Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mối đe dọa al-Qaeda nguy hiểm không kém phiến quân IS

Sự lớn mạnh của IS và cái chết của trùm khủng bố Osama bin Laden khiến truyền thông thế giới tạm thời ít chú ý al-Qaeda, nhưng đây vẫn là tổ chức cực đoan gây ra mối đe dọa lớn.

Cách đây đúng 5 năm, vào tháng 5/2011, Mỹ đã tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden, thủ lĩnh của tổ chức khủng bố quốc tế al-Qaeda, khi tên này đang ẩn náu tại một địa điểm an toàn ở Pakistan.

Nhân dịp này, ngày 2/5 vừa qua, Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu rằng, việc bin Laden bị xóa sổ là một trong những thành tựu quan trọng nhất suốt 2 nhiệm kỳ tổng thống của ông.

Tuy nhiên, bin Laden bị tiêu diệt không đồng nghĩa với sự suy vong của al-Qaeda do y sáng lập và đứng đầu suốt từ 1988 đến tháng 5/2011.

al-Qaeda nguy hiem khong kem IS anh 1
Tiêu diệt trùm khủng bố bin Laden là một trong những thành tích của nhiệm kỳ Tổng thống Obama. Ảnh: CNN

Ngược lại, al-Qaeda đã phát triển thành một hệ thống các "phân bộ" rải rác ở các quốc gia Trung Đông, Bắc Phi, vùng Sừng châu Phi, Tây Bắc Phi và cả Tiểu lục địa Ấn Độ.

Sự bành trướng của al-Qaeda một cách rộng rãi như vậy trong những năm qua là nhờ nhiều yếu tố. Đó là sự hỗn loạn do Mùa xuân Arab tạo ra từ đầu năm 2011, tiếp đó là các cuộc nội chiến tương tàn kéo dài tại Syria, Yemen, Libya.

Cuộc đối đầu ngày càng căng thẳng giữa hai dòng Hồi giáo Suni với Shi'a tại khu vực Arab cũng là nguyên nhân. Cũng phải kể đến môi trường Hồi giáo thủ cựu ngày càng đậm đặc ở Trung Đông - Bắc Phi.

Tuy nhiên, bao trùm lên tất cả những biến cố ấy là đường lối của Obama từ bỏ dính líu vào các cuộc tranh chấp nội bộ Trung Đông, bỏ mặc những tồn tại và mâu thuẫn âm ỉ ngàn đời ở khu vực kỳ lạ này được dịp tái xuất mà không gặp một thế lực kiềm chế nào.

Có thể nói, sự ra đời của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) vào cuối năm 2014 tại Iraq, Syria cũng là hệ quả của al-Qaeda.

Thủ lĩnh khai sinh ra IS, Abu Bakr al-Baghdadi, vốn là một nhân vật cộm cán của al-Qaeda tại Iraq. Al-Qaeda Iraq khi đó do Abu Mus’ab Zarqawi đứng đầu bị Mỹ xóa sổ năm 2007 sau khi Zarqawi bị tiêu diệt năm 2006.

Al-Baghdadi bị Mỹ bắt giam năm 2005, rồi đến 2009 được chính quyền Iraq thả ra, sau khi Mỹ bàn giao cho chính quyền Iraq nhà tù đặc biệt giam giữ các nghi can khủng bố.

Bởi thế, IS chính là “con đẻ” của al-Qaeda. Nhưng sau khi ra đời, IS đã công khai cạnh tranh quyền thủ lĩnh thánh chiến với al-Qaeda và bác bỏ vai trò lãnh đạo của Ayman Zawaheri (thủ lĩnh al-Qaeda hiện nay) đối với phong trào thánh chiến Hồi giáo thế giới.

al-Qaeda nguy hiem khong kem IS anh 2
Một chiến binh của al-Qaeda. Ảnh: Zumapress

Các "phân bộ" lớn của al-Qaeda hiện tại

1. Mặt trận Nusra ở Syria:

Nhánh này ra đời tháng 1/2012 tại Syria và trở thành nhóm thánh chiến lớn thứ nhì trong cuộc nội chiến Syria, chỉ sau Nhà nước Hồi giáo (IS).

Dù xuất phát từ al-Qaeda ở Iraq thời Mỹ chiếm đóng, cuối năm 2013, Nusra khẳng định là phân bộ duy nhất của al-Qaeda ở Syria.

Thủ lĩnh của nhóm này là Abu Mohammed al-Golani, chỉ huy khoảng 7.000 - 8.000 tay súng, hoạt động chủ yếu ở 2 tỉnh Haleb và Idleb ở vùng tây bắc của Syria.

Nhóm này có hiệu quả tác chiến vượt trội so với các nhóm vũ trang khác trong lực lượng đối lập chống chính quyền Syria do Basha’r al-Assad làm tổng thống. Nusra cùng IS bị gạt ra ngoài thỏa thuận ngừng bắn do Mỹ và Nga bảo trợ có hiệu lực tại Syria từ 27/2/2016.

2. Tổ chức al-Qaeda ở đất nước Tây Arab

Nhóm này xuất thân từ Phong trào Hồi giáo ở Algerie, vốn có danh xưng từ 2007 là “Nhóm Tiền bối truyền đạo và thánh chiến”.

Năm 2014, nhóm tuyên bố theo al-Qaeda, rồi xây dựng căn cứ tại miền bắc Mali, sau đó chuyển đến miền nam Libya khi bị quân đội Pháp tấn công vào tháng 01/2013.

Thủ lĩnh của tổ chức này là Mokhta’r BelMukhta’r, người Algeria. Y chính là kẻ đã tổ chức cuộc tấn công vào khu công nghiệp khí đốt của Algeria ngày 16/01/2013, giết hại 40 người.

Còn bộ phận dưới sự chỉ huy của Abdu al-Malik Drukdal (người Algerie) thì hoạt động ở Tây Bắc Phi, gồm Algerie, Tunisia, Moritani, Niger, Mali.

Drukdal đã chỉ huy thực hiện các vụ khủng bố nghiêm trọng như: nhắm vào khách sạn Redison ở thủ đô Bamako ngày 20/11/2015, ở Bờ Biển Ngà (19/3/2016 giết 16 người) và Bokina Faso ngày 15/01/2016, khiến 30 người thiệt mạng.

3. Phong trào Shabab Somali

Đây là tổ chức thánh chiến có tiền thân là nhóm mang tên “Các tòa án giáo luật” đã tiến hành cuộc phiến loạn từ năm 1991 nhấn chìm Somali vào hỗn loạn. Đến 2014, Shabab tuyên bố theo al-Qaeda.

Từ đầu 2016, tổ chức phát triển lực lượng nhanh chóng. Quân số ước tính lên đến 9.000 tay súng. Thủ lĩnh hiện nay là Abu Omr Abu Abeeda, lên thay Ahmed Abdi Godan bị Mỹ tiêu diệt tháng 9/2014.

Shabab thực hiện các chiến dịch khủng bố sang cả các quốc gia láng giềng, nhất là ở Kenya. Điển hình là các vụ đánh vào trường Đại học Garisa ngày 02/4/2015, giết 148 người; tấn công trung tâm thương mại ở Nairubi hồi tháng 9/2013 giết hại 67 người.

4. Al-Qaeda ở Yemen

Saudi Arabia và Yemen chính là quê hương của dòng họ bin Laden. Bởi thế, đây cũng chính là nơi khởi phát của tổ chức al-Qaeda vào năm 1988.

Một năm sau đó, bin Laden bất mãn với chính quyền vương triều Sa’oud, nên bỏ nước ra đi, đến lập căn cứ tại Sudan, rồi kéo sang Afghanistan tham gia thánh chiến chống quân đội Liên Xô.

Sau khi al-Qaeda ở Afghanistan bị Mỹ phá tan cùng chính quyền Taliban vào cuối 2001, các phần tử trung thành với Bin Laden tại quê nhà đã tổ chức lại thành hai nhóm al-Qaeda ở Saudi Arabia và Yemen.

Năm 2009, 2 nhóm al-Qaeda ở Saudi và Yemen hợp nhất thành “al-Qaeda thánh chiến ở bán đảo Arab”.

Vụ lớn đầu tiên do nhóm này thực hiện là 12/10/2000 cài chất nổ đánh vào khu trục hạm Cole của Mỹ, giết chết 17 lính Mỹ.

Al-Qaeda còn thực hiện tấn công bên ngoài Yemen. Điển hình mới đây là vụ đánh tòa báo Charlie Hebdo ở Paris tháng 1/2015 và vụ gây nổ (thất bại) nhằm vào máy bay hành khách của Mỹ vào Noel 2009.

Lợi dụng cuộc nội chiến ở Yemen, al-Qaeda tại đây đã đánh chiếm và làm chủ được 2 thành phố tỉnh lị ở duyên hải miền nam và miền đông nước này trong suốt một năm qua.

Đến cuối tháng 4/2016, lực lượng Liên minh Arab do Arab Xêut đứng đầu mới giành lại được 2 tỉnh lị này. Nhưng al-Qaeda ở Yemen vẫn là “phân bộ” hoạt động nhất so với các “phân bộ” khác của tổ chức này.

5. Al-Qaeda ở Tiểu lục địa Ấn Độ

Nhóm này do đích thân Ayman Zawaheri - người “kế vị” bin Laden tuyên bố thành lập tháng 9/2014.

Địa bàn hoạt động của “phân bộ” này bao gồm các quốc gia từ Myanmar ở phía đông đến Afghanistan ở phía tây. “Phân bộ” này chỉ có khoảng 5- 600 tay súng, nhưng hợp tác với các đồng minh Taliban ở Afghanistan và Pakistan, Ansa’r al-Islam ở Baghla Desh.

Hoạt động chủ yếu của nhóm này hiện nay là gây ra các vụ ám sát nhắm vào các nhà hoạt động tự do và nhân quyền.

Bởi sự xuất hiện đột ngột và quá sức tàn bạo của IS tại Syria- Iraq từ giữa 2014 đến nay, nên thế giới dường như cố tình quên đi sự hiện diện rộng rãi và nguy hiểm của al-Qaeda.

Thực ra, tổ chức này không hề tàn lụi sau khi thủ lĩnh sáng lập Osama bin Laden bị tiêu diệt.

Những lý do khiến al-Qaeda dự đoán IS sẽ suy vong

Hoạt động kín đáo, thâm nhập sâu vào các nhóm dân cư, đối xử mềm mỏng là cách mà al-Qaeda đang thực hiện để tránh rơi vào nguy cơ bị đánh bại như Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).



Nguyễn Ngọc Hùng

Bạn có thể quan tâm