Sau một thời gian trải nghiệm smartwatch, thiết bị này trở thành phần quen thuộc, quan trọng trong cuộc sống của tôi. |
Dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 này kéo dài tới 5 ngày, vì vậy như nhiều người sống ở Hà Nội khác, tôi quyết định về quê chơi vài ngày để thăm hỏi họ hàng, cũng như cho bản thân khoảng thời gian xả hơi.
Mong muốn tận hưởng kỳ nghỉ trọn vẹn mà không phải lo về những thói quen hàng ngày, tôi quyết định bỏ lại chiếc đồng hồ thông minh, món đồ gần như gắn liền với tôi cả ngày.
Không có smartwatch khá bất tiện
Niềm yêu thích với smartwatch bắt đầu từ khi tôi sử dụng chiếc Amazfit Bip, một sản phẩm độc đáo với màn hình luôn bật (Always-On Display) và thời lượng pin tính bằng tuần. Kể từ đó, tôi đã tìm hiểu trải nghiệm nhiều dòng đồng hồ thông minh như Apple Watch, Huawei GT hay Amazfit GTS…
Điều đầu tiên tôi nhận thấy khi không đeo smartwatch là cảm giác “trống vắng”. Thực tế, vấn đề này không quá đáng nói bởi những người quen đeo đồng hồ truyền thống, vòng tay hay các sản phẩm smartband đều sẽ gặp phải.
Tuy nhiên, cảm giác trống vắng không nằm ở cổ tay, mà ở những thông tin ta mất đi khi không có chiếc đồng hồ bên cạnh.
Những chiếc smartwatch mặt tròn như dòng Huawei Watch GT cũng có thể thay thế đồng hồ truyền thống làm phụ kiện thời trang. |
Tôi thường đeo smartwatch khi đi ngủ, và thói quen hàng ngày sau khi thức dậy là kiểm tra thông tin giấc ngủ, sau đó đến lịch, thời tiết, nhắc nhở, thông báo. Cuối cùng, tôi xem qua một lượt các dữ liệu sức khỏe như số bước đã đi vào ngày hôm trước và lượng calo tiêu hao.
Vì vậy, khi không còn chiếc smartwatch trên tay, những ngày ở quê tôi thường thức dậy và cầm ngay chiếc điện thoại lên, tiêu tốn một khoảng thời gian nhỏ vào buổi sáng.
Không có smartwatch, việc tiếp cận những thông tin kể trên cũng khiến tôi phải dựa vào smartphone, khá bất tiện khi tôi tập thể dục hay chạy bộ.
Oppo Watch 46mm, một trong những chiếc smartwatch tôi yêu thích nhất. |
Ngoài ra, chiếc đồng hồ thông minh còn là một phần động lực để tôi đứng dậy vận động hay tập thể thao nhờ tính năng “cảnh báo ngồi lâu”. Thực tế, việc có chiếc smartwatch bên cạnh vài năm qua giúp tôi có mục tiêu rõ ràng và mong muốn hoàn thành những mục tiêu đó khi luyện tập.
Việc không có chiếc đồng hồ để nhận cuộc gọi hay trả lời tin nhắn nhanh cũng khiến tôi cảm thấy khá khó chịu. Nếu như trước đây chỉ cần giơ cổ tay để nghe điện, giờ tôi phải tìm điện thoại. Điều này đặc biệt bất tiện khi tôi đang ở điện thoại ở phòng khác trong nhà.
Thoát khỏi công nghệ
Mặc dù đã quen với đồng hồ thông minh, vẫn có một số lợi ích tôi cảm nhận được khi không mang theo thiết bị này. Mục đích của smartwatch là luôn sẵn sàng phục vụ người dùng, nhưng sau một thời gian đeo tôi nhận thấy là điều ngược lại đang xảy ra.
Tôi cảm nhận rằng bản thân mới là người đang phải trong tâm thế “phục vụ” chiếc đồng hồ. Ví dụ, khi đang trong bữa cơm với gia đình hay tụ tập bạn bè, mỗi khi có thông báo, tôi lại phải giơ cổ tay xem đồng hồ, khi cần lại phải rút điện thoại kiểm tra hay trả lời.
Đôi khi chiếc đồng hồ thông minh lại làm tôi cảm thấy quá phụ thuộc vào công nghệ. Ảnh: Omar Abdllat. |
Không phải lúc nào những thông tin này cũng quan trọng, đôi khi chúng có thể là tin nhắn quảng cáo, cuộc gọi rác hay thông báo mạng xã hội. Không mang theo smartwatch, tôi có thể thoải mái tập trung vào khoảnh khắc hiện tại, tự do trò chuyện với gia đình, họ hàng.
Nhiều người nói rằng bạn luôn có thể đeo đồng hồ thông minh và tắt thông báo. Nhưng như vậy thì mục đích đeo smartwatch đã hoàn toàn mất đi, tại sao ngay từ đầu ta không mua một chiếc đồng hồ truyền thống.
Việc không còn là “nô lệ” của dữ liệu cũng khiến tôi rất thoải mái khi không còn phải thúc đẩy bản thân để hoàn thành chỉ tiêu luyện tập ngày hôm nay, hay không cần phải theo dõi từng lượng calo tiêu hao. Tôi cũng có thể thoải mái tập trung vào việc đang làm mà không gặp phiền toái với những thông báo.
Tuy vậy, niềm yêu thích của tôi với món đồ công nghệ này vẫn rất lớn và mà nó mang lại là không thể phủ nhận. Sau 3 ngày nghỉ lễ, trở lại nhà ở Hà Nội, việc đầu tiên tôi làm là mang đồng hồ lên tay.
Những chiếc bẫy vô hình trên mạng xã hội
Cuốn sách Vũ trụ kĩ thuật số của giáo sư Kim Sang Kyun đã đi sâu phân tích, mổ xẻ một cách tường tận, những tác động các thiết bị thông minh, thế giới ảo và mạng xã hội trong cuộc sống hiện đại.