Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mối nguy khi viết sách về vụ án có thật

Kể từ khi Truman Capote viết "In Cold blood", các tác giả vẫn loay hoay sao cho vừa tôn trọng nạn nhân, vừa bảo vệ được bản thân khỏi những thù ghét không mong muốn.

Ảnh minh họa. Nguồn: Blu-ray.

Trên tờ The Guardian, tiểu thuyết gia Janice Hallett nghiên cứu về nghiệp viết tiểu thuyết hình sự dựa trên vụ án có thật. Bà cho rằng những cụm từ giật gân như "Đếm ngược đến CÁI CHẾT"; "Bị bạn trai SÁT HẠI"; "Yêu nhầm kẻ SÁT NHÂN"... từ lâu đã mất đi khả năng gây sốc, dù vậy, vẫn khơi gợi trí tò mò ở một mức nhất định. Chính nhu cầu hiểu về những thái cực của con người từ một khoảng cách an toàn đã lôi kéo chúng ta tìm hiểu những vụ án có thật. Nhưng với những người viết về vụ án có thật, không dễ để giữ "khoảng cách an toàn".

Mối nguy hại cho sức khỏe tâm thần

Một ví dụ bi thảm mới đây là nhà văn/nhà báo Michelle McNamara. Năm 2013, McNamara chọn nghiên cứu vụ án Sát nhân Golden State - loạt án mạng diện rộng tại bang California vào độ thập niên 70-80 thế kỷ XIX. Nữ nhà báo đã lần theo dấu vết của vụ án nguội và tìm ra những manh mối mà cảnh sát đã bỏ sót và thường tuyên bố là đã rất gần với việc tìm ra danh tính hung thủ.

Cuốn sách của McNamara - I'll be gone in the dark (Tạm dịch: Tôi sẽ biến mất trong màn đêm) - là một tác phẩm tri ân được viết với nhiệt huyết và sự quyết tâm của một nữ nhà văn tài năng. Đáng tiếc thay, cuốn sách được xuất bản sau khi tác giả qua đời.

Năm 2016, khi McNamara vẫn còn đang giằng xé giữa việc hoàn thiện cuốn sách hay phá án đến cùng, cảm thấy mình không thể chỉ làm một trong hai nhiệm vụ, bà đã tham gia một nhóm những "thám tử" nghiệp dư nhiệt huyết khác.

Ngày 21/4/2016, người ta tìm thấy McNamara, chết vì quá liều chất cấm.

Theo The New York Times, cuộc điều tra cho cuốn sách đè nặng lên McNamara, khiến cô mất ngủ và thường xuyên trong trạng thái lo lắng. Nhiều lần, McNamara suy sụp khi tìm được một manh mối hứa hẹn nhưng không có bằng chứng xác đáng. Chồng McNamara không hay biết về những đơn thuốc vợ mình được kê, cho đến khi bi kịch xảy ra, ông mới biết bà đã cố gắng kiểm soát lại cuộc sống của mình bằng những viên thuốc. Ông cho rằng chính sự căng thẳng khi điều tra đã khiến McNamara đưa ra lựa chọn sai lầm khi uống thuốc.

Tác giả chuyên viết hình sự Paul Haynes, nhà báo điều tra Bill Jenssen và chồng McNamara là Patton Oswalt đã tiếp tục hoàn thành cuốn sách.

Đến tháng 2/2018, Nhà xuất bản HarperCollins xuất bản cuốn sách. Hai tháng sau, cựu cảnh sát Josephe James DeAngelo đã bị bắt giam và sau cùng, thú nhận mình chính là sát nhân Golden State.

Tháng 8/2020, DeAngelo bị kết án chung thân không ân xá vì 13 tội danh bắt cóc và giết người (đây được cho là chỉ một phần nhỏ trong những tội ác kẻ này đã gây ra). Cuộc điều tra của McNamara đã nâng cao nhận thức của công chúng về chuỗi án mạng này nhưng không tạo ra bằng chứng để bắt giữ hung thủ. Dù vậy, công nghệ xét nghiệm ADN hiện đại đã liên kết những tội ác lịch sử ấy đến gia đình DeAngelo và cuối cùng là chính Josephe James DeAngelo.

sach hinh su co that anh 1

Michelle McNamara trong phim chuyển thể I'll be gone in the dark. Ảnh: HBO.

Cân bằng giữa việc cống hiến hết mình cho một cuộc điều tra và duy trì khoảng cách lành mạnh với chủ đề đau thương là điều mà tác giả viết về vụ án có thật thường khó đạt được. Cái ranh giới mỏng manh này đã được để tâm đến kể từ tác phẩm phóng sự tội phạm đầu tiên - In Cold Blood (Máu lạnh) của Truman Capote.

In Cold Blood ban đầu được đăng nhiều kỳ trên tờ New Yorker vào năm 1965 và được xuất bản thành sách hoàn chỉnh vào năm 1966. Cuốn sách biến tác giả thành cha đẻ của thể loại sách viết về vụ án có thật, đồng thời là nạn nhân đầu tiên của dòng sách đặc thù này.

Với tinh thần "Báo chí mới", Capote đã đắm mình trong vụ thảm sát gia đình nông dân khá giả ở thị trấn Holcomb, vùng Kansas. Vụ án này đã "nuốt chửng" nhà văn. Ông đã điều tra vụ án từ những tài liệu cảnh sát lập ra khi săn lùng hung thủ cho đến phiên xét xử cấp cao và buổi hành quyết sáu năm sau khi những kẻ sát nhân bị kết án. Mối quan hệ của Capote với Perry Smith và Dick Hickock - hung thủ vụ án - là chủ đề của nhiều đồn đoán từ bấy đến giờ.

Trong nỗ lực tìm hiểu về động cơ gây án của những kẻ này, Capote đã kết bạn với Hickock và Smith qua song sắt phòng giam. Nhất là với Smith, Capote dường như đã xây dựng một mối quan hệ đặc biệt. Tuy nhiên, năm tháng trôi qua, vụ án đau lòng tác động lên nhà văn và ông khao khát ngày hành quyết đến sớm, để hoàn thành dự án, giải phóng bản thân khỏi sự giam cầm ngột ngạt của Holcomb và sự chuyên chế từ việc phải rút ngắn thời hạn hoàn thành cuốn sách.

Sau này, Capote nói về thị trấn Holcomb như sau: "Nếu biết tương lai chờ đợi tôi với gì, tôi sẽ lái qua mà không dừng lại, lái thật nhanh như một con dơi phóng khỏi tầng địa ngục". Capote sống thêm 18 năm sau khi xuất bản cuốn sách, nhưng không hoàn thành một dự án viết lách lớn nào khác.

Làm thế nào để tác giả viết sách về vụ án có thật có thể lên tiếng cho nạn nhân mà không sa đà vào tô điểm sự thật bằng những phỏng đoán hay bịa đặt? Nhà văn Jack Olsen đã buộc tội Capote như vậy. "Tôi công nhận cuốn sách là một tác phẩm nghệ thuật, nhưng tôi biết đâu là đồ giả khi nhìn thấy nó. Capote đã thêu dệt những câu thoại và tự bịa ra những chi tiết".

Janice Hallett lập luận rằng có thể nói, độc giả muốn được chứng kiến bức tranh toàn cảnh của vụ án một cách sống động và khơi gợi cảm xúc. Nhưng họ có thấy hài lòng khi đánh đổi sự thật để lấy những đồn đoán không? Nếu loại bỏ những gì "có thật" khỏi "vụ án có thật" thì còn lại gì?

sach hinh su co that anh 2

Cố nhà văn Truman Capote. Ảnh: PBS.

Đi trên "bãi mìn đạo đức"

David Collins, tác giả The Hunt for Silver Killer (tạm dịch: Săn lùng Kẻ Sát nhân Bạc), cho biết: "Các kỹ thuật viết của tiểu thuyết hư cấu và sách về vụ án có thật thường chồng chéo lên nhau. Tác giả sẽ đi sâu vào đầu nhân vật, tương tác với cảm xúc của họ, lần đến và gắn kết với những cảm xúc khi xảy ra cảnh hiểm nghèo".

Cuốn sách của Collins ghi lại cuộc điều tra của ông về mối nghi ngờ của hai điều tra viên khi phát hiện những liên hệ tinh vi trong một vụ giết người-tự sát hàng loạt khắp vùng tây bắc nước Anh vào cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000.

Những phát hiện của tác giả khiến cuốn sách có một độ hấp dẫn mới. Collins gợi ý rằng kẻ sát nhân hàng loạt hiện vẫn đang ngoài vòng pháp luật nhưng cũng thừa nhận rằng việc xoay vần những câu chuyện này có thể rất mơ hồ. "Có sự chơi đùa cảm xúc khi viết sách và việc giật dây cảm xúc cũng tựa như đi trên một bãi mìn đạo đức - người viết sẽ luôn có cám dỗ gán ghép suy nghĩ và cảm xúc cho nạn nhân dựa trên suy đoán cá nhân".

Cũng có những trường hợp ngoại lệ, khi một tác giả viết nên cuốn sách hay và cuốn hút bằng cách viết về câu chuyện gần gũi với mình. Nhưng Janice Hallett đặt ra câu hỏi: "Liệu viết về những sự kiện đau buồn này có tác dụng xoa dịu nỗi đau hay chỉ khiến ta u uất hơn?".

Maggie Nelson viết The Red Parts (tạm dịch: Phần màu đỏ) vào năm 2005, 36 năm kể từ khi dì của bà - Jane Mixer bị sát hại. Năm 1969, Jane Mixer, 23 tuổi, sinh viên luật ở Michigan, bị sát hại dã man rồi bị vứt xác tại nghĩa địa. Trong suốt 30 năm, cái chết của Mixer bị cho là do John Norman Collins - một kẻ đã nhiều lần bị kết tội cố sát. Cho đến năm 2002, xét nghiệm DNA hiện đại cho thấy mối liên hệ tới người đàn ông địa phương - một cựu y tá tên Gary Earl Leiterman.

The Red Parts được Janice Hallett nhận xét là một tác phẩm đáng kinh ngạc. Nelson cũng viết một cái kết bất ngờ - câu chuyện của gia đình Nelson và cách họ sống dưới cái bóng của bi kịch ấy. Phiên tòa năm 2005 lật lại vụ án cũng mở lại vết thương cũ của gia đình Nelson.

Chia sẻ với The Guardian vào năm 2017, Maggie Nelson nói: "Sau khi hoàn thành cuốn sách, tôi cảm thấy kinh khủng. Nhưng oái oăm thay, thừa nhận rằng chẳng có sự thanh tẩy nào sau mất mát như vậy lại đem lại cho tôi cảm giác được thanh tẩy. Những câu chuyện ta tự kể lại không chữa lành được vết thương lòng, nhưng tôi nghĩ, nếu không viết, tôi sẽ chẳng hiểu được trải nghiệm của mình như vậy".

Năm 2016, David Kushner xuất bản cuốn hồi ký Alligator Candy (tạm dịch: Kẹo cá sấu), kể lại vụ bắt cóc và sát hại người anh trai của tác giả vào năm 1973. Khi ấy, người anh trai 11 tuổi còn Kushner mới 4 tuổi, vụ việc đã trở thành một đề tài lớn trên nhiều mặt báo. Giống như Nelson, Kushner cảm thấy bị thôi thúc từ nhu cầu nắm bắt ý nghĩa của việc sống trong một gia đình trải qua một bước ngoặt khủng khiếp đến nhường ấy. Kushner đã kết hợp trải nghiệm cá nhân cùng những tường thuật trong hồ sơ vụ án của cảnh sát và cộng đồng địa phương vào thời điểm đó.

Phát biểu trong podcast trước buổi ra mắt sách vào năm 2021, Kushner nói: “Rất khó để tôi kể được câu chuyện này, nhưng tôi hy vọng bằng cách xuất bản sách, những người khác sẽ cảm thấy kể lại bi kịch của mình bớt khó khăn hơn”. Có lẽ chính ở điểm này mà một tác giả viết câu chuyện gần gũi với mình có lợi thế hơn một phóng viên. Họ viết để tìm đường thoát khỏi những chấn thương, trong khi một người phóng viên quan sát từ ngoài phải tìm đường xâm nhập vào.

Penny Farmer mới 17 tuổi khi anh trai Chris (25 tuổi) và bạn gái Peta bị sát hại trong chuyến du lịch ở Guatemala. Cuốn sách Dead in the Water (tạm dịch: Chết trong làn nước) của Farmer mang tính cá nhân cao, với nhiều chia sẻ chi tiết về những gì gia đình Farmer tin là đã xảy ra vào năm 1978, những năm tháng u tối sau đó và câu chuyện phi thường về cách Penny Farmer sử dụng mạng xã hội để truy tìm hung thủ sau gần 40 năm.

Năm 2019, trong lần trò chuyện với Deborah Kalb, Penny Farmer nói: "Mục đích chính của tôi khi viết sách là để tác phẩm trở thành một đài tưởng niệm cho người anh trai yêu dấu của tôi. Tôi cảm thấy đó là câu chuyện chỉ chúng tôi mới kể được. Rất hiển nhiên, tôi thấy mình phải viết. Là một gia đình, chúng tôi cảm thấy cần bảo vệ ký ức về Chris và tôi muốn lưu giữ ký ức ấy một cách hợp pháp. Cuốn sách như một cách để đưa Chris về nhà".

Janice Hallett cho rằng trào lưu viết về những vụ án có thật như một nhánh nhỏ trong những thể loại văn học không có dấu hiệu thuyên giảm nhưng các tác giả cần lưu ý cái bẫy mà Truman Capote đã mắc phải gần 60 năm trước: Trở thành con mồi của nỗi ám ảnh, trở nên quá gần gũi với những người có liên quan đến vụ án, thêu dệt sự thật và bị áp lực hoàn thiện viết sách đẩy đi chệch hướng.

Bên cạnh đó, độc giả cũng cần cẩn trọng khi tìm đọc dòng sách này. Cố nhà văn McNamara từng nói: "Tôi thích đọc về những vụ án có thật, nhưng tôi cũng nhận thức được rằng, là một độc giả, tôi đang chủ động chọn tiêu thụ bị kịch của một ai đó. Vì vậy, để làm một độc giả có trách nhiệm, tôi cố gắng cẩn thận khi chọn sách. Tôi chỉ đọc những tác phẩm tốt nhất, của những nhà văn có lòng kiên trì, cái nhìn sâu sắc và sự nhân văn".

Những vụ án chấn động Việt Nam trong bộ tiểu thuyết hình sự

"Hồ sơ lửa" là bộ sách được xác nhận kỷ lục bộ tiểu thuyết hình sự dài nhất Việt Nam, chứa đựng nhiều câu chuyện cảm động từ những vụ án có thật tại TP.HCM.

Sự ra đời của cảnh sát và sự trỗi dậy của tiểu thuyết trinh thám

Tại sao tiểu thuyết bí ẩn, hồi hộp và tội phạm lại trở thành một phần quan trọng của văn học và văn hóa đại chúng?

Minh Hùng

Bạn có thể quan tâm