Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Quốc gia hưởng lợi từ việc Mỹ cấm nhập dầu từ Nga

Lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga hồi tháng 3 buộc các công ty Mỹ phải tìm đến những nguồn cung khác, tạo cơ hội cho Ecuador vực dậy lĩnh vực dầu khí vốn đang bị đình trệ.

Washington cấm nhập khẩu năng lượng của Nga do "chiến dịch quân sự" tại Ukraine đã mở ra cơ hội cho Ecuador, quốc gia Nam Mỹ có trữ lượng dầu hơn 8 tỷ thùng. Theo Bloomberg, để đảm bảo nguồn cung, các công ty lọc dầu Mỹ là Valaro, Marathon và Shell đã có nhiều cuộc gặp với Petroecuador - công ty dầu khí quốc doanh tại Ecuador, quản lý hơn 75% sản lượng dầu mỏ cả nước.

Tập đoàn Dầu khí Marathon là công ty Mỹ mua dầu của Nga nhiều nhất trong những năm qua. Do đó, việc cấm nhập khẩu dầu từ Moscow buộc công ty này phải tìm những nguồn cung, đặc biệt là dầu thô nặng ở những nước khác, bao gồm Ecuador.

Marathon đã đạt thỏa thuận mua 8 triệu thùng dầu từ Ecuador, và dự kiến nhận đủ số lượng trong tháng 5/2023.

Một thập niên ngưng trệ

Chính phủ Ecuador cho biết thời điểm này là cơ hội để thu hút vốn nước ngoài, nhằm hồi sinh ngành công nghiệp dầu khí trong nước vốn gặp nhiều khó khăn, theo Oilprice.

Trước đây, sự can thiệp quá sâu của chính phủ và tình trạng tham nhũng, đặc biệt là trong 10 năm cầm quyền của cựu Tổng thống Rafael Correa, cùng với môi trường pháp lý không thuận lợi là những yếu tố cản trở đầu tư nước ngoài tại Ecuador.

Điều đó dẫn đến việc các hoạt động thăm dò và phát triển, cũng như bảo trì và tân trang cơ sở hạ tầng năng lượng quan trọng, không được đầu tư trong một thời gian dài, do đó tác động mạnh đến các hoạt động sản xuất dầu khí.

Sự suy giảm liên tục trong lĩnh vực năng lượng của Ecuador đã ảnh hưởng đến nền kinh tế nghèo nàn, vốn phụ thuộc vào ngành công nghiệp "vàng đen".

My mua dau tu Ecuador anh 1

Bên ngoài nhà máy lọc dầu Esmeraldas của tập đoàn dầu khí Petroecuador. Ảnh: Reuters.

Giá dầu thô tăng cao do xung đột tại Ukraine tạo điều kiện cho Ecuador đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp dầu mỏ.

Tổng thống đương nhiệm Guillermo Lasso đã ban hành kế hoạch hành động 100 ngày, nhằm thúc đẩy gia tăng sản lượng dầu của đất nước. Trong số đó là việc tạo điều kiện hợp tác với các nhà đầu tư tư nhân trong lĩnh vực dầu mỏ.

Thách thức không nhỏ

Dầu mỏ đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Ecuador. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), lợi nhuận do sản xuất xăng dầu tạo ra chiếm 6,7% GDP của Ecuador năm 2019. Dầu thô cũng là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Ecuador, chiếm một phần tư kim ngạch xuất khẩu trong cùng năm.

Do đó, dầu mỏ được xem là một nguồn thu quan trọng của Ecuador, vốn đang thiếu tiền mặt.

Nước này đã chịu nhiều áp lực tài chính từ năm 2020, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 buộc Quito phải đảm bảo hơn 7 tỷ USD cho các khoản vay của Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế, đẩy nền kinh tế suy giảm 7,8% trong năm 2020.

Dù Tổng thống Lasso đặt mục tiêu sản xuất dầu một triệu thùng/ngày vào năm 2025, đây được xem như thách thức lớn, bất chấp đã có những cải cách gần đây.

Tháng 1/2022, Ecuador chỉ đạt sản lượng hơn 442.000 thùng/ngày, giảm 13% so với cùng kỳ năm trước.

My mua dau tu Ecuador anh 2

Khu phức hợp nhà máy lọc dầu ở Esmeraldas, Ecuador. Ảnh: Britannica.

Hạ tầng ngành dầu mỏ không được đầu tư trong thời gian dài đã ảnh hưởng đến năng suất sản xuất dầu mỏ của nước này.

Đường ống OCP của công ty tư nhân và SOTE của Petroecuador là hai đường ống duy nhất vận chuyển dầu mỏ từ phía đông đến cảng Esmeraldas ở phía tây đất nước, tại Thái Bình Dương.

Đường ống dẫn dầu của nước này liên tục bị vỡ do các vụ sạt lở đất cũng khiến ngành công nghiệp dầu mỏ gặp bất lợi. Do đó, để hiện thực hóa mục tiêu của ông Lasso, Ecuador sẽ cần phải đầu tư đáng kể, đặc biệt là việc nâng cấp đường ống dẫn dầu thô, sửa chữa và thay thế hạ tầng dầu khí cũ kỹ.

Bị Mỹ cấm nhập dầu, Nga tìm ai mua thay thế?

Khi không còn xuất khẩu dầu qua Mỹ, Nga có thể tăng cường bán cho các nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc.

Trần Hoàng

Bạn có thể quan tâm