Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tết Nguyên tiêu trong hoàng cung xưa được tổ chức như thế nào?

Không chỉ là lễ mừng ngày trăng tròn đầu tiên của một năm mới, Tết Nguyên tiêu còn là dịp để các vua Việt bày sự kính ngưỡng trời phật, tổ tiên, lập đàn chay cầu phước...

Tết Nguyên tiêu diễn ra vào ngày rằm tháng Giêng hàng năm, hay còn gọi là Tết Thượng nguyên (ngày trăng tròn đầu tiên của một năm mới). Đây là một trong những ngày lễ quan trọng bậc nhất của năm thuộc “Tam nguyên” (3 ngày rằm lớn, tháng Giêng, tháng bảy và tháng mười). Vào ngày này, người ta thường thả hoa đăng, hay lên chùa khấn Phật. Các gia đình thường làm một mâm cỗ mặn cúng gia tiên và cúng chay trước bàn thờ Phật.

Nói về Tết Nguyên tiêu ở chốn cung đình nước Việt xưa, một trong những sử liệu cổ xưa nhất của Việt Nam là An Nam chí lược của Lê Tắc (soạn vào khoảng nửa đầu thế kỷ 14) cho biết: Đêm Nguyên tiêu, triều đình nhà Trần dựng những cây đèn trên sân rộng gọi là Quảng chiếu, thắp đến mấy vạn ngọn, rực sáng trên trời dưới đất. Các vị sư đi xung quanh đèn tụng kinh Phật. Các quan đứng vòng quanh đèn làm lễ, gọi là lễ “triều đăng”.

Tet Nguyen tieu trong hoang cung anh 1

Tết Nguyên tiêu là dịp các vua triều Nguyễn dâng cúng các miếu điện, bày tỏ sự kính ngưỡng trời đất, tổ tiên. Một lễ tế dưới triều Nguyễn được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phục dựng. Nguồn: hueworldheritage.

Còn sách Đại Việt sử lược (khuyết danh, biên soạn khoảng nửa đầu thế kỷ 14), thì cho biết hội đèn Quảng chiếu đầu tiên được mở vào năm Canh Dần (1110) dưới thời vua Lý Nhân Tông: “Mùa xuân, tháng Giêng bày ra hội Quảng Chiếu đăng ở ngoài cửa Đại Hưng”.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư cũng cho biết thêm thông tin về hội đèn này: năm Canh Tý (1120), triều vua Lý Nhân Tông, tháng hai, mở hội đèn Quảng chiếu. Mùa xuân, tháng Giêng năm Bính Ngọ (1126), mở hội đèn Quảng Chiếu bảy ngày đêm.

Cũng đề cập đến hội đèn Quảng chiếu, trong cuốn Lễ tục trong gia đình người Việt, NXB Văn hóa Thông tin, 2007, tác giả Bùi Xuân Mỹ đã trích một phần văn bia chùa Đọi (1121) cho biết: Dưới thời Lý, người dự hội đèn Quảng chiếu cầu sống lâu. Năm 1116 ở phía ngoài cửa Nam thấy: “Dựng đèn Quảng chiếu, trước sân rộng cửa Đoan Môn. Giữa trồng một cây nêu, ngoài đặt 7 tầng đài; rồng uốn mình đỡ tòa sen đài; khâu lồng bằng sa để giữ lửa hoa lan; đốt pháo bông trên trời như nhật… Trong Đoan Môn có một ngọn núi vàng, đặt tượng đa bảo Như Lai, bày mấy tầng kiệu pháp gia… Thứ nữa, lại có tòa bằng bạc, bên trái đặt tượng A Di Đà, bên phải đặt tượng Diệu sắc thân. Thế mạnh vươn cao, dáng đẹp tung bay…”.

Sang đến triều Nguyễn, Tết Nguyên tiêu được các vua rất coi trọng, việc tổ chức Tết cũng được định thành lệ (có thay đổi tùy vào điều kiện hoàn cảnh của mỗi thời).

Tet Nguyen tieu trong hoang cung anh 2
Vào ngày Tết Nguyên tiêu, triều đình nhà Nguyễn cho treo đèn suốt đêm ở nhiều nơi trong kinh thành. Nguồn: hueworldheritage.

Vào ngày 15 tháng Giêng, triều đình cho treo đèn suốt đêm ở nhiều nơi, Tử Cấm thành sáng như ban ngày, cỗ bàn được chuẩn bị tươm tất để dâng cúng các miếu điện. Bên cạnh đó, triều đình còn tổ chức lập đàn chay cầu phước, cúng phổ độ cho tôn thân có công với nước. Ngoài ra các vua thường ngự giá đi chơi thưởng tiết, xem thả đèn trời, đốt cây bông.

Đề cập đến việc tổ chức Tết cũng được định thành lệ, sử liệu Đại Nam thực lục chính biên cho biết, tháng tám năm Ất Mùi, năm Minh Mệnh 16 (1835) xét thấy những ngày tuần tiết như : Thượng nguyên, Hạ nguyên, Trung nguyên […] người xưa cũng có cúng lễ, mà tục nước ta thật thà chất phác chưa cử hành được hết, vua đã dụ Nội các sai bộ Lễ tham bác, kiến nghị. Đến khi lời bàn dâng lên thì vua chuẩn định: từ nay, phàm những tiết Đông chí, Thượng nguyên, Trung nguyên và Hạ nguyên đều làm cỗ bàn dâng cúng các miếu và điện Phụng Tiên, lễ nghi như lễ tiết Đoan dương (duy có tiết Thượng nguyên, gặp ngày đản ở điện Phụng Tiên thì những lễ phẩm cứ chiếu theo lệ, bày đặt như cũ, không phải làm thêm cỗ bàn). Những tiết Thượng nguyên và Trung thu, thì treo đèn suốt đêm để nêu bật ngày Tết nhằm thời tiết đẹp.

Tháng chín năm Minh Mệnh thứ 16, vua dụ Nội các rằng: […] nhằm tiết Thượng nguyên tháng Giêng sang năm, lập đàn chay trọng thể ở chùa Thiên Mụ, 21 ngày, đêm cúng phổ độ linh hồn cho các tôn nhân xa gần đã quá cố: Cứ 7 ngày làm một đàn chuẩn tế chúng sinh. Lại làm sẵn cái tiếp vong gọi là: “Triệu linh đường” cũng cứ 7 ngày tế một lần.

Tet Nguyen tieu trong hoang cung anh 3

Bản dập sách Đại Nam thực lục chính biên nói về dịp Tết Nguyên tiêu năm Bính Ngọ, năm Thiệu Trị thứ 6 (1846) vua đồng ý đi chơi vườn Cơ Hạ. Nguồn: TTLTQGIV

Dưới thời vua Thiệu Trị, việc tổ chức Tết Nguyên tiêu lại thay đổi theo hướng giảm các khoản lãng phí không cần thiết. Thậm chí vua còn bày tỏ thái độ không hài lòng khi trong ngày này treo đèn quá nhiều.

Sử liệu Đại Nam thực lục chính biên cho biết, Tết Nguyên tiêu năm Ất Tỵ, Năm Thiệu Trị thứ 5 (1845), thị vệ bộ Lễ theo lệ cũ, tâu lên xin chỉ thì vua bảo rằng: Tết Nguyên tiêu đời xưa gọi là Tết tốt, lúc ấy nhà nước nhàn rỗi, không ngại gì việc thưởng vui theo tục xưa, nhưng lòng ta lấy sự chăm lo làm chính, không lấy sự ăn chơi làm vui. Từ nay trở đi, các Tết lớn như Vạn thọ, Chính đán, Đoan dương, Đông chí, đều theo lệ làm việc; ngoài ra các tiết vui các mùa hàng năm, đều trước ngày ấy 4, 5 ngày, tâu lên đợi chỉ, không được nhất khái câu nệ lệ cũ, vì lệ cũ không phải là ý của ta.

Dịp Tết Nguyên tiêu năm Bính Ngọ, năm Thiệu Trị thứ 6 (1846) vua đồng ý đi chơi vườn Cơ Hạ. Trước đó, hoàng tử dâng biểu xin vua ngự giá đi chơi thưởng Tết ấy, để làm lễ thượng thọ nhưng Vua bảo rằng: Trẫm tuổi đã nhiều, chính đương lúc đêm ngày chăm lo, chưa có lúc rỗi việc mà ăn, há nên bắt chước cái việc treo đèn trên núi thật nhiều, làm cây hoa sáng rực như nhà Đường, nhà Tống hay sao? Nhưng nghĩ người con hiếu muốn cha mẹ được di dưỡng vui vẻ, hiện nay trong ngoài yên ổn, chính sự hơi nhàn rỗi nên không ngại nghe theo lời xin của con.

Minh Châu, Mai Duyên

Bạn có thể quan tâm