Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mối nguy từ vòng xoáy lạm phát toàn cầu

Lạm phát tăng ngoài dự kiến khiến tỷ lệ nợ công trên GDP ở nhiều quốc gia giảm đi. Nhưng giới quan sát cảnh báo điều này có thể gây ra vòng xoáy tăng lãi suất.

Theo Wall Street Journal, lạm phát gia tăng làm giảm tỷ lệ nợ công trên sản lượng kinh tế và giúp các chính phủ hưởng lợi. Nhưng giới quan sát cảnh báo rằng điều này có thể phản tác dụng nếu lạm phát không được kiểm soát.

Theo dữ liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tệ (IMF), một số quốc gia châu Âu nợ nhiều, bao gồm Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Anh, đang trên đà giảm tỷ lệ nợ công trên GDP. Nợ công đã tăng lên trong vài năm qua để đối phó với dịch Covid-19. Nhưng trong vòng 1-2 năm tới, con số này có thể giảm xuống thấp hơn hồi năm 2019.

Nguyên nhân là lạm phát và tăng trưởng kinh tế mạnh đã thúc đẩy sản lượng kinh tế (được tính bằng đồng USD, EUR hoặc GBP). Trong khi đó, lãi suất đi lên nhưng vẫn ở mức tương đối thấp. Điều đó khiến tỷ lệ nợ công trên GDP giảm tại nhiều quốc gia. Đây là thước đo quan trọng với tính bền vững của nợ công của một nước.

No cong toan cau anh 1

Một số quốc gia châu Âu đang trên đà giảm tỷ lệ nợ công trên GDP do lạm phát đi lên. Ảnh: AFP.

Vòng xoáy tăng lãi suất

Ở Mỹ, theo dữ liệu của Cục Dự trữ Liên bang (FED) chi nhánh St. Louis, nợ công đã giảm từ mức 136% GDP hồi năm 2020 xuống còn 123% GDP vào năm ngoái, ngay cả khi thâm hụt ngân sách tăng lên khoảng 1/4 GDP trong 2 năm qua.

Theo số liệu của IMF, lạm phát đã làm giảm tỷ lệ nợ công trên GDP của Mỹ khoảng 5 điểm phần trăm trong năm ngoái. So với dự báo được IMF đưa ra vào tháng 10/2020, tỷ lệ này sẽ thấp hơn 12 điểm phần trăm trong năm tới.

"Lạm phát ngoài dự đoán cùng với lãi suất danh nghĩa thấp đã tác động tích cực lên nợ", ông Olivier Blanchard - thành viên cấp cao tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (có trụ sở ở Washington) - bình luận. Ông từng là nhà kinh tế trưởng tại IMF. "Nhưng chúng ta không nên quyết định các chính sách dựa trên cơ chế đó", ông nói thêm.

Trong lịch sử, hiếm khi lạm phát tăng cao giúp giảm tỷ lệ nợ công trên GDP. Bởi các trái chủ nắm giữ trái phiếu chính phủ thường yêu cầu lãi suất cao hơn để bù đắp chi phí đi lên. Điều này tạo thêm gánh nặng nợ.

Lạm phát ngoài dự đoán cùng với lãi suất danh nghĩa thấp đã tác động tích cực lên nợ. Nhưng chúng ta không nên quyết định các chính sách dựa trên cơ chế đó

Ông Olivier Blanchard, thành viên cấp cao tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (có trụ sở ở Washington)

Quay trở lại thời điểm hiện tại, lãi suất toàn cầu đang tăng đáng kể và các ngân hàng trung ương bắt đầu lên kế hoạch giảm nắm giữ trái phiếu chính phủ. Nếu lạm phát vẫn tăng, giới đầu tư có thể yêu cầu lãi suất cao hơn và làm gánh nặng nợ công phình to.

"Đúng là lạm phát bất ngờ làm giảm tỷ lệ nợ. Nhưng trong môi trường lạm phát đi lên và biến động, sức hấp dẫn của trái phiếu chính phủ bị suy giảm", ông Vitor Gaspar - Giám đốc bộ phận tài chính của IMF - nhận định.

Trong khi đó, nhu cầu chi ngân sách đang tăng lên bởi một loạt cú sốc địa chính trị, bao gồm xung đột Nga - Ukraine, và các kế hoạch đầu tư mạnh tay vào năng lượng sạch và công nghệ kỹ thuật số.

Theo IMF, trong trung hạn, các nền kinh tế tiên tiến có thể tăng đầu tư công hàng năm thêm 0,5 điểm phần trăm GDP so với những dự báo trước đại dịch.

Nhưng ở thời điểm hiện tại, các chính phủ đang hưởng lợi từ lạm phát tăng cao. Theo IMF, năm ngoái, lạm phát đi lên đã làm giảm 1,8 điểm phần trăm tỷ lệ nợ công trên GDP tại những nền kinh tế tiên tiến và 4,1 điểm phần trăm ở các thị trường mới nổi (ngoại trừ Trung Quốc).

Tác động sẽ còn lớn hơn nữa ở châu Âu khi lạm phát tăng cao. Tại Hy Lạp, nợ công được dự báo sẽ giảm xuống mức 185% GDP của năm 2019.

Phản tác dụng

Tại Bồ Đào Nha, IMF cho rằng tới năm 2024, tỷ lệ nợ công trên GDP ​​sẽ giảm xuống dưới mức 2019. Còn nợ công của Síp được dự báo giảm xuống 87% GDP vào năm 2024, mức thấp nhất kể từ năm 2012 - một năm trước khi quốc gia này nhận gói cứu trợ quốc tế.

Síp và Bồ Đào Nha là 2 nước nhận được gói cứu trợ quốc tế trong cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu.

Còn ở Anh, nợ chính phủ dự kiến ​​giảm xuống khoảng 83% GDP vào năm tới, dưới mức của năm 2019 và giảm từ ngưỡng cao kỷ lục 103% GDP hồi năm 2020, theo IMF.

Người phát ngôn cho biết chính phủ Anh đã cam kết giảm nợ công trong bối cảnh lãi suất tăng. Mới đây, nước này cũng công bố những quy định chặt chẽ hơn đối với chi tiêu công.

No cong toan cau anh 2

IMF cho rằng tới năm 2024, tỷ lệ nợ công trên GDP ​​của Bồ Đào Nha sẽ giảm xuống dưới mức 2019. Ảnh: AFP.

Nhưng trong lịch sử, việc giảm tỷ lệ nợ công bằng lạm phát thường phản tác dụng nếu lạm phát không được kiềm chế. Theo IMF, ở thời điểm hiện tại, lạm phát đi lên thậm chí còn có nhiều khả năng làm chi phí của các khoản nợ công tăng cao hơn trước, bởi nhiều trái phiếu liên quan đến tỷ lệ lạm phát và giới đầu tư có nhiều cơ hội đầu tư hơn.

Vào những năm 1980, tại Nam Mỹ, các chính phủ in tiền để thanh toán hóa đơn và giảm tỷ lệ nợ công trên GDP. Nhưng các chính sách này đã phản tác dụng, khiến lãi suất cao hơn và gây ra siêu lạm phát.

"Tôi không cho rằng việc giảm tỷ lệ công trên GDP bằng lạm phát là một chính sách tốt. Trong lịch sử, nó thường đem tới kết quả tồi tệ nhiều hơn", giáo sư Ricardo Reis tại London School of Economics bình luận.

Châu Âu đau đầu tìm cách chặn nguồn thu từ dầu của Nga

EU đề xuất loại bỏ dầu của Nga vào cuối năm. Khối này đang nhanh chóng tìm nguồn cung thay thế nhằm giảm tác động tới nền kinh tế và thị trường toàn cầu.

Nguy cơ lạm phát lương thực toàn cầu vì khan hiếm dầu ăn

Lệnh cấm xuất khẩu dầu cọ của Indonesia đe dọa làm trầm trọng thêm tình trạng lạm phát toàn cầu, vốn đã tăng cao vì dịch bệnh và xung đột Nga - Ukraine.

Thảo Phương

Bạn có thể quan tâm