Máy bay do Trung Quốc tự sản xuất có tên C919. Ảnh: FoxNews |
Tập đoàn Hàng không thương mại Trung Quốc (COMAC) vừa giới thiệu C919 - máy bay hai động cơ tự sản xuất đầu tiên - tại một buổi lễ với sự tham dự của 4.000 khách mời ở gần sân bay quốc tế Pudong, thành phố Thượng Hải.
"Ra mắt chiếc C919 đầu tiên đánh dấu mốc quan trọng trong sự phát triển máy bay dân dụng nội địa của Trung Quốc", Chủ tịch COMAC Jin Zhuanglong phát biểu tại buổi lễ.
Theo ông Jin, C919 sẽ thực hiện chuyến bay thử nghiệm đầu tiên vào năm 2016 và dự kiến được đưa vào phục vụ vào năm 2019.
Động cơ, hệ thống điện tử cùng nhiều bộ phận quan trong khác của phi cơ do các công ty nước ngoài hoặc liên doanh cung cấp. C919 có thể chở 168 hành khách và tầm bay bay lên tới 5.555 km.
Đối với Trung Quốc, phi cơ dân dụng mới là minh chứng cho ít nhất 7 năm nỗ lực của nước này nhằm giảm sự phụ thuộc vào tập đoàn sản xuất máy bay Airbus của châu Âu và hãng Boeing của Mỹ và thậm chí còn trở thành đối thủ cạnh tranh với họ, theo AFP.
Nhà sản xuất COMAC cho biết họ đã nhận các đơn hàng cho 517 máy bay từ 21 khách, chủ yếu là các hãng hàng không nội địa. Hãng hàng không City Airways của Thái Lan cũng đặt mua 10 chiếc.
Trung Quốc có tham vọng xây dựng ngành máy bay dân sự của riêng họ từ những năm 1970, khi phu nhân của cố lãnh đạo Mao Trạch Đông là Giang Thanh, ủng hộ dự án sản xuất phi cơ Y-10. Tuy nhiên, kế hoạch này đã không thể trở thành hiện thực khi chỉ 3 chiếc được sản xuất.
Theo BBC, COMAC sẽ dễ dàng bán C9191 bởi các hãng hàng không nội địa lớn ở Trung Quốc đều thuộc quyền sở hữu của nhà nước. Ngoài ra, nhu cầu sử dụng phi cơ dân sự tại đất nước đông dân nhất thế giới này rất lớn. Theo đánh giá của hãng Boeing, trong hai thập kỷ tới, nhu cầu sử dụng máy bay của Trung Quốc sẽ lên tới 5.580 chiếc với tổng giá trị là 780 tỷ USD.