Là thiết bị bị cấm mua bán và sử dụng, nhưng các thiết bị phá sóng, kích sóng không khó để tìm thấy trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT), website bán lẻ công khai trên Internet.
Với đa dạng mẫu mã, thiết bị này có mức giá trải dài từ 2 triệu đồng (cho loại mini, chặn các loại sóng cơ bản như nghe lén, 3G, 4G…) cho đến 20 triệu đồng (cho loại có thể gây nhiễu hầu hết loại sóng, phạm vi hoạt động lên đến 200 m, phải đặt hàng từ trước).
Hậu quả khi dùng máy phá sóng vô tội vạ
Trên website của một đại lý bán máy phá sóng ở quận Gò Vấp, TP.HCM, máy phá sóng 16 râu được bày bán công khai với giá 25 triệu đồng. Cùng với đó là lời quảng cáo bán kính gây nhiễu có thể đạt 100 m, phá được sóng nghe lén, sóng điện thoại, định vị, Wi-Fi, 3G, 4G FM, Bluetooth, sóng karaoke hoặc loa kẹo kéo di động…
Trong khi đó, một cửa hàng online khác ở quận Cầu Giấy, Hà Nội lại niêm yết thiết bị nhiễu sóng cầm tay. Chỉ với 2,5 triệu đồng, thiết bị có thể chặn hầu hết tín hiệu không dây từ các mạng GSM, CDMA, DCS, PHS, GPS… và vô hiệu hoá tất cả các loại camera. Tuy nhiên, phạm vi hoạt động tối đa chỉ 10 m trở lại, tùy thuộc vào cường độ tín hiệu.
Nhiều người bán còn đăng tải các video dùng thử, review tính năng của thiết bị phá sóng trên YouTube, TikTok… để thu hút người mua.
Các thiết bị phá sóng được bày bán công khai trên các website. |
Tuy nhiên, đây là hàng hóa đặc thù, chỉ những cơ quan được cấp phép mới có thể mua bán và sử dụng. Việc mua bán, sử dụng các thiết bị này trên các sàn thương mại điện tử là trái pháp luật. Mới đây, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đã yêu cầu cấm bán các máy phá sóng, kích sóng trên các sàn TMĐT.
Trên thực tế, các loại máy phá sóng này đã xuất hiện trên thị trường suốt nhiều năm qua và bày bán phổ biến trên các sàn TMĐT một cách công khai. Đa phần những sản phẩm này được các sàn thương mại điện tử nhập trực tiếp từ Trung Quốc vào Việt Nam.
Nhiều người tìm mua các sản phẩm này để chặn sóng, ngăn hàng xóm hát karaoke gây phiền hà hoặc vô hiệu hóa các thiết bị nghe lén, quay lén… Song, chúng tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn bạn tưởng.
Máy phá sóng có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng nếu nó vô tình khiến ai đó không thể sử dụng điện thoại hoặc các phương thức liên lạc khác trong trường hợp khẩn cấp như báo cháy, cấp cứu…
Bên cạnh đó, bức xạ điện từ của một số thiết bị gây nhiễu có thể vượt quá giới hạn an toàn khi tiếp xúc với các máy vô tuyến. Một số thiết bị phá sóng có mức công suất lên tới 100 W, tức là có thể ảnh hưởng đến an toàn của những người xung quanh, đặc biệt là ở các khu vực có không gian hạn chế ra - vào như rạp chiếu phim, hội trường…
Tiếp tay cho trộm cắp, đột nhập
Theo chuyên gia an ninh mạng Mark Lanterman, các thiết bị gây nhiễu chỉ đơn giản là khiến các thiết bị không dây nhầm lẫn, thay vì chặn tín hiệu. Chúng hoạt động bằng cách làm quá tải lưu lượng không dây để lưu lượng truy cập thực không thể truyền tải.
Mẫu máy nhiễu sóng cầm tay, nhỏ gọn nhưng hiểm họa khôn lường. Ảnh: eBay. |
Ngay cả thế, các thiết bị này vẫn rất hiệu quả trong các vụ trộm, đột nhập nhà dân ở nhiều nơi trên thế giới. Hồi tháng 2, một tên trộm hàng loạt ở Edina, bang Minnesota đã sử dụng thiết bị gây nhiễu Wi-Fi để đánh sập các camera an ninh, hòng đột nhập, ăn cắp và lấy đi tài sản quý giá của nạn nhân.
Theo trang tin địa phương KARE11, tình trạng thiết bị gây nhiễu Wi-Fi được lợi dụng để dễ bề trộm cắp ở Mỹ đã có từ vài năm trước. Cảnh sát nghi ngờ có đến 9 vụ trộm trong 6 tháng qua đã được thực hiện với thiết bị gây nhiễu sóng, để xóa sạch mọi dấu vết do camera theo dõi lưu lại.
Tháng 1/2020, một bài đăng trên mạng xã hội cũng phản ánh tình trạng chuông cửa không dây của công ty bị tên trộm vô hiệu hóa, tấn công và hủy bước xác thực trên hệ thống Wi-Fi. Vì chuông cửa tải video theo thời gian thực lên Internet, nên nếu Wi-Fi của ngôi nhà bị xâm phạm, nó sẽ không thể cảnh báo chủ nhà hay tải video.
Khi tên trộm ở quanh nhà, Wi-Fi sẽ bị nhiễu, chuông cửa ngừng hoạt động. Đến khi chúng rời đi, các thiết bị WiFi và chuông cửa lại trở lại bình thường. Toàn bộ quá trình có thể mất chưa đến 2 phút.
Không chỉ Việt Nam, nhiều quốc gia cũng cấm người dân sử dụng thiết bị gây nhiễu sóng. Ảnh: Shutterstock. |
Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) đã cảnh báo rằng thiết bị gây nhiễu có thể can thiệp vào hệ thống liên lạc khẩn cấp, làm gián đoạn việc sử dụng điện thoại thông thường và gây ra những hậu quả không lường trước.
Đơn cử như gây nhầm lẫn trong hệ thống định vị sân bay. “Những thiết bị gây nhiễu này gây ra rủi ro rất lớn cho an ninh công cộng và có khả năng ảnh hưởng xấu đến các dịch vụ liên lạc vô tuyến khác”, FCC viết trên website.
Ở Trung Quốc, ứng dụng của các thiết bị phá sóng còn vượt khỏi nhu cầu thông thường. Một trong những nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn nhất Trung Quốc, thuộc Tập đoàn Công nghệ Dabeinong, đã sử dụng máy nhiễu sóng để chặn máy bay không người lái (drone) trên trời.
Những chiếc drone này được kẻ gian sử dụng để lây lan dịch tả lợn đến các trang trại. Tuy nhiên, cách làm này đã phản tác dụng khi thiết bị gây nhiễu lên cả hệ thống định vị của máy bay thông thường.
Nhóm người săn lùng loại mã độc nguy hiểm nhất thế giới công nghệ
Trong quyển sách mới, Renee Dudley và Daniel Golden đưa độc giả đến gần hơn với cuộc chiến thầm lặng của những chuyên gia công nghệ toàn cầu, chống lại kẻ đứng sau ransomware.