sẽ giúp các nhà khoa học nghiên cứu thêm về ngọn lửa - được kích hoạt bởi sự kết nối các đường sức từ trên bề mặt của Mặt Trời và năng lượng lưu trữ trong Vành nhật hoa.
Hình ảnh mô phỏng ngọn lửa Mặt Trời. Ảnh: NASA. |
Với dữ liệu từ phổ vi sóng, các nhà khoa học có thể định lượng cường độ từ trường phát triển sau khi ngọn lửa bùng phát, đồng thời theo dõi sự chuyển đổi của nó sang các dạng năng lượng khác.
Dale Gary, giáo sư vật lý tại NJIT và đồng tác giả nghiên cứu, cho rằng bức xạ vi sóng là cơ chế duy nhất nhạy cảm với từ trường vành, và các quan sát từ EOVSA là chìa khóa để phát hiện những thay đổi nhanh chóng của từ trường.
Dữ liệu thu được giúp các nhà khoa học hiểu tại sao khi ngọn lửa Mặt Trời bùng phát, nếu hướng vào Trái Đất có thể làm hỏng tàu vũ trụ và đe dọa các phi hành gia. Trong tương lai, thiết bị EOVSA sẽ tiếp tục ghi nhận hình ảnh để các nhà nghiên cứu tạo ra bản đồ từ trường xung quanh Mặt Trời.