Một quan điểm phổ biến tồn tại lúc này: Copa America không còn là giải đấu hấp dẫn và cạnh tranh về mặt tổ chức nên chức vô địch không đáng được coi trọng.
Những người đưa ra quan điểm này có lý lẽ riêng. Copa America tổ chức 4 lần trong 6 năm qua, dày hơn cả SEA Games. Tuy nhiên, nếu chỉ trích việc Copa America tổ chức dày thì bạn không hiểu gì về giải đấu này và tốt nhất không nên theo dõi.
Argentina vô địch Copa America 2021 với Messi là cầu thủ hay nhất giải. Ảnh: Reuters. |
Messi có quyền tự hào
Có tuổi đời 105 năm, nhưng Copa America đã tổ chức tới 47 lần. Tức trung bình, giải này chỉ cần hơn 2 năm để tổ chức một lần. Năm 1959, Copa America tổ chức 2 lần chỉ trong vỏn vẹn 8 tháng. Lần một trong tháng 3 và lần hai vào tháng 12.
Trong thập niên 90, thời điểm vốn được xem là kỷ nguyên hiện đại của bóng đá thế giới, Copa America tổ chức 4 lần cũng trong 6 năm từ 1995 đến 2001. Nếu coi chức vô địch vì điều này không đáng được coi trọng thì nhiều danh thủ Nam Mỹ đã trắng tay trong cả sự nghiệp.
Nam Mỹ là khu vực có thói quen tổ chức các giải đấu vô lý kiểu này bởi nhiều lý do, chủ yếu là tham nhũng. Tổ chức càng nhiều giải thì càng bán được vé, càng thu được nhiều tiền. Messi chẳng có lỗi gì trong văn hóa tổ chức tồi tệ vốn đã trở thành truyền thống của khu vực.
Xét về chuyên môn, trong 4 kỳ Copa America được tổ chức từ năm 2015 tới giờ, Argentina lọt vào chung kết 3 lần. Trong lần không vào được chung kết, "Albicelestes" giành huy chương đồng (năm 2019).
Việc liên tục lọt vào tốp 3 ở 4 giải đấu liên tiếp không phải chuyện đơn giản. Trong giai đoạn 1995-1999, với dàn cầu thủ xuất sắc như Gabriel Batistuta, Diego Simeone, Juan Sebastian Veron..., Argentina bị loại liên tiếp ở tứ kết. Đến năm 2001, họ còn bỏ giải không tham dự.
Sức mạnh của Argentina với Messi là điều được duy trì dài trong nửa thập kỷ qua. Điều họ thiếu có chăng chỉ là may mắn. Hai thất bại trước Chile ở chung kết Copa America 2015 và 2016 đều diễn ra trên chấm luân lưu. Và đến trận chung kết thứ ba, Messi và đồng đội đã thành công.
Những chỉ trích có thể nhắm tới Messi, Argentina và Copa America vì nhiều lý lẽ. Song không thể phủ nhận chức vô địch có những giá trị của riêng nó, và việc gạt phắt công lao, nỗ lực của Argentina cùng Messi tại Copa America 2021 là điều chỉ những kẻ hẹp hòi mới làm.
World Cup 2022 giờ sẽ là mục tiêu tiếp theo của Messi để đuổi kịp Maradona. Ảnh: Reuters. |
Maradona mỉm cười
"Cậu bé vàng" qua đời hồi tháng 10/2020 là cú sốc với toàn bộ đất nước Argentina. Một nguồn tin tại quốc gia Nam Mỹ mô tả với Zing rằng "tất cả tê liệt sau cái chết của Diego".
Tuy nhiên phải tới tháng 6, tức 8 tháng sau sự ra đi rúng động này, tuyển Argentina mới chơi bóng trở lại. Họ hòa Chile 1-1 ở vòng loại World Cup khu vực Nam Mỹ.
Sau trận, Messi bộc bạch: "Với chúng tôi, trận đấu này đặc biệt. Đây là trận đầu tiên chúng tôi thi đấu mà không có Maradona dõi theo. Maradona luôn gắn bó với tuyển Argentina. Thật tiếc khi không thể giành chiến thắng để tặng ông ấy".
Giờ thì Messi đã có món quà để tặng Maradona. Suốt cả sự nghiệp lẫy lừng, Maradona thậm chí chưa từng lọt vào chung kết Copa America. Điều tốt nhất "Cậu bé vàng" làm được chỉ là bán kết. Ở World Cup, Maradona là vua. Nhưng tại Nam Mỹ, Maradona chỉ là một ngôi sao trong số nhiều cầu thủ vĩ đại khác vốn không được nhiều người biết tới ở đây.
Chinh phục Nam Mỹ, làm điều Maradona không làm được có thể xem là một thành tựu đáng ghi nhận của Messi. Cả châu Âu đã nằm dưới gót giày "El Pulga" suốt hơn 10 năm qua. 6 Quả bóng Vàng, 4 Champions League cùng hàng vạn khoảnh khắc kỳ diệu trên các sân cỏ lục địa già khiến người Argentina luôn coi Messi là một gã châu Âu trên mảnh đất tango.
Giờ thì hãy điểm lại xem Messi đã làm những gì tại Copa America lần này. Anh thống trị mọi chỉ số từ bàn thắng tới kiến tạo. Anh phỉ báng và chửi rủa đối thủ, Yerri Mina (vốn là một đồng đội cũ ở Barca), tại loạt sút luân lưu ở trận bán kết với mắt cá chân rỉ máu.
Anh thống lĩnh đồng đội lao vào một cuộc hỗn chiến với người Brazil ở trận chung kết. Khi vô địch, Messi văng tục trên trang cá nhân. Anh đang thất nghiệp khi làm mọi chuyện này.
Messi có được danh hiệu lớn đầu tiên cùng ĐTQG Argentina. Ảnh: Reuters. |
Chưa đầy một tháng, Messi trở thành một gã Argentina truyền thống với hơi hướm Maradona: liều lĩnh, quyết liệt và chẳng kém phần xảo trá.
Nhiều người bất ngờ vì điều này khi luôn coi "El Pulga" là biểu tượng của một thứ bóng đá "sạch sẽ" hơn. Tiềm thức của họ tự đặt ra việc Messi phải giữ chuẩn mực trong lời nói và hành động. "El Pulga" nói không. Anh quá mệt vì phải làm gương và hứng chịu những chỉ trích vô lý.
Messi là người Argentina. Và như Jorge Valdano từng tiết lộ, trong xã hội Argentina "bất cứ ai dùng sự xảo trá và lén lút để vươn lên một địa vị khác trong cuộc sống đều sẽ nhận được sự nể trọng từ người khác, hơn hẳn những ai có được địa vị đó bằng nỗ lực và sự thật thà".
Messi đã thật thà, thậm chí có phần rụt rè, nhút nhát trong phần lớn thời gian khoác lên mình chiếc áo sọc trắng xanh. Và anh thất bại. Để giờ đây, ở tuổi 34, với kinh nghiệm, độ quái của một siêu sao nếm đủ đắng cay, Messi đã thống lĩnh "Albicelestes" vô địch giải đấu lớn đầu tiên.
Ở đâu đó trên thiên đường, Maradona hẳn đang mỉm cười. Messi đến lúc này mới trở thành truyền nhân thực sự của "Cậu bé vàng".