Quyết định cấm vận với trứng cá muối là một phần trong gói trừng phạt thứ 5 được EU tung ra đầu tháng 4 nhắm vào Nga. Mục tiêu nhất quán của EU là buộc Moscow chịu trách nhiệm vì phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Tuy nhiên, các chuyên gia hoài nghi việc EU cấm nhập khẩu trứng cá muối sẽ không có nhiều tác động thực tế lên các nhà sản xuất Nga, theo Politico.
Lệnh cấm vô nghĩa?
Gói trừng phạt mới bao gồm các mặt hàng xa xỉ phẩm xuất khẩu của Nga như rượu mạnh và trứng cá muối. EU tuyên bố lệnh trừng phạt mới đánh vào "các hàng hóa tạo ra lợi nhuận lớn cho Nga".
"Mục tiêu của chúng tôi rất rõ ràng, EU không muốn nhắm vào người dân Nga phổ thông, mà là Điện Kremlin, tầng lớp tinh hoa chính trị và kinh tế ủng hộ chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine", quan chức EU phụ trách đối ngoại, ông Josep Borrell, nói.
Tuy nhiên, Politico cho biết trứng cá muối từ Nga thực chất chỉ đóng góp một phần rất nhỏ vào tổng thể nhập khẩu của EU nói riêng và thế giới nói chung.
EU đã cấm nhập khẩu trứng cá muối từ Nga. Ảnh: AFP. |
Trứng cá muối Nga trước đây được thu hoạch chủ yếu từ Biển Caspi, hai nước xuất khẩu chính là Nga và Iran. Tuy nhiên, tình trạng đánh cá quá mức cá tầm đẻ trứng đã dẫn đến lệnh cấm đánh cá trên quy mô toàn cầu.
Kể từ đó, nhiều ngư dân và doanh nghiệp chuyển hướng sang nuôi cá tầm trong nhà để thu hoạch trứng cá.
Năm 2019, Nga sản xuất 52 tấn trứng cá muối, con số rất nhỏ nếu xét đến tổng sản lượng trứng cá muối toàn cầu là 688 tấn, theo Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc. Riêng các nước EU sản xuất tổng cộng 164 tấn trứng cá muối.
Quan trọng hơn, trứng cá muối của Nga chủ yếu phục vụ tiêu dùng trong nước. Năm 2020, Nga chỉ xuất khẩu 1 tấn trứng cá muối. Trong khi đó, các nhà xuất khẩu hàng đầu là Trung Quốc với 123 tấn.
Trứng cá muối Nga xuất khẩu vào EU chỉ như muối bỏ bể. Năm 2021, EU nhập khẩu lượng trứng cá muối trị giá gần 45 triệu USD từ Iceland. Con số này từ Nga chỉ là khoảng hơn 4 triệu USD. Moscow chỉ đứng thứ 7 trong danh sách các nhà cung cấp trứng cá muối cho EU.
Nga nổi tiếng với trứng cá muối Ossetra, một trong những loại trứng cá muối đắt đỏ nhất thế giới. Sản phẩm này đến từ cá tầm Nga hiện được xếp vào danh sách loài có nguy cơ tuyệt chủng.
Lúc này, thu hoạch trứng cá từ cá tầm Nga chỉ còn được thực hiện thông qua chăn nuôi công nghiệp. Nhân viên của Petrossian, một trong các nhà cung cấp trứng cá muối lớn nhất EU, cho hay công ty này hoàn toàn không nhập khẩu trứng cá Ossetra từ Nga.
EU muốn gì?
Một số chuyên gia trong lĩnh vực thủy sản cho rằng lệnh trừng phạt với trứng cá muối từ Nga mà EU công bố chỉ mang tính biểu tượng chứ không có tác động thực tế.
"Với đa phần người dân châu Âu, lệnh trừng phạt nghe thì rất hay. Nhưng với tôi, EU chỉ thể hiện rằng họ đang làm gì đó mà không nhắm tới người dân Nga phổ thông. Lệnh trừng phạt thực sự không có tác động gì, EU hiểu rõ điều đó", Benoît Thomassen, Chủ tịch Ủy ban Cá tầm châu Âu, nhận xét.
Ông Thomassen cho rằng trừng phạt ngành trứng cá muối Nga dễ hơn nhiều so với cấm vận các mặt hàng năng lượng quan trọng như dầu mỏ hay khí đốt.
Các chuyên gia hoài nghi hiệu quả việc EU trừng phạt trứng cá muối từ Nga. Ảnh: AFP. |
Trong các cuộc tham vấn với Tổng cục Hàng hải và Nghề cá của Ủy ban châu Âu, giới chức EU đã được các chuyên gia khuyến cáo về tác động hạn chế mà lệnh trừng phạt mang lại.
Tuy nhiên, Thomassen cho biết ông không chắc khuyến nghị của các chuyên gia có được chuyển tới bộ phận phụ trách soạn thảo các lệnh trừng phạt hay không.
Ngoài ra, có nhiều cách để các nhà xuất khẩu Nga né tránh lệnh trừng phạt của EU.
Theo Công ước CITES về bảo vệ các loài động, thực vật hoang dã trong hoạt động thương mại, các thương nhân mua bán trứng cá muối có nghĩa vụ khai báo nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm thông qua mã hàng hóa dán trên bao bì.
Tuy nhiên, ông Thomassen nói các thương nhân thường che giấu nguồn gốc xuất xứ hàng hóa bằng cách cho sản phẩm của mình vào những lô hàng lớn hơn, sử dụng mã hàng hóa khác vốn dành cho toàn bộ lô hàng lớn. Một số thậm chí hối lộ nhân viên kiểm soát hải quan.