Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Máy bay cùng thời chiếc B727 vô chủ ở Nội Bài giá bao nhiêu?

Những chiếc máy bay cùng thời với máy bay Boeing 727-200 của Campuchia "bỏ quên" tại Nội Bài có thể được bán với giá 850.000 - 2,2 triệu USD, tùy điều kiện bảo quản và hoạt động.

Theo đề nghị của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, sau 7 năm "bỏ quên" tại Nội Bài, chiếc máy bay của hãng hàng không Royal Khmer Airlines (Campuchia) sẽ được tiến hành các bước thanh lý, đấu giá theo đúng quy định của Cục Hàng không.

Ngày 15/12, báo Người Lao Động dẫn lời các đơn vị liên quan đến vụ việc này cho biết, việc thanh lý, đấu giá máy bay là hoàn toàn mới ở Việt Nam, nên chưa thể quyết định đấu giá nguyên chiếc toàn bộ tài sản hay đấu giá từng phần theo giá trị phụ tùng máy bay. Nhiều khả năng, chiếc máy bay này sẽ chỉ được bán theo giá sắt vụn, vì không còn khả năng khai thác.

Đây không phải là lần đầu tiên chiếc máy bay này được đặt vấn đề thanh lý. Trước đó, vào năm 2011, Trưởng ban vận tải hàng không Cục Hàng không Việt Nam cũng cho biết, chiếc máy bay này chưa thể thanh lý, bởi không có quy định về bán đấu giá máy bay ở Việt Nam.

Chiếc máy bay chờ được thanh lý của Royal Khmer Airlines (Campuchia). Ảnh: Jetphoto.

Là một trong những dòng máy bay thương mại thành công của Boeing, nhưng mẫu B727 hiện ngừng sản xuất từ khá lâu. Vào những năm đầu ra mắt (1965-1967), một chiếc Boeing 727-200 có giá khoảng 4,2 triệu USD, nhưng đến năm 1982, mỗi chiếc loại này được bán ở mức giá tới 22 triệu USD. Trong khi đó, ở Việt Nam, các hãng hàng không hiện không còn khai thác dòng máy bay này cho mục đích thương mại, nên khả năng mua để thay thế phụ tùng cũng không nhiều.

Trên một số trang web mua bán máy bay thanh lý như Controller, Aircraft24, những mẫu B727-200 tương tự thường có mức giá từ 850.000 USD đến 2,2 triệu USD (tương đương 17,8 đến 46 tỷ đồng), nhưng phải được bảo quản tốt và còn khả năng hoạt động. Thông thường, máy bay có số giờ sử dụng dưới 30.000 giờ, được sản xuất trước năm 1980 sẽ có giá khá cao. Trong khi nhiều chiếc khác chỉ có giá dưới 1 triệu USD (khoảng 21 tỷ đồng).

Cục hàng không kiến nghị giảm giá vé máy bay

Giá nhiên liệu đã giảm 43,4% khiến tổng chi phí của các hãng hàng không giảm khoảng 17%, nên Cục Hàng không kiến nghị điều chỉnh giảm giá vé máy bay phổ thông.

Theo đại diện Cục Hàng không, số tiền thu được sau đấu giá sẽ phải trừ đi các chi phí làm thủ tục (như phí định giá tài sản, phí tổ chức đấu giá...) và khoản tiền 605.800 USD (tương ứng hơn 12 tỷ đồng) lưu sân đỗ trong suốt 7 năm qua tại Nội Bài. Như vậy, trong trường hợp máy bay còn có thể sử dụng tốt, số tiền mà bên thanh lý máy bay có thể nhận được dao động từ 200.000 USD đến 1,6 triệu USD, xét theo thời giá thị trường, đã trừ đi các chi phí liên quan.

Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của một số chuyên gia trong lĩnh vực hàng không, nếu chiếc Boeing 727-200 tại Nội Bài chỉ được bán với giá sắt vụn, thì mức thu mua sẽ rẻ hơn nhiều.

Trước khi thông tin về việc đấu giá chiếc máy bay nói trên xuất hiện công khai, tại một trang rao vặt ở Việt Nam cũng có tin rao thanh lý chiếc máy bay có hình ảnh tương tự như B727-200 của Royal Khmer Airlines. Theo đó, chiếc máy bay thuộc dòng 727-200F (sản xuất từ năm 1981) có chiều dài 50 m, sải cánh 33 m, còn đủ các chi tiết nhưng một động cơ bị hỏng, được rao bán từ ngày 25/9 với giá chỉ 165.000 USD (có thương lượng). Phí bến bãi, sân bay do bên bán chịu, phí di dời, tháo dỡ bên mua chịu, có kèm theo giấy tờ hợp pháp. Tuy nhiên, các số máy liên lạc của bên bán tại trang này đều tạm thời không có kết nối.

Thanh lý máy bay vô chủ đỗ suốt 7 năm ở Nội Bài

Cục Hàng không cho biết bộ phận kỹ thuật sẽ đánh giá lại tình trạng của chiếc máy bay Boeing 727-200 này để định giá và đưa ra hình thức đấu giá phù hợp.

T.A

Bạn có thể quan tâm