Bây giờ trẻ con không còn hát đồng dao nữa
Cũng quên luôn tiếng sáo thả lưng đồi
Tôi trở về con chuồn kim bậu cửa
Cánh chạm vào ký ức tuổi thơ tôi.
***
Bây giờ câu lục bát cũng mồ côi
Chị tôi ru con bằng dàn Hi-fi cực ấm
Cháu tôi như lúa đòng đòng còn ngậm
Sẽ lớn lên bằng bài hát xứ người.
***
Tôi trở về tượng đá toát mồ hôi
Đình làng xưa con cháu về tụ họp
Trong tiếng mèo đêm tìm nhau rạo rực
Tôi bàng hoàng nghe tiếng thở nhân gian.
***
Tôi về đây gõ vào mảnh hồn làng
Tiếng chuông mẻ quá chừng lạc lõng
May còn có đôi người già bật khóc
Nhớ một thời quan họ rủ nhau đi.
Lời bình của TS Nguyễn Thanh Tâm
Đến bao giờ thì chúng ta thôi nói về ngày xưa? Ký ức đâu phải là những gì đã đi qua, đã ở lại phía sau. Ký ức luôn ở cùng chúng ta, trong hiện tại, chi phối vào nhịp thở của nhân gian từng khắc từng giờ.
Đọc bài Ký ức tuổi thơ của Trần Đình Thọ, chúng ta nhận ra gương mặt của ngày xưa. Ngày xưa là điệu đồng dao, tiếng sáo lưng đồi, con chuồn kim bậu cửa, dòng lục bát hiền hòa, dáng nền nã thướt tha quan họ rủ nhau đi… Đã lãng quên, đã mồ côi, đã lưu lạc rồi mảnh hồn làng một thời thanh bình yên ả.
Ký ức tuổi thơ phân định hai thế giới: Ngày xưa và bây giờ. Cảm thức lạc lõng ngày trở về, “toát mồ hôi” trước thực tại của làng và rưng rức niềm thơ ấu gõ vào hồn người xa xứ một tiếng chuông hoài niệm. Giọt nước mắt làm sao níu gọi được thời gian? Biết thế mà đành thế!