Dở khóc, dở cười miếng thịt bò ngoại
Trong số những công ty thành viên của TKV (đã nêu ở hai kỳ trước) có quan hệ với Công ty CP Tâm Đức Cẩm Phả thì không ít công ty lựa chọn thịt bò Mỹ thượng hạng làm quà tặng cho công nhân của mình. Trong số đó phải kể đến Công ty Than Vàng Danh và Công ty Than Mạo Khê, họ chi tiền tỷ để mua thịt bò Mỹ thượng hạng của Tâm Đức Cẩm Phả với giá gần 1 triệu đồng/1 kg để làm quà Tết cho công nhân.
Việc không tiếc tiền với công nhân, lựa chọn những vật phẩm hạng sang, xa xỉ để làm quà tặng rất đáng trân quý nhưng trái lại, những vật phẩm xa xỉ đó không đem lại lợi ích thiết thực mà không ít trong số đó đã gây nên sự phiền toái không đáng có.
Giá thị bò của Tâm Đức Cẩm Phả nhập vào thể hiện qua hóa đơn chỉ từ 230 nghìn đồng/1 kg. |
Anh T, một công nhân của Than Vàng Danh đã kể lại hành trình của mình cùng đồng nghiệp đã chật vật xoay xở với miếng thịt bò Mỹ thượng hạng sau khi được công ty tặng không khác gì cuộc “chạy đua” để giành giật “sự sống” cho miếng thịt bò.
Là người vùng cao lặn lội xuống Quảng Ninh đầu quân cho ngành than mong dùng tiền lương thợ lò để cải thiện hoàn cảnh gia đình. Thứ duy nhất mà T, mong muốn là tiền mặt. Mọi thứ như lương thưởng hay vật phẩm, quà tặng đều muốn quy ra tiền để mang về quê những ngày Tết cận kề.
“Được phân xưởng thông báo Tết năm nay anh em thợ lò sẽ được thưởng quà to từ công ty. Ai cũng vui mừng, hứng khởi tăng gia sản xuất chờ đến ngày nhận lương, nhận quà để lên đường về quê. Nhưng khi nhận giỏ quà rất to, bên trong có một miếng thịt bò đông lạnh, khi hỏi ra mới biết là bò Mỹ, giá rất cao nên anh em ai cũng hoang mang không biết cách xử lý miếng thịt thế nào?”, anh T, kể lại.
Những công nhân có gia đình ở khu vực lân cận quyết định mang về chế biến cho gia đình thưởng thức. Nhưng cả một đời lấm lem bụi than, họ chưa từng được nếm thử miếng thịt nào đắt như vậy nên cách chế biến nhanh gọn, phổ thông là xào cần tỏi hoặc mang nướng. Có người cầu kỳ hơn, bắt vợ lên mạng học cách áp chảo cho đúng kiểu sang trọng.
Nhưng ngày hôm sau ai cũng nhăn mặt chê dở vì xào thì dai, nướng thì mỡ từ miếng thịt chảy nhiều làm cháy nguyên miếng thịt ăn vào khét lẹt. Những gia đình khác học cách áp chảo khi mang ra cắt thấy bên trong vẫn còn đỏ tươi nên sợ không dám ăn. Chỉ số ít trong đấy là tiếp tục cho vào tủ cấp đông đợi gần Tết mang biếu nội ngoại chứ không dám ăn vì quá đắt đỏ.
Nhóm anh T, nhà xa, muốn mang miếng thịt đang dần tan đá đi mấy trăm cây số là điều không khả thi. Khu lưu trú của công nhân thì tủ lạnh bé không cất hết. Ăn luôn thì có mỗi mình ăn không hết. Nhóm quyết định mang ra siêu thị bán lại mong kiếm thêm được đồng nào hay đồng đấy.
“Khi mang ra cửa hàng, họ nhìn anh em tôi cười trừ rồi từ chối với lý do siêu thị không bán loại thịt này. Lủi thủi mang về, đi dọc đường nó tan đá phân nửa, anh em lại cắn răng mua thêm thùng xốp với đá để cấp đông miếng thịt mang về vùng cao ăn Tết. Nhưng sau gần 2 ngày, về đến bản, miếng thịt đã mềm oặt, nấu lên ăn cảm giác không ngon bằng bò bản chúng em”, T, tâm sự.
Nguyện vọng của công nhân?
Khi đem vấn đề trên trao đổi với đại diện Công ty Than Vàng Danh, ông Vũ Đình Tỵ - Trưởng phòng kế hoạch Công ty CP Than Vàng Danh cho biết, trước khi quyết định danh mục quà Tết, chúng tôi đã lấy ý kiến của phía Công đoàn là tổ chức đại diện cho người lao động. Họ đã khảo sát ý kiến của công nhân và đa số nhất trí với phương án quà tặng.
Nhưng khi phóng viên hỏi quy trình lấy ý kiến khảo sát của Công đoàn có văn bản gì không hoặc phiếu thăm dò ý kiến của công nhân thì cho phóng viên xin để làm tư liệu? Lúc này ông Tỵ khựng lại một lúc rồi khẳng định ông cũng là công nhân, cả một năm làm việc vất vả, ông cũng muốn ăn một miếng thịt bò thượng hạng cho biết mùi vị. Ngay sau đó PV Tiền Phong đã bác ý kiến này vì ông Tỵ là cán bộ ngồi phòng máy lạnh, không phải công nhân.
Giá thịt bò trúng thầu Than Vàng Danh sau khi chịu thuế có giá gần 1 triệu đồng/1 kg. |
Không chỉ thịt bò Mỹ thượng hạng mà bia cũng nhập ngoại, bánh kẹo cũng nhập ngoại, nước đông trùng nhập ngoại, gạo đắt nhất Việt Nam... trong khi công nhân họ cần những thứ đơn giản hơn, hữu ích hơn, rẻ tiền hơn như chai nước mắm, chai dầu ăn, vỉ sữa cho con và một ít bánh kẹo đặt ban thờ tổ tiên những ngày Tết.
“Ngành than trực tiếp cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện hoạt động, những thứ họ vẽ ra như quà tặng xa xỉ kia để chi hàng chục, hàng trăm tỷ. Số tiền kia sẽ được cộng vào giá than. Giá than mà tăng thì điện cũng tăng. Thử hỏi người cuối cùng chịu thiệt là ai?”, một cán bộ công tác trong ngành than đã nghỉ hưu nói.
Gạo hoa nắng vàng của Tâm Đức Cẩm Phả trúng thầu của Than Mạo Khê có giá 69 nghìn đồng/1 kg. Đắt hơn gạo ST25 gần gấp đôi. |
Trò chuyện với nhiều công nhân ngành than, đa số họ đều gắn bó với nghề vì thu nhập từ lương khá cao và ổn định. Nhưng trái lại nghề chui lò luôn phải đối mặt với nguy hiểm, thậm chí phải bỏ mạng khi có tai nạn xảy ra. Làm việc lâu trong môi trường bụi than cũng khiến không ít công nhân mắc những bệnh về đường hô hấp. Vậy nên nhiều năm nay, ngành than luôn thiếu công nhân vì càng ngày, người trẻ không còn mặn mà với nghề “ăn cơm dương gian, làm việc âm phủ”.
“Khi mang ra cửa hàng, họ nhìn anh em tôi cười trừ rồi từ chối với lý do siêu thị không bán loại thịt này. Lủi thủi mang về, đi dọc đường nó tan đá phân nửa, anh em lại cắn răng mua thêm thùng xốp với đá để cấp đông miếng thịt mang về vùng cao ăn Tết. Nhưng sau gần hai ngày, về đến bản, miếng thịt đã mềm oặt, nấu lên ăn cảm giác không ngon bằng bò bản chúng em”, T, công nhân Than Vàng Danh cho biết.
“Không chỉ thịt bò Mỹ thượng hạng mà bia cũng nhập ngoại, bánh kẹo cũng nhập ngoại, nước đông trùng nhập ngoại, gạo đắt nhất Việt Nam... trong khi công nhân họ cần những thứ đơn giản hơn, hữu ích hơn, rẻ tiền hơn như chai nước mắm, chai dầu ăn, vỉ sữa cho con và một ít bánh kẹo đặt ban thờ tổ tiên những ngày Tết”.
Sách hay về xã hội
Văn minh Việt Nam - nhà dân tộc học Georges Condominas từng nhận xét tác phẩm này là “Cửa sổ để thế giới hiểu về Việt Nam”.
Sách Bàn về Quốc hội - những thách thức của những khái niệm là kết quả của cả một quá trình tích lũy và suy ngẫm của tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.