Trong một bài viết được đăng trên báo Quân giải phóng nhân dân, chuẩn đô đốc Doãn Trác, giám đốc Ủy ban Chuyên gia Tư vấn cho Hải quân Trung Quốc nói rằng, nước này đang phát triển máy bay ném bom chiến lược mới.
Trước đó, hồi tháng 9, tướng Mã Hiểu Thiên, tư lệnh Không quân Trung Quốc xác nhận máy bay ném bom chiến lược mới được chỉ định là H-20. Chuẩn đô đốc Doãn cho biết, máy bay ném bom chiến lược H-20 có thể mang tên lửa hành trình, vũ khí hạt nhân và các phương tiện chiến tranh khác.
Ông cho rằng đây là thời điểm phù hợp để Trung Quốc phát triển máy bay ném bom chiến lược. Vị chuẩn đô đốc thừa nhận, máy bay ném bom tầm xa H-6 (phiên bản hiện đại hóa từ Tu-16 của Nga) không phải là máy bay ném bom chiến lược đúng nghĩa.
Đồ họa thiết kế máy bay ném bom chiến lược H-20 của Trung Quốc. Đồ họa: China Military Online |
Chuyên gia Trung Quốc tự tin nhấn mạnh H-20 sẽ có hiệu suất tương tự máy bay ném bom chiến lược tàng hình B-2 Spirit của Mỹ. Ông Doãn lập luận rằng Trung Quốc đã có một số kinh nghiệm trong thiết kế, phát triển, chế tạo vật liệu tiên tiến cho máy bay tàng hình J-20, J-31.
Những công nghệ và hiểu biết sẵn có là phù hợp để tiến tới phát triển máy bay ném bom chiến lược mới. Trung Quốc chưa từng phát triển máy bay ném bom chiến lược. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã chế tạo máy bay vận tải quân sự loại lớn Y-20, máy bay thương mại C-919 cho thấy sự tiến bộ của công nghiệp hàng không nước này.
Đó là cơ sở để hình thành đội ngũ chuyên môn kỹ thuật cần thiết để bắt tay vào dự án lớn. Khi được hỏi về thời gian phát triển máy bay ném bom chiến lược mới, chuẩn đô đốc Doãn nói rằng, “chúng ta nên có sự kiên nhẫn”.
Máy bay ném bom tầm xa H-6 không thực sự là phi cơ ném bom chiến lược đúng nghĩa. Ảnh: Warisboring |
Ông Doãn cho biết thêm, việc giới thiệu máy bay ném bom chiến lược mới cần chu kỳ phát triển dài, thường là hơn 10 năm. Tuy nhiên, ông Doãn cho rằng với đội ngũ kỹ thuật giàu kinh nghiệm hiện có, chu kỳ phát triển có thể ngắn hơn.
Khi được hỏi liệu Trung Quốc có thể phát triển siêu máy bay ném bom chiến lược tàng hình, Li Li, chuyên gia quân sự tại Bắc Kinh cho biết đây là yêu cầu thực sự về mặt kỹ thuật. Nếu nhấn mạnh vào tính năng tàng hình, thiết kế khí động học của máy bay sẽ khác so với máy bay ném bom siêu âm. Trung Quốc có thể lựa chọn giải pháp thực tế hơn giữa khả năng tàng hình và xâm nhập khu vực tác chiến với tốc độ siêu âm.
Hiện tại chỉ có Nga, Mỹ đang sở hữu các máy bay ném bom chiến lược. Các chuyên gia Trung Quốc nhiều lần nhấn mạnh sự cần thiết phải có máy bay ném bom chiến lược. Phi cơ ném bom cỡ lớn sẽ trở thành biểu tượng cho sức mạnh và sự phát triển của không quân Trung Quốc.