Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

 Mấy độ nồm và mùi hoa bưởi tháng Giêng…

Không phải tự dưng người ta đem so sánh cái tính đỏng đảnh và có dăm bảy phần thất thường của đám thiếu nữ với chuyện nắng mưa của trời. Sự ví von ấy vừa chuẩn xác lại rất duyên.

Đừng nói rằng mùa Valentine cô đơn

Đừng nói rằng mùa Valentine cô đơn. Những nụ hồng biết ngậm sương, chờ ngày nồng hương xòe nở.

Em yêu chiếc điện thoại 'cùi bắp' và em yêu… anh!

Em yêu lắm tiếng chuông tin nhắn lít tít mỗi sớm thức dậy để bắt đầu một ngày mới với bao điều dặn dò. Và em cũng yêu ngón tay mình, bấm tí ta tí tách phím “nhớ” cả trăm lần.

Tết Nguyên tiêu trong hoàng cung xưa được tổ chức như thế nào?

Không chỉ là lễ mừng ngày trăng tròn đầu tiên của một năm mới, Tết Nguyên tiêu còn là dịp để các vua Việt bày sự kính ngưỡng trời phật, tổ tiên, lập đàn chay cầu phước...

Nắng xuân đang phơi phới, giữa trưa trời còn oi oi làm ta chợt thấy nhớ mùa hè. Mới qua nguyên tiêu, còn đang ở “tháng ăn chơi” làm sao hạ tới nhanh thế được. Thế rồi trời âm âm u u. Qua mấy cơn mưa phùn là chuyển nồm. Viên gạch bát vuông vức bỗng đổ mồ hôi. Thoáng cái đã chuyển màu đỏ đun, ướt lép nhép, thay cho cái sắc bàng bạc, khô như rang thường ngày.

Ra Giêng, bà tôi sợ nhất trời nồm. Thóc lúa, đỗ lạc, cả mấy nhúm hạt giống rau cỏ, để dành cho mùa sau, không phơi phóng rồi cất cẩn thận là mốc cả. Quần áo của chị em tôi bỗng đầy những đốm mốc đen, bé tin tin như đầu kim, có vò cả ngày cũng không sạch.

Ngày bé, cứ ăn Tết xong là cả nhà lại thấp thỏm đợi nồm, y như những ngày tháng tám, người ta đợi bão. Chăn màn mới giặt lại được mẹ đem ra hong nắng cho hết mùi ẩm. Bà tôi đem cái ghế con ra đầu hè, tẩn mẩn sàng sẩy từng tí đỗ, tí lạc, rồi cả đám hạt rau đay, rau cải bé như hạt vừng. Xong việc, bà cất chúng vào mấy lần túi bóng, thế mới mong tránh được mốc. Cẩn thận và chỉn chu như cái cách như cái cách người giàu giữ từng đồng vàng, đồng bạc.

May do nom va mui hoa buoi thang Gieng… anh 1

Tháng Giêng, luống cải cúc bắt đầu đơm bông. Ảnh: Vnexpress.net.

Sợ là thế, nhưng cái cơn nồm ẩm đến lúc nào thì chẳng ai biết được. Có năm, nhà còn bao nhiêu là bánh chưng, đã thấy nải chuối xanh trên mâm ngũ quả mà bà chưa kịp hạ xuống, đã lấm tấm hơi nước. Từ các ngóc ngách xông ra một mùi ẩm thấp khó chịu. Bốn góc trên cái bánh chưng đã bắt đầu lại gạo, bỗng nổi mốc trắng. Bỏ đi thì tiếc, bà đành xẻo hết chỗ mốc, bỏ vào cái chảo Liên Xô một thìa mỡ to rồi rán vàng.

Trời đã âm u thì chớ, lại thêm giăng quần áo lưu cữu trước hiên, đến hơn một tuần vẫn chưa khô, khiến ánh nắng yếu ớt ban trưa không thể lọt được vào nhà. Cái cảnh tù mù và tăm tối ấy khiến tôi lại nhớ đến những ngày tháng bảy. Mưa dầm dề, bong bóng cứ thế vỡ trắng cả sân.

May do nom va mui hoa buoi thang Gieng… anh 2

Mùa xuân cũng là lúc cây bàng già thay áo mới. Ảnh: CAND.vn.

Tôi gọi điện cho Duy, cậu bạn thân đang ở xa. Cả năm rồi, nó đi biền biệt, chưa về nhà lần nào. Tôi dặn nó gửi ít nắng về. Ở nhà đang nồm, ngửi chỗ nào cũng thấy mùi mốc. Bất chợt nó than nhớ nhà. Nhớ cái mù hăng hăng, âm ẩm như lá cây mục của tháng Giêng. Nồm như cái đặc sản riêng của miền Bắc, mà người đang gửi thân ở phương Nam chỉ biết nhớ nhung.

Trong cái nồm ẩm đến não ruột ấy, mùi thơm nồng nàng, đầy thanh tân của những bông hoa bưởi trắng muốt bỗng có sức cuốn hút đến kì lạ. Cây bưởi non, mới bói chỉ có một chùm hoa, ấy vậy mà hương thơm đã vấn vít khắp khu vườn. Như đôi mắt ướt của kẻ si tình, người ta cứ thế ngắm nhìn cái sắc trắng tinh khôi, dịu dàng ẩn trong tán lá.

May do nom va mui hoa buoi thang Gieng… anh 3

Hoa bưởi theo gánh hàng rong vào phố. Ảnh: Chiecthiavang.com.

Tôi còn nhớ, trước kia nhà bà ngoại cái Hiên có một cây bưởi rất to. Suốt mùa, cây bưởi già chỉ đậu được hơn chục trái, quả lại nhỏ và chua, chỉ có các chị là thích. Nhưng hoa của nó thì nhiều vô kể, trắng loa lóa cả cây. Vừa đi đến đầu xóm, hương thơm nồng đã xông vào tận cánh mũi.

Ngày lên phố, tôi thấy sắc trắng của hoa bưởi trên những chiếc xe đạp cũ, cùng đôi quang gánh tần tảo theo bước chân người vào phố. Ngày rằm, các bà, các cô vẫn mua vài nhành hoa bưởi để lên bàn thờ cho thơm. Tôi cũng mua thử vài chùm, về đặt trong phòng. Hoa thơm hăng hắc, ngửi một chút đã đau đầu. Nó khác hẳn với hương thơm dịu, tôi vẫn ngửi thấy trong khu vườn đẫm sương mỗi buổi sáng mai của ngày ấu thơ.

Hết nồm. Ấm áp được vài ngày thì gió bấc lại về. Thời gian như lùi lại, quay ngược về năm cũ, về với tháng mười hai bao thương nhớ. Khi cơn gió mùa đưa đà cùng cành tre nơi bờ ao, kẽo kẹt từng hồi. Tiếng lao xao của xác lá làm cho đêm mùa xuân đỡ quạnh hiu.

Tháng Giêng, luống cải cúc đầu tiên đã đơm bông, cánh hoa vừa mới bung đã héo vì gió lạnh. Người ta cứ thế đưa mắt nhìn theo những đốm vàng nhỏ nhoi bên bãi sông. Tiếng thở dài lẫn vào trong gió và mắt cứ thế nhòe đi.

Qua rằm độ mươi hôm, làng tôi trở về với cái vẻ yên ắng, tĩnh mịch vốn có. Đi đâu cũng chỉ thấy ông già, bà cả và mấy bác tóc đã hoa râm, cùng đám trẻ con mắt tròn xoe ngơ ngác. Đám thanh niên trong làng lại lên tàu, đi nam về bắc. Dẫu nhớ, dẫu thương, họ vẫn phải xa quê. Bởi bông lúa, củ khoai chẳng giữ nổi chân người.

Thụy Oanh

Bạn có thể quan tâm