Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục đáp trả lẫn nhau về động thái gần đây trên vùng trời Tây Thái Bình Dương giữa các máy bay của “hai gã khổng lồ châu Á”. Theo Japan Times, máy bay chiến đấu hai nước một lần nữa đối đầu nhau trên khu vực nằm giữa đảo Okinawa và đảo Miyako vào ngày 10/12.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết lực lượng Phòng vệ đường không Nhật Bản (ASDF) điều chiến đấu cơ chặn 6 máy bay Trung Quốc bay qua eo biển Miyako, khu vực chiến lược tiếp giáp Tây Thái Bình Dương.
Đại diện ASDF cho biết máy bay Trung Quốc gồm 2 tiêm kích Su-30, 2 máy bay ném bom H-6, 2 máy bay giám sát Tu-154 và Y-8.
2 tiêm kích Su-30 sau khi vượt qua eo biển Miyako thì thực hiện động tác bay ngoặt chữ U hướng về biển Hoa Đông, các máy bay còn lại hướng qua eo biển Bashi, nằm giữa Đài Loan và Philippines.
Quan chức quốc phòng Nhật Bản từ chối tiết lộ chi tiết hoạt động ngăn chặn máy bay Trung Quốc nhưng nói rằng hành động của ASDF phù hợp với luật pháp quốc tế, Jiji Press đưa tin.
Máy bay ném bom H-6 của Trung Quốc. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nhật Bản. |
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Trung Quốc phản đối hành động điều chiến đấu cơ chặn máy bay nước này. Cơ quan này nói máy bay chiến đấu Nhật Bản “quấy rối” và bắn pháo sáng khi bay gần máy bay Trung Quốc.
“Eo biển Miyako là không phận quốc tế đã được công nhận. Cuộc diễn tập là một phần trong kế hoạch đào tạo thường xuyên của không quân Trung Quốc. Cuộc tập trận không nhắm vào bất kỳ quốc gia nào và tuân thủ luật pháp quốc tế”, Yang Yujun, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc, nói.
Bắc Kinh cáo buộc hành động của Tokyo là khiêu khích, “không chuyên nghiệp và nguy hiểm”, bao gồm việc khóa máy bay Trung Quốc vào radar của họ. Không quân Trung Quốc và Nhật Bản nhiều lần xảy ra đối đầu trên vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Tokyo đang kiểm soát.
Các vụ đối đầu của chiến đấu cơ 2 nước làm dấy lên mối quan ngại về một cuộc đụng độ vô tình giữa hai bên. Global Times, ngày 10/12 cho biết Bộ Quốc phòng Trung Quốc rất hiếm khi thông báo về việc máy bay Trung Quốc và Nhật Bản đối đầu nhau, đó là tín hiệu cho thấy Bắc Kinh muốn giải quyết các tình huống tương tự một cách chủ động hơn.
Tuyến đường máy bay Trung Quốc tiến vào tây Thái Bình Dương. Đồ họa: Wikipedia |
Trung Quốc và Nhật Bản vẫn chưa thống nhất được bộ quy tắc khi máy bay, tàu chiến hai nước nhằm ngăn chặn cuộc đụng độ vô tình. Quá trình đàm phán bị đình chỉ vào năm 2012 khi Tokyo tuyên bố quốc hữu hóa quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Các chuyên gia nhận định, không quân Trung Quốc sẽ tiếp tục các hoạt động đột phá vào Tây Thái Bình Dương. Trước đó vào tháng 9, không quân Trung Quốc tuyên bố thực hiện các cuộc diễn tập thường xuyên vượt qua “chuỗi đảo thứ nhất”, lối vào chiến lược đến tây Thái Bình Dương thông qua quần đảo Ryukyu của Nhật Bản và đảo Đài Loan.
Không quân Trung Quốc cho biết sẽ tập trung cải thiện chất lượng thông qua tập trận bay qua chuỗi đảo thứ nhất để kiểm soát biển Hoa Đông và hành trình về Biển Đông.
Các nhà phân tích cho rằng, Bắc Kinh nhìn nhận chuỗi đảo thứ nhất như một hàng rào do Mỹ xây dựng từ Thế chiến II để ngăn chặn Trung Quốc và Bắc Kinh muốn sử dụng chuỗi đảo này làm bàn đạp cho các hoạt động quân sự.