Gương mặt em
ngủ trên tay anh
như giọt sương sớm đậu trên cành
anh sợ
một sớm mai tan biến
***
Em đi đâu trong cơn gió lạnh
phố cổ kinh thành
tứ hợp viện
chập chờn bóng mắt
linh hồn người Hán liễu rủ mày ngài
má hồng môi thắm
tiếng cười loang loáng sắc
anh không biết
em là ai trong những mỹ nhân cố đô che mặt
khi em đọc cho anh nghe
những câu thơ viết bằng tiếng nước mình
từ ngón tay em đàn
qua cầu bay gió âm thanh
***
Trên mặt tuyết
nở những vết thương lạnh buốt
sương uống ánh trăng
mùa Bắc Kinh khô hanh
thân thể khát những cơn mưa dịu dàng Bắc Việt
em kể cho anh nghe
những ám ảnh
về người bạn chết trẻ nơi đất khách
linh hồn lưu lạc
về những bậc cầu thang rùng mình
giọt nước mắt chập chờn
phủ kín
những giấc mộng chìm đêm
cơn gió lật ngày
những nhan sắc tê tái
đã qua mùa
mùi nước hoa còn vương trên cây.
Lời bình
Mơ hồ, liêu trai và kỳ bí, chất thơ như làn hương còn vương trên cây, nhòe sau bóng mắt kinh thành, chập chờn như thanh âm trong gió, như mộng ảnh của linh hồn giai nhân luân lạc. Chữ nghĩa và hình tượng trong bài thơ không hướng đến sự mô tả (khắc tạc) mà cốt gợi lên cảm giác, ấn tượng về một gương mặt, nghĩa là chú ý đến trạng thái - khí chất hơn là hình ảnh. Bởi thế, càng cố nắm bắt, cố hiểu rõ, lại càng mơ hồ, bất lực và dễ làm chất thơ tan biến.
Em là ai? Gương mặt em che giấu nỗi buồn mong manh, phảng phất giấc mộng tái tê hoài thai từ tiền kiếp. Thoáng rùng mình gai lạnh, hồ như có giọt lệ long lanh nơi khóe mắt giai nhân trong tờ cổ họa. Là thực hay là mơ, là ta hay là Trang Sinh trong huyễn mộng về cái đẹp u buồn không bao giờ chạm tới.