Theo Reuters, chiếc máy bay hai động cơ cất cánh tại sân bay Phố Đông ở Thượng Hải vào lúc 14h hôm 5/5. Sự kiện được tường thuật trực tiếp trên truyền hình nhà nước Trung Quốc.
Truyền thông Trung Quốc mô tả chuyến bay là "một thành tựu nữa của giấc mộng Trung Hoa". C919 được xem là biểu tượng cho tham vọng của Trung Quốc trong việc chiếm lĩnh thị trường hàng không toàn cầu dự đoán trị giá 2.000 tỷ USD trong 20 năm tới.
Máy bay do Tập đoàn Máy bay Thương mại Trung Quốc (COMAC) chế tạo. Việc bay thử nghiệm đã bị đẩy lùi ít nhất 2 lần từ năm 2014 do một số vấn đề về sản xuất.
Theo Guardian, một số bộ phận của C919 được nhập khẩu từ nước ngoài, bao gồm bánh xe hạ cánh của Đức, động cơ Mỹ - Pháp, nội thất Áo. Vì thế, tuyên bố của nhà sản xuất về việc máy bay hoàn toàn "made in China" gây nghi ngờ.
Máy bay C919 lần đầu bay thử trước công chúng hôm 5/5. Ảnh: Getty. |
Dù vậy, chuyến bay thử kéo dài 90 phút được chào đón bằng nhiều lời tán thưởng từ công chúng và giới chức. Trong khi đó, các chuyên gia hàng không của Trung Quốc đưa ra dự đoán rằng C919 sẽ phá vỡ thế lũng đoạn trong thị trường hàng không dân dụng hiện do hai "ông lớn" Airbus và Boeing nắm giữ.
"Trong suốt nhiều năm, Trung Quốc đã cố gắng làm điều này nhưng chưa thành. Giờ đây, C919 có thể so sánh với những máy bay chở khách cỡ lớn phổ biến như Boeing 737 và Airbus 320, nếu xét về sức chứa và công nghệ, thậm chí ở một vài khía cạnh còn tốt hơn", chuyên gia Gu Bin của Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc phát biểu.
Hiện Trung Quốc đang ra sức thúc đẩy để châu Âu và Mỹ công nhận toàn cầu chứng nhận của nước này để có thể bán C919 rộng rãi. Nếu không được công nhận, Trung Quốc chỉ có thể bán máy bay cho một số nước chấp nhận tiêu chuẩn Trung Quốc.