Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Một năm vượt khó của ngành sách

Vượt qua một năm đầy thách thức do Covid-19, ngành xuất bản đặt ra những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2021, trong đó có việc nâng cao chất lượng sách.

Tong ket xuat ban 2020 anh 1

Covid-19 ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống trong năm 2020, trong đó có ngành xuất bản. Nhiều chuyên gia đã đưa ra dự báo doanh số của ngành có thể giảm đến 40%-50% so với năm 2019 khi sách không nằm trong nhóm “những hàng hóa thiết yếu”. Những thách thức đối với toàn ngành là rất lớn, nguy cơ về đợt suy thoái trở nên hiện hữu.

Trước những thách thức vô cùng to lớn đó, ngành xuất bản đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, tận dụng những điều kiện có thể để hoàn thành mục tiêu kép như chỉ đạo chung của Chính phủ vừa phòng chống dịch, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới. Trên thực tế, những người làm công tác xuất bản đã bước đầu vượt qua với những thành công nhất định.

Tổng kết năm 2020 của Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông chứng minh điều đó. Bên cạnh nhìn lại chặng đường một năm vượt qua khó khăn, ngành xuất bản cũng đề ra những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2021.

Tong ket xuat ban 2020 anh 2

Hội sách trực tuyến quốc gia vừa là giải pháp tình thế trong đại dịch, vừa là bước đi đầu để ngành xuất bản làm quen với chuyển đổi số. Ảnh: Duy Hiệu.

Doanh thu giảm nhẹ, chất lượng sách tăng

Năm 2020, ngành xuất bản thế giới đã chịu nhiều tổn thất lớn từ đại dịch Covid-19. Theo tạp chí Publishers Weekly, riêng tại Mỹ, doanh số tại các hiệu sách đã giảm đến 28,3%, ước tính giảm 2,5 tỷ USD so với năm 2019. Thị trường sách Trung Quốc cũng có dự báo giảm 15,93%. Các thị trường lớn ở châu Âu như Pháp, Đức đều ghi nhận sự sụt giảm doanh thu từ 20%-60% vào tháng 4 và 5.

Khu vực Đông Nam Á tuy chưa có thống kê đầy đủ cả năm song các nền xuất bản dẫn đầu khu vực như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Singapore đều ghi nhận mức giảm khá sâu trên 40-60% trong ba quý đầu năm 2020.

Qua số liệu trên có thể thấy việc giảm 2,4% số đầu sách, trên 8% số bản sách, 4% về doanh thu, 8% về lợi nhuận ở các nhà xuất bản Việt là những nỗ lực rất lớn của những người làm công tác xuất bản, góp phần giữ vững đội ngũ, đội hình ở các đơn vị xuất bản và phát hành.

Trong bối cảnh nhiều khó khăn, nhìn trên bình diện rộng, chất lượng sách đã được nâng lên một bước. Các đơn vị không chỉ xuất bản được nhiều đầu sách phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị, mà còn chủ động cung cấp ra thị trường nhiều cuốn sách hay, giá trị cao đáp ứng tốt nhu cầu của độc giả.

Rất nhiều đầu sách không chỉ tốt về chất lượng nội dung mà còn đẹp trong hình thức thể hiện. Đặc biệt, đã xuất hiện một số đầu sách có số lượng phát hành rất cao: Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu phát hành được 350.000 bản; cuốn Muôn kiếp nhân sinh trên 210.000 bản, cuốn Con chim xanh biếc bay về của Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh có số lượng gần 130.000 bản; cuốn Lược sử loài người, một công trình nghiên cứu của một học giả quốc tế có số bản lên đến 85.000 bản... Những con số đó là minh chứng cho những nỗ lực và quyết tâm tìm một hướng đi phát triển bền vững của các đơn vị xuất bản.

Bên cạnh đó, các xuất bản phẩm có nội dung tuyên truyền bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam tiếp tục được chú trọng. Sách cung cấp kiến thức, hướng dẫn kỹ năng phòng chống dịch bệnh Covid-19, về tinh thần đoàn kết và tình người Việt Nam trong những ngày chống dịch Covid-19... được nhiều nhà xuất bản quan tâm, xuất bản ngay trong những ngày dịch đang cao điểm.

Các chỉ số phát triển có sự sụt giảm nhất định song một số mảng sách có sự tăng trưởng khá ấn tượng như: Sách khoa học công nghệ, kinh tế tăng 83,8% về số cuốn, 37,9% về số bản; sách thiếu niên, nhi đồng tăng 18,09% về số cuốn; sách từ điển, ngoại văn tăng 21,68% về số cuốn, 891,69% về số bản...

Tong ket xuat ban 2020 anh 3

Giải thưởng Sách Quốc gia là điểm sáng trong hoạt động văn hóa đọc. Ảnh: Zing.vn.

Covid-19 thực sự làm thay đổi cả nhận thức và hành vi của mỗi người, buộc các đơn vị cung ứng dịch vụ phải chuyển đổi trạng thái nếu muốn tồn tại. Trong bối cảnh đó, nhiều nhà xuất bản đã chủ động chuyển đổi phương thức xuất bản và phát hành, đẩy mạnh xuất bản điện tử.

Nhiều doanh nghiệp phát hành xuất bản phẩm đã nhanh chóng chuyển đổi sang phương thức phát hành trực tuyến thông qua các nền tảng thương mại điện tử phục vụ kịp thời nhu cầu bạn đọc trong điều kiện thực hiện giãn cách xã hội.

Công tác quảng bá sách, phát triển văn hóa đọc được chú trọng. Mô hình hội chợ, triển lãm trực tuyến được ngành triển khai trong thời gian qua đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đi đầu khu vực (sau Thái Lan) về tổ chức hội chợ, triển lãm sách trực tuyến. Ứng dụng nhiều tính năng ưu việt của công nghệ, hội sách đã nhận được sự quan tâm rộng rãi của cộng đồng xã hội, mở ra một hướng đi mới cho hoạt động xuất bản, từng bước thực hiện chuyển đổi số, lan tỏa tri thức một cách hiệu quả nhất.

Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ 3 (2020) tổ chức thành công, thu hút được nhiều đơn vị tham gia, tạo được tiếng vang, được giới chuyên môn và xã hội ghi nhận, trở thành một trong những giải thưởng về sách uy tín hàng đầu hiện nay.

Một nét mới trong năm qua đó là việc triển khai chương trình phát triển văn hóa đọc trong công cộng theo hướng xã hội hóa. Cục Xuất bản In và Phát hành phối hợp với VNPost và Tập đoàn Trung Nguyên triển khai Kế hoạch phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, giai đoạn 2020-2030 theo hướng xã hội hóa.

Có được những kết quả trên, ngoài sự nỗ lực, sáng tạo của các đơn vị xuất bản, còn có những quyết tâm, đổi mới trong công tác chỉ đạo, quản lý. Trong điều kiện dịch bệnh Covid-19, công tác quản lý không gián đoạn mà được đẩy mạnh trên tất cả phương diện: Từ nghiên cứu xây dựng chủ trương chính sách, hoàn thiện thể chế đến công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra. Số lượng giảm gần 30% đầu sách vi phạm trong năm 2020 đặt trong bối cảnh chất lượng sách đang ngày càng nâng lên cho thấy mặt tích cực trong công tác quản lý.

Sách số chậm phát triển, mất cân đối trong cơ cấu sách

Bên cạnh những kết quả đạt được, một số hạn chế đã tồn tại nhiều năm qua vẫn chưa được khắc phục. Hiện nay, cơ cấu sách chưa hợp lý. Tỷ trọng sách giáo dục còn cao trong cơ cấu; nguyên nhân sách thuộc các thể loại khác còn hạn chế về số lượng.

Sách khoa học công nghệ, kinh tế tăng trưởng nhưng vẫn chỉ chiếm 8,1% về số bản và 2,1% về số đầu sách; sách từ điển, ngoại văn chỉ chiếm 0,3% về số cuốn và 0,01% (dù đã tăng đến tăng 891,69% trong năm qua). Trong khi sách giáo dục mặc dù có giảm nhưng vẫn chiếm tới 31,7% về số cuốn và 85,4% về số bản trong tổng số sách xuất bản năm 2020.

Việc triển khai thực hiện xuất bản điện tử, chuyển đổi số trong hoạt động xuất bản còn chậm, chưa có sự bứt phá. Số lượng nhà xuất bản tham gia xuất bản phẩm điện tử tăng trong khi số lượng xuất bản phẩm điện tử giảm. Trong khi xu hướng xuất bản thế giới với thị trường sách điện tử nói chung, audio book nói riêng tăng rất nhanh, trên 20%/năm thì chúng ta chuyển động rất chậm, trong đó năm 2020 sụt giảm so với 2019.

Hiệu quả kinh tế các nhà xuất bản còn thấp. Phần lớn các nhà xuất bản công nghệ còn hạn chế; nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu và tốc độ phát triển; ứng dụng công nghệ, phát triển xuất bản điện tử chậm, chưa đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số.

Tong ket xuat ban 2020 anh 4

Nâng cao năng lực xuất bản điện tử là một trong những nhiệm vụ của ngành sách thời gian tới. Ảnh: Quỳnh Trang.

Nâng cao chất lượng sách, hoàn thiện Chương trình sách quốc gia

Năm 2021 là năm bắt đầu cho một chặng đường phát triển mới, năm đầu tiên chúng ta thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Tuy nhiên, Covid-19 và những tác động tiêu cực của nó vẫn có thể tiếp tục đe dọa đến tăng trưởng kinh tế, thương mại toàn cầu, trong đó có lĩnh vực xuất bản.

Trong bối cảnh đó, bên cạnh những nhiệm vụ trước mắt, chúng ta cần phải có những bước đi thích hợp nhằm khẳng định tầm nhìn của ngành xuất bản trong bối cảnh chuyển đổi số đang trở thành một đòi hỏi bức thiết hơn bao giờ hết.

Ngành xuất bản thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm: Thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ phục vụ nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong năm 2021 và các nhiệm vụ thường xuyên của ngành, trong đó tập trung vào việc tuyên truyền Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, góp phần thiết thực đưa Nghị quyết vào cuộc sống; tuyên truyền bầu cử Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ (2021-2026); tuyên truyền chủ quyền biển đảo, các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội...

Tiếp tục tăng cường các giải pháp nâng cao chất lượng xuất bản phẩm với trọng tâm là hoàn thiện Chương trình sách quốc gia nhằm tạo nguồn lực cho ngành có thể xuất bản được những cuốn sách có chất lượng cao, những cuốn sách thiết yếu và nhiều hơn các cuốn sách phục vụ công tác thông tin đối ngoại.

Xây dựng và hoàn thiện các cơ chế chính sách hỗ trợ hoạt động xuất bản phát triển, tăng cường tiềm lực cho các nhà xuất bản, hướng đến nâng cao năng lực xuất bản điện tử, từng bước thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động xuất bản. Phối hợp với một số cơ quan chủ quản nhà xuất bản thực hiện Đề án xây dựng nhà xuất bản trọng điểm.

Tiếp tục tăng cường công tác quảng bá sách, phát triển văn hóa đọc với trọng tâm là thực hiện tốt Ngày sách Việt Nam 21/4 và phối hợp với Hội xuất bản Việt Nam tổ chức thành công Giải thưởng sách Quốc gia lần thứ 4.

Tổ chức công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động xuất bản, in và phát hành theo kế hoạch và đột xuất… Đồng thời tiếp tục, triển khai các giải pháp quản lý nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương; nghiên cứu xây dựng đề tài khoa học ứng dụng về mã QR phục vụ công tác quản lý sản phẩm in và phòng, chống in lậu.

Phối hợp tổ chức các khóa bồi dưỡng nghiệp vụ, các lớp tập huấn; hội thảo chuyên đề trong lĩnh vực xuất bản, phát hành.

Đây đều là những nhiệm vụ hết sức nặng nề song chúng tôi tin tưởng với sự nỗ lực cố gắng của toàn thể cán bộ công chức, viên chức người lao động chúng tôi sẽ hoàn thành một cách tốt nhất các nhiệm vụ đã đề ra.

Cục trưởng Cục Xuất bản: 'Sẽ đấu tranh quyết liệt với sách lậu'

Trước tình trạng sách lậu, sách giả đang ngày càng phức tạp, Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông, đưa ra nhóm giải pháp đồng bộ nhằm đẩy lùi vấn nạn này.

'Thị phần sách văn học chưa được cải thiện'

Theo tổng kết của Hội Nhà văn Việt Nam, sách ngôn tình "ăn khách", còn sách lý luận, thơ gần như lưu hành nội bộ.

Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành

Bạn có thể quan tâm