ChatGPT cần hệ thống xử lý khổng lồ và Microsoft đang hỗ trợ rất nhiều cho siêu AI này. Ảnh: Bloomberg. |
Để tạo ra trải nghiệm cho người dùng, siêu trí tuệ nhân tạo ChatGPT của OpenAI cần phải xử lý khối lượng công việc khổng lồ. Nó cần nhiều sức mạnh tính toán hơn nhiều so với trình duyệt tìm kiếm của Google, theo Bloomberg.
Sản phẩm hiện tại của OpenAI, một công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, đủ tốt để giúp người dùng hình dung những việc mà trí tuệ nhân tạo có thể làm. Tuy vậy, ngay cả khi đang trong giai đoạn phát triển, vấn đề về thuật toán và năng lực xử lý vẫn là những việc quá sức với một công ty khởi nghiệp.
Kể từ khi được giới thiệu vào tháng 11/2022, ChatGPT của OpenAI thường xuyên gặp tình trạng tạm ngưng. Theo công ty phát hành, vấn đề này bắt nguồn từ những thách thức kỹ thuật khi một trang web có lượng truy cập đột biến. Ngoài ra, ChatGPT hoạt động thiếu ổn định không phải đến từ sức mạnh thuật toán.
Tuy vậy, những thách thức về sức mạnh thuật toán nói riêng có khả năng định hình sự phát triển của lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, theo nhận định của Bloomberg. Vào ngày 23/1, Microsoft đã công bố khoản đầu tư nhiều năm vào OpenAI. Theo một người giấu tên trong cuộc, giá trị của khoản đầu tư này được ước tính vào khoảng 10 tỷ USD.
Trong đó, phần lớn giá trị nằm ở việc Microsoft sẽ nhận gần một nửa lợi nhuận của OpenAI để đổi lấy việc cấp cho công ty này quyền truy cập vào hệ thống mạng đám mây Azure của Microsoft. Hiện tại, các hệ thống AI khác cũng được liên kết tương tự với một trong những công ty điện toán đám mây lớn, ngay cả khi các công ty này xây dựng mô hình độc lập.
Khoản đầu tư trị giá 10 tỷ USD của Microsoft vào OpenAI cho thấy sự hợp tác dài hạn của 2 công ty. Ảnh: Bloomberg. |
Clement Delangue, Giám đốc điều hành của Hugging Face, một công ty điều hành kho lưu trữ các mô hình AI mã nguồn mở, cho biết lĩnh vực này có nguy cơ “rửa tiền trên nền tảng đám mây”. Trong khi đó, Rowan Curran, nhà phân tích tại Forrester Research cho biết đối với các mô hình AI lớn, quy trình xử lý tiêu tốn đến hàng triệu USD, chưa bao gồm chi phí trả cho các kỹ sư.
Vào tháng 12/2022, Giám đốc điều hành của OpenAI Sam Altman nói trên Twitter rằng chi phí trung bình cho mỗi truy vấn của ChatGPT là 1 cent. Trong khi đó, một phân tích của ngân hàng Morgan Stanley lại đưa con số này lên mức 2 cent. Con số này gấp khoảng 7 lần chi phí trung bình cho một lần tìm kiếm trên Google và nó có thể tăng lên nhanh chóng trong thời gian tới.
Không chỉ Microsoft, nhiều công ty sở hữu hệ thống lớn khác cũng đang hợp tác với nhóm công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Vào tháng 11/2022, Amazon đã công bố mối quan hệ hợp tác với Stability AI. Trong khi đó, Google có một hệ thống giống như ChatGPT có tên Lamda (chưa phát hành công khai), cộng thêm khoản đầu tư 200 triệu USD vào Cohere, một công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực AI.
“Có một cuộc chiến ủy nhiệm đang diễn ra giữa các công ty điện toán đám mây lớn. Họ thực sự là những công ty có đủ khả năng để xây dựng các công cụ với hàng tỷ phép tính”, Matt McIlwain, Giám đốc điều hành của quỹ Madrona Venture nhận định.
Giải mã bí ẩn Thung lũng Silicon
Cuốn sách giúp chúng ta hiểu rõ hơn về Thung lũng Silicon qua cái nhìn của người trong cuộc, đồng thời đưa ra những lời khuyên để giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp đi đúng hướng.