Nguồn tin Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết, chiều ngày 23/11, máy bay trinh thám Tu-154 và phi cơ Y-8 của Trung Quốc đã tiến vào không phận phía nam biển Hoa Đông. Chiếc Tu-154 bay cách khu vực mà Nhật Bản xem là không phận của họ chỉ 40 khoảng km. Ngay lập tức, Tokyo đã ra lệnh cho hai máy bay chiến đấu F-15 xuất kích để ngăn chặn.
Shen Jinke, người phát ngôn của lực lượng Không quân Trung Quốc, nói: “Hai máy bay trinh sát cỡ lớn của Trung Quốc đã thực hiện nhiệm vụ tuần tra hôm 23/11 với sự hỗ trợ của máy bay cảnh báo sớm, máy bay chiến đấu. Hoạt động tuần tra này phù hợp với các thông lệ quốc tế và không ảnh hưởng tới các chuyến bay quốc tế thông thường. Các phi công quân sự sẽ có các biện pháp đối phó với những mối đe dọa trên không nhằm bảo vệ an ninh cho khu vực không phận của quốc gia”.
Máy bay Nhật Bản tại khu vực quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Ảnh minh họa: The Tokyo Times. |
Bắc Kinh công bố quyết định thành lập ADIZ vào ngày 23/11. ADIZ của họ bao trùm khu vực phía trên quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Các máy bay bay vào khu vực này phải tuân theo sự chỉ đạo của Trung Quốc, nếu không sẽ phải đối mặt với “các biện pháp phòng thủ khẩn cấp”.
Vào ngày 24/11, truyền thông Trung Quốc đã trích lời các chuyên gia quân sự nước này cho rằng ADIZ phù hợp với các “thông lệ quốc tế” từ những năm 1950. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nước ngoài lại quan ngại rằng, động thái của Trung Quốc sẽ khiến tình hình biển Hoa Đông càng thêm căng thẳng, có thể “châm ngòi” cho một cuộc xung đột vũ trang với Nhật Bản.
“Đây là quyết định từ một phía, và không thể chấp nhận được. Nó sẽ châm ngòi cho những hành động khó lường”, Fumio Kishida, Ngoại trưởng Nhật Bản phát biểu.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel nói: “Chúng tôi xem đây là một nỗ lực phá hoại tình trạng hiện nay trong khu vực. Hành động đơn phương này sẽ làm gia tăng nguy cơ hiểu lầm lẫn nhau”.
Ngày 24/11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương đã trao công hàm phản đối chính thức tới Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc liên quan tới phản ứng của Washington về việc Bắc Kinh thiết lập ADIZ. Bắc Kinh yêu cầu phía Mỹ sửa ngay lập tức “sai lầm” của mình và ngừng đưa ra các tuyên bố thiếu trách nhiệm.
Ông Tần Cương nói việc Trung Quốc thiết lập ADIZ trên biển Hoa Đông phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp, cũng như thực tiễn của quốc tế. “Mục đích (của việc thiết lập ADIZ) là để bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ và sự an toàn không phận của Trung Quốc” và rằng động thái này “không nhằm vào một quốc gia hay mục tiêu cụ thể nào, cũng như sẽ không ảnh hưởng tới quyền tự do bay qua khu vực không phận liên quan”.
Bên cạnh đó, ông Tần Cương cũng hối thúc Mỹ “không đứng về phía nào” trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên biển Hoa Đông và “không đưa ra thêm các tuyên bố không phù hợp”.