Một tiêm kích của Không quân Mỹ bắn pháo sáng. Ảnh: Không quân Mỹ. |
Việc phát hiện hợp kim sản xuất tại Trung Quốc trong F-35, mẫu tiêm kích tối tân của Mỹ, đang làm dấy lên lo ngại về chi phí và chuỗi cung ứng cho Washington.
Hôm 7/9, Lầu Năm Góc thông báo tạm ngừng giao tiêm kích F-35 sau khi nhà sản xuất Lockheed Martin phát hiện một thỏi nam châm trong động cơ được chế tạo từ hợp kim cobalt và samarium hiếm tại Trung Quốc. Điều này vốn bị cấm theo luật pháp Mỹ và quy định của Lầu Năm Góc.
Trong khi đó, toàn bộ hơn 825 chiếc F-35 đã được giao từ trước tới nay đều có hợp kim từ Trung Quốc.
Trả lời phỏng vấn Defense News hôm 20/9, Phó chủ tịch điều hành Lockheed Martin, ông Greg Ulmer, cho biết công ty này sẽ tiếp tục chế tạo F-35 trong lúc chờ Bộ Quốc phòng Mỹ ra lệnh miễn hạn chế đối với mẩu nam châm.
Ông William LaPlante, quan chức mua sắm hàng đầu của Lầu Năm Góc, từng nói “nhiều khả năng sẽ có lệnh miễn hạn chế vì không có vấn đề an ninh hay an toàn”.
Toàn bộ hơn 825 chiếc F-35 đã được giao từ trước tới nay đều có một mẩu linh kiện được chế tạo từ hợp kim từ Trung Quốc. Ảnh: New York Times. |
Không phải lần đầu, sẽ có lần sau
Đây không phải lần đầu tiên một cấu kiện bị cấm từ Trung Quốc được phát hiện trong F-35. Trong quá khứ, Lầu Năm Góc đã phải liên tiếp ra lệnh miễn hạn chế để đảm bảo chương trình tiêm kích này đúng tiến độ vào năm 2012-2013.
Năm 2014, nguyên liệu Trung Quốc cũng được phát hiện có trong các khí tài và vũ khí quan trọng khác của Mỹ, như máy bay ném bom B-1B của hãng Boeing và một số tiêm kích F-16 của Lockheed Martin.
Tuy các linh kiện được sản xuất tại Trung Quốc không tạo ra rủi ro an ninh hay gây ảnh hưởng tới hiệu quả của F-35, tướng Charles Q. Brown, Tham mưu trưởng Không quân Mỹ, vẫn tỏ ra lo ngại về tính toàn vẹn của chuỗi cung ứng quân sự.
“Đất nước chúng ta, cùng với mọi đồng minh và đối tác của chúng ta, đang nhìn vào chuỗi cung ứng”, ông tướng Brown nói, bổ sung rằng câu hỏi lúc này là Mỹ sẽ lấy linh kiện từ đâu nếu có xung đột hoặc khủng hoảng.
Fu Qianshao, một chuyên gia trang thiết bị đã nghỉ hưu thuộc Không quân Trung Quốc, cho biết Mỹ sẽ gặp khó khăn nếu muốn chế tạo các vũ khí hiện đại như F-35 hoàn toàn bằng linh kiện nội. Quá trình tìm kiếm cấu phần thay thế sẽ rất tốn kém cả về tài chính và thời gian, theo ông Fu.
“Đó là thế lưỡng nan đối với Mỹ. Họ cứ than phiền về sự xâm nhập của các linh kiện Trung Quốc nhưng thực tế họ đang tự vẽ vấn đề cho chính mình”, ông Fu nói.
Một chiếc F-35 đang tiếp nhiên liệu giữa không trung bên trên bầu trời Ba Lan hồi tháng 2. Ảnh: AFP. |
Ông Fu nhận định Mỹ không có lựa chọn nào khác ngoài việc miễn hạn chế và cho phép tiếp tục giao F-35. Nguyên nhân là Trung Quốc có nguồn cung kim loại đất hiếm và các kim loại khác lớn hơn, đi kèm giá thành rẻ cho Mỹ.
Theo cây bút A.B. Abrams trên Diplomat, hoàn toàn có khả năng Mỹ sẽ còn phát hiện thêm các linh kiện Trung Quốc khác được sử dụng trong F-35, nhất là khi các doanh nghiệp Mỹ từng tìm cách ngụy trang xuất xứ Trung Quốc trong các mặt hàng họ cung cấp cho quân đội.
Điểm yếu chuỗi cung ứng
Sự cố nam châm Trung Quốc trong động cơ F-35 vừa qua thể hiện Lầu Năm Góc không có cái nhìn bao quát đối với chuỗi cung ứng. Cơ quan này không theo dõi chi tiết cấu kiện nào do ai sản xuất mà giao việc này cho các nhà thầu chính (như Lockheed Martin).
Tới lượt mình, nhà thầu chính sẽ yêu cầu các nhà thầu phụ chịu trách nhiệm giám sát chuỗi cung ứng, và nhà thầu phụ cũng có yêu cầu tương tự với các nhà thầu nhỏ hơn, theo nhà nghiên cứu Maiya Clark thuộc Trung tâm Quốc phòng Heritage (Mỹ).
Các nhà thầu chính thường chỉ nắm chuỗi cung ứng ở một vài cấp đầu tiên và không một chủ thể nào biết hết toàn bộ thông tin về chuỗi cung ứng F-35. Vì thế, Bộ Quốc phòng Mỹ chỉ biết về điểm yếu của chuỗi cung ứng khi phía dưới báo lên.
Theo bà Clark, Lầu Năm Góc đã nhận báo cáo về vi phạm lần này từ Lockheed Martin, vốn nhận thông tin từ Honeywell (nhà sản xuất máy tuabin F-35). Honeywell hay tin từ nhà cung cấp linh kiện bơm dầu, vốn nghe lại từ bên cung cấp nam châm về việc đã dùng hợp kim sản xuất tại Trung Quốc.
Bà Clark nhận định hiện tượng này không chỉ tồn tại ở chuỗi cung ứng F-35 mà xuất hiện ở toàn bộ chuỗi cung ứng quân sự Mỹ.
Lớp tàu bề mặt Zumwalt là một loại khí tài quân sự khác gây tranh cãi trong lịch sử Hải quân Mỹ. Ảnh: Hải quân Mỹ. |
Từ năm 2018, các nhà phân tích trên National Interest đã đặt câu hỏi “liệu có còn khả thi nếu muốn chế tạo vũ khí Mỹ 100% hay không”.
Để khắc phục, trong những năm qua, Mỹ đã nhấn mạnh việc tăng cường an ninh cho các chuỗi cung ứng trong hệ thống trang bị vũ khí, bằng cách giảm phụ thuộc cấu kiện, nguyên liệu và phần mềm từ các nước khác, đặc biệt là Trung Quốc và Nga, theo báo cáo hồi tháng 3 của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ.
Chính quyền Mỹ cả dưới thời ông Trump và ông Biden đều có biện pháp nhằm xem xét và giảm thiểu sự phụ thuộc của quân đội vào các linh kiện nước ngoài.
Tháng 2, một báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định việc xây dựng nguồn cung ứng bền vững và cạnh tranh sẽ là chiến dịch dài hạn. Nhưng nỗ lực giảm phụ thuộc ấy của Mỹ có kết quả ra sao là câu hỏi chỉ tương lai mới có thể trả lời.