Ngày 5/12/2011 đánh dấu bước ngoặt trong lịch sử bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam khi lần đầu tiên, V.League và hạng Nhất Quốc gia tách khỏi sự điều hành trực tiếp của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF). Hai giải đấu chuyên nghiệp của Việt Nam được tổ chức, điều hành bởi Công ty Cổ phần Bóng đá Chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) với cổ đông lớn nhất là VFF và cổ đông khác là các CLB.
Sau một thập kỷ, V.League còn tồn đọng nhiều vấn đề, song không thể phủ nhận VPF đã có đóng góp đáng kể, giúp giải VĐQG tiến bước trên con đường chuyên nghiệp.
Sự ra đời của Công ty VPF là tất yếu lịch sử khi VFF phải có công ty trung gian đứng ra tổ chức V.League. Ảnh: Quang Thịnh. |
Tại sao phải có VPF?
Hội nghị tổng kết mùa giải 2011 của VFF chứng kiến sự cố rúng động làng bóng Việt. Ông bầu Nguyễn Đức Kiên của Hà Nội ACB xuất hiện với tư cách “khách không mời”, cướp diễn đàn và thẳng tay công kích những thiếu sót, ung nhọt bóng đá Việt Nam, nổi cộm là vấn nạn trọng tài, độc truyền phát sóng, mập mờ tài chính và bất cập trong tổ chức, điều hành giải.
“Tôi, anh Đức (Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức của HAGL - PV), anh Thắng (Chủ tịch Võ Quốc Thắng của ĐTLA - PV) sẵn sàng đầu tư nhiều tiền hơn cho bóng đá. Nhưng môi trường bóng đá như thế này, kêu gọi chúng tôi đầu tư nữa là vô lý. Tôi nghĩ VFF phải thay đổi nếu không thì cuộc chơi này không phát triển được. Chúng tôi không cố tình xúc phạm bất kỳ ai trong VFF. Chúng tôi chỉ cho rằng bây giờ là lúc có sự thay đổi”, bầu Kiên khẳng định.
“Sự thay đổi” bầu Kiên nhắc đến được nhen nhóm với ý tưởng Super Liga, giải đấu tách biệt hẳn với hệ thống bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam mà 7 CLB V.League đã đồng ý tham dự. Ba tuần sau hội nghị tổng kết, ý tưởng thành lập VPF thành hình thông qua buổi họp của nhóm các ông bầu mà bầu Kiên là người khởi xướng. Sáng 29/9/2011, bản dự thảo thành lập VPF đã được bàn luận và nhất trí vào buổi chiều cùng ngày.
Hơn một tháng sau, VPF ra đời, chính thức trở thành công ty cổ phần với vai trò điều hành các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, trong đó có V.League và hạng Nhất Quốc gia.
Tuy nhiên, không phải đợi đến khi bầu Kiên phát ngôn “gây sốc”, nhu cầu thành lập công ty điều hành giải đã có từ những năm 2000. Theo ông Phạm Ngọc Viễn, nguyên Giám đốc Điều hành VPF, bản đề án làm bóng đá chuyên nghiệp trình lên Chính phủ từng có đề xuất thành lập công ty trung gian điều hành giải, nhưng do VFF lưỡng lự nên phải 11 năm sau, đề xuất ấy mới đi vào thực tiễn.
Ông Viễn kể lại: “Trong cấu trúc mỗi liên đoàn bóng đá, khi tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp, luôn phải có cơ quan trung gian đứng ra tổ chức giải, không phải do LĐBĐ trực tiếp đứng ra tổ chức".
"Ngay khi làm đề án bóng đá chuyên nghiệp từ những năm 2000, đề xuất thành lập công ty tổ chức giải đã xuất hiện. Công ty ấy vẫn đứng trong VFF nhưng tách ra độc lập tương đối để tổ chức giải. Đơn cử như K.League ở Hàn Quốc, J.League ở Nhật Bản, Bundesliga ở Đức hay Premier League của Anh đều được tổ chức bởi công ty cổ phần".
"Tuy nhiên, khi đề án được phê duyệt, VFF lại lưỡng lự trong việc thành lập công ty tổ chức giải chuyên nghiệp, dẫn đến nhiều rắc rối trong quản lý, điều hành giải đó”, ông Viễn chia sẻ với Zing.
Khi V.League còn đặt dưới sự điều hành trực tiếp của VFF, giải xảy ra rất nhiều sự cố do công tác quản lý, điều hành chưa tốt. Ngoài ra, khi VFF nắm trong tay thương quyền và nguồn tài chính, các CLB cũng thiếu tự chủ, năng động trong việc chủ động dòng tiền, dẫn tới sự phụ thuộc, trì trệ trong khâu tổ chức ở chính đội bóng dự giải.
“Rất nhiều khó khăn, vướng mắc xuất hiện khi VFF tổ chức. Liên đoàn không thu hút được nhiều nguồn tài trợ từ doanh nghiệp, tổ chức xã hội bên ngoài, chưa mang các nguồn lực xã hội bên ngoài vào tham gia bóng đá. Các CLB cũng thiếu năng động trong các hoạt động thu hút tài chính để hoạt động. Khi chưa có VPF, tiền tài trợ tập trung hết ở VFF, các CLB không phát huy được tính năng động trong việc tìm kiếm nguồn tài trợ khác bởi thương quyền nằm hết ở bên tổ chức giải", ông Viễn kể lại.
V.League nhận được thêm tiền tài trợ để nâng cao chất lượng hình ảnh giải đấu. Hình ảnh V.League cũng phần nào được cải thiện nhất là sau hiệu ứng thành công của U23 và ĐTQG. Ảnh: Hoàng Hà. |
VPF đã làm được gì?
V.League ở thời điểm VPF ra đời từng có rất nhiều vấn đề: Ý thức chuyên nghiệp CLB chưa cao, vấn nạn trọng tài, bạo lực sân cỏ... Những vấn đề này đã từng bước được thay đổi, cải thiện sau khi VPF ra đời.
Với sự can thiệp của VPF, công tác trọng tài được cải thiện đáng kể. Sau những lần đấu tranh, VPF đã có quyền có hoặc không sử dụng trọng tài trong các trận đấu cụ thể. Mỗi khi trọng tài mắc sai sót nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tính minh bạch của các cuộc so tài, VPF có quyền không mời trọng tài làm nhiệm vụ ở các vòng kế tiếp. Công tác trọng tài vì thế đã cải thiện không ít.
VPF cũng phần nào thể hiện sự cầu thị khi hoạt động với mô hình doanh nghiệp. Cuộc họp trực tuyến lấy ý kiến CLB khi dịch Covid-19 đổ bộ cho thấy VPF có lắng nghe, lấy ý kiến của các đội bóng. Các CLB V.League cũng là cổ đông của VPF, do đó, có thể đóng góp để hoàn thiện hình ảnh giải đấu, tham gia vào sân chơi chung, thay vì thụ động thi đấu dưới sự tổ chức của VFF.
Đây là điểm sáng đặt cạnh nỗ lực chuyên nghiệp hình ảnh giải đấu thông qua việc ký hợp đồng với các đơn vị truyền thông, đưa V.League gần gũi hơn với khán giả. Ngoài ra, VPF cũng giúp VFF tháo gỡ phần nào gánh nặng tổ chức giải, qua đó tập trung cho ĐTQG hay bóng đá trẻ.
Vấn nạn trọng tài, bạo lực sân cỏ khiến V.League vẫn chưa thu hút nhiều sự quan tâm. Giá bản quyền truyền hình thấp khiến VPF và các CLB khó làm ăn có lãi. Ảnh: Quang Thịnh. |
Hành trình vẫn còn dài
Với slogan “Cộng đồng trách nhiệm - Chia sẻ quyền lợi - Hướng tới tương lai - Vươn ra thế giới”, VPF muốn cải tổ toàn diện hình ảnh giải đấu. Nhưng để thay đổi cả cơ chế, guồng quay đã trở thành lối mòn trong hàng chục năm là chuyện không đơn giản.
Gần một thập kỷ hoạt động, VPF vẫn chưa bán được bản quyền truyền hình với giá cao. Tiền bản quyền truyền hình V.League vẫn kém xa Thai League. Một cách kiểm chứng bao nhiêu nhà tài trợ hứng thú với V.League là đếm xem bao nhiêu quảng cáo truyền hình xuất hiện ở giờ nghỉ giữa hai hiệp mỗi trận V.League. Số lượng là không nhiều.
Tương tự, rất ít biển quảng cáo nhãn hiệu đặt trên sân, cho thấy sức hút chưa lớn từ giải VĐQG. Sự cố trọng tài, bạo lực sân cỏ hay những vấn đề phát sinh xung quanh khiến bóng đá Việt Nam tự thân chưa có sức hút để tự nuôi sống được mình. Số tiền vài trăm triệu VPF chia về các CLB mỗi năm rõ ràng không hề lớn.
Khó khăn của VPF càng lớn hơn trong bối cảnh dịch Covid-19 ở Việt Nam và thế giới. Việc mùa giải 2021 phải dừng lại giữa chừng bất chấp rất nhiều nỗ lực là đòn đánh mạnh vào VPF.
Cuối cùng, vấn đề của VPF còn là cơ cấu nhân sự chứ không chỉ là chuyện tài chính. Ông Viễn cho rằng: “Sự tham gia của các CLB vào hội đồng quản trị VPF là hơi nhiều. Theo quy định, hội đồng thành viên chỉ gồm 9 người. Việc có quá nhiều thành viên CLB khiến giải quyết vấn đề đôi khi thiếu khách quan. Thành phần nhiều quá, xử lý nhau không đơn giản, có khi xuất hiện việc du di cho nhau. Ngoài ra, nhiều CLB còn thiếu chuyên nghiệp”.
Không phủ nhận những đóng góp của VPF đã góp phần thay đổi bộ mặt bóng đá Việt Nam, nhưng hành trình của tổ chức này vẫn còn rất dài.
Công ty VPF tiếp quản công tác quản lý, tổ chức, điều hành các giải chuyên nghiệp quốc gia từ mùa giải 2012. Sau 10 năm, VPF đã tổ chức 10 mùa giải BĐCN QG với 2.674 trận đấu diễn ra đảm bảo công tác an ninh an toàn, có 7.747 bàn thắng, 13.331.502 khán giả trực tiếp đến sân theo dõi các trận đấu và hàng triệu khán giả theo dõi trên các kênh truyền hình trực tiếp.
Tỷ lệ truyền hình các giải đấu trong những năm qua được chú trọng. Từ mùa giải 2017, tỷ lệ truyền hình trực tiếp tại Giải VĐQG đạt tỷ lệ 100%, Cúp Quốc gia thực hiện trực tiếp 100% từ mùa giải 2018. Giải HNQG đến nay đã duy trì ổn định 80% trận đấu được truyền hình trực tiếp.
Từ mùa 2016, VPF hợp tác với công ty phân tích dữ liệu Sportradar để có các biện pháp ngăn ngừa, phòng chống tiêu cực trong các giải đấu, góp phần đem đến sân chơi công bằng cho các CLB.
Trên BXH các CLB châu Á, bóng đá Việt Nam xếp hạng 14, chỉ xếp sau Thái Lan ở Đông Nam Á.