Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Châu Âu đau đầu tìm cách chặn nguồn thu từ dầu của Nga

EU đề xuất loại bỏ dầu của Nga vào cuối năm. Khối này đang nhanh chóng tìm nguồn cung thay thế nhằm giảm tác động tới nền kinh tế và thị trường toàn cầu.

Theo nguồn tin giấu tên của Bloomberg, Liên minh châu Âu (EU) dự kiến đề xuất lệnh cấm dầu Nga vào cuối năm nay. Từ giờ đến thời điểm đó, khối này sẽ dần áp dụng các hạn chế nhập khẩu.

EU cũng sẽ tăng cường loại bỏ các ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, bao gồm Sberbank PJSC - tổ chức tài chính lớn nhất của Nga. Trước đó, Nga và Anh đã áp đặt những đòn trừng phạt với Sberbank.

Theo nguồn tin, khối có thể đưa ra quyết định về các biện pháp trừng phạt mới ngay tại cuộc họp diễn ra vào tuần tới. Kể từ khi Nga đổ quân vào Ukraine, đây sẽ là gói trừng phạt thứ 6 của EU.

EU cam van dau Nga anh 1

EU dự kiến đề xuất lệnh cấm dầu Nga vào cuối năm nay. Ảnh: Reuters.

Khả năng cấm vận dầu Nga

Để đi tới quyết định trừng phạt, tất cả 27 quốc gia thành viên EU cần phải thông qua. Hungary và Đức từ lâu đã phản đối các lệnh trừng phạt nhắm vào dầu Nga. Nhưng mới đây, đại diện của Đức đã thay đổi quan điểm. Giới chức nước này cho biết sẵn sàng ngừng mua dầu Nga nếu bảo đảm được nguồn cung thay thế.

Lệnh cấm dầu Nga có thể giáng đòn lên nền kinh tế của một số quốc gia thành viên EU. Theo dữ liệu chính thức, khối này nhập khẩu 19,3% lượng than từ Nga vào năm 2020. Trong cùng năm, EU mua của Nga 36,5% lượng dầu và 41,1% lượng khí đốt tự nhiên tiêu thụ.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Nga là nước xuất khẩu dầu thô lớn thứ 2 thế giới, chiếm 14% nguồn cung toàn cầu vào năm ngoái. Gần 2/3 lượng dầu xuất khẩu của nước này được đưa tới châu Âu.

Hồi tháng 3, châu Âu đặt mục tiêu loại bỏ dầu khí Nga vào năm 2027. Nhưng ở thời điểm hiện tại, giới chức EU chịu sức ép nhanh chóng giảm doanh thu từ dầu khí của Nga.

Lượng dầu thô được chuyển từ Nga tới Tây Bắc Âu mỗi ngày
Nguồn: Bloomberg
NhãnNgày 28/1/20224/211/218/225/24/311.318.325/31/48/415/422/4

triệu thùng 1.221.31.31.241.271.241.221.240.970.830.710.650.78

Để giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga, châu Âu đang gấp rút đẩy mạnh dòng chảy khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) và tăng cường sản xuất từ các nguồn tái tạo vào năm 2030.

Nhưng giới quan sát nhận định kế hoạch giảm phụ thuộc vào năng lượng Nga của châu Âu sẽ phải kéo dài và tốn kém. Bởi cuộc chiến ở Ukraine cũng khiến thép, đồng và nhôm trở nên khan hiếm, đắt đỏ.

"Chi phí xây dựng sẽ đắt hơn dự định của chính phủ. Một số dự án có thể bị trì hoãn vì giá nguyên vật liệu tiếp tục tăng cao", ông Grant Sporre - nhà phân tích của Bloomberg Intelligence - nhận định.

"Thế giới vẫn có thể sống mà không cần tới nguồn cung từ phía Nga. Điều đó là chắc chắn. Nhưng chúng ta vẫn cần thời gian để điều chỉnh", ông Andrew Forrest - nhà sáng lập Fortescue Group Metals - bình luận.

Giảm doanh thu từ dầu

Giới chức EU cũng thảo luận về một số biện pháp nhằm cắt giảm doanh thu từ dầu của Nga, gồm đặt giá trần, cơ chế thanh toán đặc biệt và đòn thuế. Các gói trừng phạt cũng nhắm vào Belarus vì hỗ trợ Nga trong cuộc chiến ở Ukraine.

Theo nguồn tin của Bloomberg, EU cũng cân nhắc xử lý dầu được vận chuyển bằng tàu chở dầu và đường ống theo những cách khác nhau. Điều này giúp dễ dàng thực hiện các đòn trừng phạt sau này hơn.

Các biện pháp nhằm giảm nguồn thu từ xuất khẩu dầu của Nga càng nhiều càng tốt, mà không dẫn tới tình trạng bất ổn trên thị trường toàn cầu. Giá dầu tăng cao khiến Moscow không chỉ chịu ít tác động từ lệnh trừng phạt, mà còn hưởng lợi nhờ thu ngân sách tăng cao.

Cuộc thảo luận về lệnh cấm vận dầu Nga diễn ra sau khi Moscow bắt đầu ngừng cung khí đốt tự nhiên cho châu Âu. Hôm 27/4, hãng khí đốt quốc doanh Nga Gazprom tuyên bố dừng bán khí đốt tự nhiên cho Bulgaria và Ba Lan sau khi các nước này từ chối yêu cầu thanh toán bằng đồng RUB, thay vì EUR.

EU cam van dau Nga anh 2

Nga vừa ngừng cung khí đốt tự nhiên cho Bulgaria và Ba Lan sau khi các nước này từ chối yêu cầu thanh toán bằng đồng RUB. Ảnh: Reuters.

Động thái trên đánh dấu sự leo thang đáng kể trong xung đột kinh tế giữa Nga và phương Tây. Đó là lời đáp trả cứng rắn nhất của Moscow với các vòng trừng phạt gần đây của châu Âu vì xung đột ở Ukraine.

Ba Lan và Bulgaria có thể đối phó với việc thiếu nguồn cung khí đốt từ Nga. Nhưng một số nước EU khác, nhất là Đức và Italy, sẽ gặp khó.

Mới đây, Ngân hàng Trung ương Đức cảnh báo rằng việc dừng nguồn cung khí đốt đột ngột có thể đẩy nền kinh tế này vào suy thoái sâu. Tháng trước, chính phủ Đức đã khởi động kế hoạch khẩn cấp 3 giai đoạn nhằm giảm tiêu thụ khí đốt. Trong đó, các hộ gia đình và bệnh viện được ưu tiên hơn những doanh nghiệp sản xuất.

"Đức và Italy cần giảm tiêu thụ một cách có cấu trúc, bằng cách thay các lò hơi trong gia đình bằng những hệ thống thay thế như máy nước nóng, đồng thời giảm dùng khí để sưởi ấm hoặc làm lạnh", ông Henning Gloystein - Giám đốc Năng lượng, Khí hậu và Tài nguyên tại Eurasia Group - bình luận.

Những cú sốc nguồn cung cùng giáng đòn lên chuỗi cung ứng thế giới

Xung đột, các đòn trừng phạt, hạn chế xuất khẩu và thiên tai cùng lúc đe dọa chuỗi cung ứng toàn cầu, cản trở kế hoạch kiểm soát lạm phát trên khắp thế giới.

Châu Âu đối mặt với cuộc khủng hoảng khí đốt khi Nga cắt nguồn cung

Một số nước châu Âu đã tìm nguồn cung thay thế khí đốt của Nga. Nhưng nếu dòng chảy năng lượng từ Nga bị chặn, đó sẽ là thảm họa với nền kinh tế Đức.

Thảo Phương

Bạn có thể quan tâm