Sau khi ghé cảng Guam hồi tuần trước, tàu Zumwalt - từng được mệnh danh là “chiếm hạm đến từ tương lai” - đã tới Nhật Bản hôm 26/9, Hạm đội 7 của hải quân Mỹ cho biết. Đây là chuyến đi xa nhất mà tàu Zumwalt từng thực hiện, theo Naval News.
Con tàu này đã được biên chế vào nhóm tàu khu trục số 15 - đơn vị tàu khu trục lớn nhất đóng ngoài lãnh thổ Mỹ - hoạt động tại căn cứ Yokosuka, Nhật Bản.
Theo nhà phân tích quân sự Carl Schuster, cựu đại tá Hải quân Mỹ, tàu Zumwalt chắc chắn sẽ nhận được sự chú ý của Trung Quốc, đặc biệt khi con tàu này có khả năng mang theo vũ khí siêu vượt âm, CNN đưa tin.
Một khi được trang bị tên lửa siêu vượt âm, tàu Zumwalt sẽ trở thành thứ vũ khí đáng gờm. Nhưng trước thời điểm đó, trang bị của tàu Zumwalt vẫn bị coi là khá mỏng, chưa xứng đáng với giá thành đắt đỏ.
Điểm mạnh công nghệ
Với chiều dài 185 m và lượng giãn nước 16.000 tấn, tàu Zumwalt là “con tàu chiến trên bề mặt có công nghệ tiên tiến nhất thế giới”, Hải quân Mỹ tuyên bố.
Con tàu này có kích cỡ khá lớn so với các tàu khu trục hiện nay của Mỹ hay Trung Quốc. Để so sánh, lớp tàu khu trục Arleigh Burke - “xương sống của Hải quân Mỹ” - chỉ dài khoảng 155 m và có lượng giãn nước chưa đầy 10.000 tấn. Tàu khu trục lớp 055 của Hải quân Trung Quốc dài 180 m và có lượng giãn nước khoảng 12.000-13.000 tấn.
Lớp tàu Zumwalt có thiết kế tương đối khác biệt so với các tàu chiến khác. Ảnh: Hải quân Mỹ. |
Tuy nhiên, CNN chỉ ra dù thua kém về kích cỡ, đội hình tàu lớp 055 của Hải quân Trung Quốc lại có ưu thế về số lượng so với lớp tàu Zumwalt của Mỹ. Lớp tàu Zumwalt chỉ bao gồm ba tàu: Zumwalt, Michael Mansoor và Lyndon B. Johnson. Trong đó, tàu Lyndon B. Johnson vẫn chưa đi vào hoạt động.
Trong khi đó, Hải quân Trung Quốc có tới 6 con tàu lớp 055 đang hoạt động. Nhiều con tàu khác cũng đang được Bắc Kinh chế tạo trong nỗ lực xây dựng đội tàu hải quân lớn nhất thế giới.
Lớp tàu Zumwalt có 80 ống phóng tên lửa thẳng đứng, có khả năng tấn công mục tiêu trên mặt đất, trên biển và cả tàu ngầm. Lớp tàu 055 có tới 112 ống phóng như vậy.
Dù vậy, công nghệ là điểm mà tàu Zumwalt có thể tự hào. Zumwalt được áp dụng một loạt công nghệ mới lần đầu sử dụng trên tàu chiến, gồm động cơ điện tích hợp, radar băng tần kép, pháo bắn siêu xa AGS 155 mm, theo Defence News.
Tàu Zumwalt cũng có thiết kế thủy động lực học với công nghệ “sóng xuyên thân” và phần mũi tàu xuôi về phía sau chứ không hướng về trước như truyền thống. Tàu sử dụng tháp chỉ huy tích hợp kiểu mới. Toàn bộ cảm biến được gắn bên trong mái che giúp tăng khả năng tàng hình.
Một báo cáo của Viện Nghiên cứu Hải quân Mỹ (USNI) hồi tháng 8 cho biết tàu Zumwalt sẽ được nâng cấp vào năm 2023 để có thể được trang bị hệ thống vũ khí siêu thanh thế hệ mới C-HGB. Hệ thống này có thể di chuyển nhanh hơn 5 lần vận tốc âm thanh, theo cơ quan nghiên cứu Quốc hội Mỹ.
Con tàu gây tranh cãi
Bất chấp các điểm mạnh, Zumwalt vẫn là lớp tàu gây tranh cãi bậc nhất trong lịch sử Hải quân Mỹ. Tính cả chi phí nghiên cứu và phát triển, chi phí của mỗi con tàu lên tới khoảng 8 tỷ USD, theo một báo cáo của chính phủ Mỹ gửi Quốc hội năm 2018.
Mức giá khổng lồ này đáng lẽ ra có thể được hạ xuống đáng kể nếu Hải quân Mỹ giữ nguyên kế hoạch đóng 32 tàu Zumwalt. Tuy nhiên, con số này bị giảm còn 3 tàu sau khi hải quân Mỹ nhận thấy lớp tàu Zumwalt cần được chỉnh sửa đáng kể để đáp ứng nhiệm vụ chống tên lửa đạn đạo.
USS Michael Monsoor - con tàu lớp Zumwalt thứ hai của Hải quân Mỹ - tại cảng Hawaii, hồi tháng 2. Ảnh: Hải quân Mỹ. |
Đây là vai trò mà lớp tàu Arleigh Burkes có thể đảm nhiệm với giá thành rẻ hơn nhiều. Do đó, kế hoạch dùng tàu lớp Zumwalt để thay thế lớp Arleigh Burkes tạm thời bị phá sản.
Ngoài ra, quá trình đóng tàu cũng tốn rất nhiều thời gian. Con tàu đầu tiên - cũng có tên Zumwalt - được đưa vào biên chế từ năm 2016, nhưng Hải quân Mỹ chỉ hoàn thành quá trình tiếp nhận sau khi kiểm tra tổng thể năm 2018.
Chuyến đi của tàu Zumwalt tới Tây Thái Bình Dương mang nhiệm vụ hơi khác với các tàu thông thường. Hải quân Mỹ thường sử dụng thuật ngữ “triển khai” mỗi khi đưa tàu chiến tới một địa điểm. Dù vậy, lực lượng này chủ ý không dùng thuật ngữ trên với con tàu mặt nước tối tân.
“Dù con tàu và thủy thủ đoàn vẫn làm nhiệm vụ như các tàu khác, hoạt động của họ là một phần của quá trình ‘hòa nhập’ với hạm đội - một con tàu mới được đưa vào môi trường hoạt động để hiểu rằng cách vận hành nào là tốt nhất”, một quan chức hải quân cho biết.
Theo chuyên gia quân sự Carl Schuster, trước khi được trang bị vũ khí siêu vượt âm, hoạt động của tàu Zumwalt mang tính phô diễn nhiều hơn quân sự.
“Với mức giá trên 8 tỷ USD mỗi tàu, Hải quân Mỹ đang cố tìm ra nhiệm vụ cho các con tàu chiến vẫn được trang bị mỏng này”, ông Schuster nói.