Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

McDonald's mất thương hiệu burger 'Big Mac' biểu tượng ở châu Âu

Sau vụ kiện kéo dài hơn một năm với chuỗi thức ăn nhanh Supermac's của Ireland, McDonald's đã mất thương hiệu "Big Mac" biểu tượng của mình.

McDonald’s vừa mất quyền sử dụng nhãn hiệu “Big Mac” tại các nước EU theo phán quyết của nhà chức trách châu Âu.

“Big Mac” là tên gọi của loại bánh burger nổi tiếng của McDonald’s ra đời năm 1967. Bánh Big Mac gồm 3 lát bánh mỳ tròn, kẹp chung một loại sốt đặc biệt, rau xà lách, dưa chua, hành tây. “Big Mac” hiện là một trong những biểu tượng dễ nhận biết nhất của McDonald’s trên khắp thế giới.

Quyết định này được Supermac’s tiết lộ. Theo đó, McDonald’s bị thu hồi nhãn hiệu “Big Mac” đã đăng ký từ năm 1996. Lý do được đưa ra là McDonald’s không chứng minh được đã “sử dụng thực sự” nhãn hiệu trong vòng 5 năm trước khi vụ kiện bắt đầu năm 2017.

Vụ kiện này là kết quả của mối quan hệ căng thẳng giữa McDonald’s và Supermac’s sau khi McDonald’s cố gắng ngăn Supermac’s mở rộng hoạt động trên khắp EU. McDonald lập luận rằng thương hiệu Supermac sẽ khiến khách hàng nhầm lẫn với nhãn hiệu bánh burger “Big Mac” biểu tượng của mình.

Phán quyết của Văn phòng Sở hữu Trí tuệ EU (EUIPO) cho rằng McDonald’s không “sử dụng thực sự” nhãn hiệu “Big Mac”. Theo EUIPO, một nhãn hiệu được “sử dụng thực sự” khi doanh nghiệp sử dụng nó để “đảm bảo nhận dạng xuất xứ hàng hóa.”

McDonald thua kien anh 1
McDonald's cho rằng bánh Supermac's của đối thủ sẽ khiến khách hàng nhầm lẫn với loại burger "Big Mac" biểu tượng của mình. Ảnh: iStock.

Theo Fox News, EUPIO cho rằng việc đặt tên cho một loại burger là “Big Mac” không phải là bằng chứng cho thấy McDonald’s “sử dụng thực sự” thương hiệu này.

Phán quyết này sẽ cho phép các doanh nghiệp khác ngoài McDonald’s sử dụng nhãn hiệu “Big Mac” trên bất kỳ sản phẩm thức ăn nào tại châu Âu.

Cả EUPIO và McDonald’s đều chưa bình luận về phán quyết trên. Hiện chuỗi thức ăn nhanh lớn nhất thế giới vẫn có thể kháng cáo.

Về phía Supermac’s, chuỗi thức ăn nhanh lớn nhất của Ireland tuyên bố đã có thể mở rộng hoạt động sang Anh và các nước châu Âu. Chuỗi này cho biết chưa bao giờ sở hữu một sản phẩm nào mang tên “Big Mac” nhưng McDonald’s đã cố tình gây khó khăn để Supermac’s không thể mở rộng.

“Đây là một chiến thắng lớn đối với các doanh nghiệp nói chung và đẩy lùi việc các tập đoàn lớn tìm cách ngăn các công ty khác khai thác những nhãn hiệu mà họ không sử dụng trong thực tế”, nhà sáng lập Pat McDonagh của Supermac’s nói với Reuters.

Trong lịch sử hoạt động của mình, McDonald’s nhiều lần dính vào các vụ tranh chấp liên quan đến nhãn hiệu và thường là bên giành phần thắng, theo Giáo sư Luật Willajeanne McLean của Đại học Connecticut.

Năm 1993, McDonald’s đã khiến một nha sĩ ở New York không thể sử dụng cái tên "McDental". Năm 2016, chuỗi thức ăn nhanh lớn nhất thế giới cũng đánh bại mọi nỗ lực của một công ty Singapore muốn đăng ký nhãn hiệu “MACCOFFEE” tại châu Âu.

Những bí mật của các công ty thức ăn nhanh Thức ăn nhanh không chỉ gây nên sự dư thừa về năng lượng, mà các chúng còn chứa nhiều hóa chất, bị chiên đi chiên lại cũng như không tốt cho não bộ.

Xuân Hải

Bạn có thể quan tâm