Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

The Poem

'Mẹ ra Hà Nội'

Bài "Mẹ ra Hà Nội" mang nét thuần hậu, ấm áp của nhà thơ Lê Đình Cánh.

Mẹ ra Hà Nội thăm con

Vừa trên tàu xuống chân còn run run

Áo nâu còn đẫm mưa phùn

Còn hoai vị cỏ sục bùn lúa non

Sang đường tay níu áo con

Ngã tư hối hả xe bon ngược chiều.

***

Khoác vai mẹ, chiếc đãy nghèo

Năm xưa thắt lại bao điều đắng cay

Ðưa con trốn ngục những ngày

Vài lưng gạo hẩm thăm thầy trong lao…

Ðã từng mở giữa trời sao

Nắm cơm tiếp vận tay trao giữa đèo

Củ khoai bẻ nửa nắng chiều

Bờ mương thoai thoải dài theo công trường

Ðưa con đánh Mỹ lên đường

Nắm cơm mẹ gói tình thương quê nhà.

***

Bà ra bế cháu của bà

Những mong cùng ước lòng bà hôm mai

Lên thang chẳng dám bước dài

Vào khu tập thể gặp ai cũng chào

Lời ru bà thuộc thuở nào

Qua bom đạn vẫn ngọt ngào nắng trưa

Ðể hồn cháu có núi Nưa

Tiếng cồng Bà Triệu ngày xưa vọng về

Lam Sơn rừng núi ba bề

Lũng Nhai vọng mãi lời thề nước non.

***

Trải bao sông cạn đá mòn

Còn con còn cháu nên còn cha ông

Mới xa đã nhớ ruộng đồng

Thương con mà chẳng đành lòng ở lâu

Run run mẹ bước lên tàu

Vị bùn vẫn thoảng áo nâu quê nhà.

Lời bình của TS Nguyễn Thanh Tâm

Trong các đề tài, chủ đề, cảm hứng, viết về mẹ, thể lục bát có lẽ là phương thức biểu hiện đậm đà, thấm thía nhất.

Bài thơ Mẹ lên Hà Nội của Lê Đình Cánh đã chọn được góc tiếp cận thật độc đáo. Viết về mẹ, làng quê, cánh đồng, áo nâu, hương lúa, lời ru… nhưng điểm nhìn của bài thơ lại là ở phố. Điểm nhìn ấy chứa đựng những tình cảm của đứa con xa quê, xa mẹ, xa tất cả những gì thân thuộc đã làm nên hình hài hiện tại.

Tựa như tiếng ru, bài thơ thấm vào hồn ta, đánh thức những hình ảnh về mẹ trong mỗi người. Chiếc đãy nghèo mà bao dung như cuộc đời của mẹ. Màu áo nâu mang hương vị quê làng, lời ru thấm bao mưa nắng… giản dị thế mà có gì lớn lao, vĩ đại hơn?

Có nhiều hình ảnh xúc động trong bài thơ của Lê Đình Cánh. Những chi tiết đời thường mà thật thấm thía. Mẹ níu áo con hay con níu tay mẹ ngày nào? Mẹ chẳng dám bước dài bởi cuộc đời khiêm nhường và lặng lẽ. Gặp ai cũng chào trong khu tập thể bởi thói quen hòa đồng của người dân quê chất phác.

Mẹ mang theo tất cả dáng nét, tâm tính của làng quê lên phố thăm con. Thật may mắn cho nhưng ai đã sinh ra ở làng, dẫu có sống giữa lòng phố, mà vẫn không quên vị quê nhà trên vai áo mẹ.

Ký ức tuổi thơ

Trần Đình Thọ hiện sống và làm việc tại Đồng Tháp. Bài thơ “Ký ức tuổi thơ” của ông được in trong tập “Thơ cho mùa giêng”.

Lê Đình Cánh

Bạn có thể quan tâm