Từ những giọt nước mắt
Người ta đã chứng kiến khoảnh khắc Jong Tae Se, cầu thủ Triều Tiên, đã khóc nức nở tại World Cup 2010 ở Nam Phi. Sau đó anh cùng đồng đội đã chơi một trận đấu tuyệt vời trước Brazil dù bị thua 2-1.
Lần này, ngay trên xứ sở Samba, một kỳ World Cup được nhấn mạnh nhiều về truyền thống và bản sắc dân tộc, người ta cũng thấy rất nhiều giọt nước mắt lăn trên má những người đàn ông đang chiến đấu vì màu cờ sắc áo nước mình. Đó là Neymar, Geoffroy Die, Suarez và cả anh chàng lắm tài nhiều tật Balotelli nữa. Trong những con người ấy, họ khát khao cháy bỏng một tinh thần cống hiến, chiến đấu và chiến thắng.
Nước mắt hạnh phúc của Suarez.. |
Chứng kiến màn trình diễn của Costa Rica, Mexico, Ghana, Australia,… những đội tuyển không hề có một cầu thủ nào thực sự nổi tiếng, nhưng họ vẫn thi đấu không thua kém gì ngôi sao đẳng cấp thế giới mới thấy hết vẻ đẹp của bóng đá, vẻ đẹp của môn thể thao vua, vẻ đẹp của tinh thần tập thể.
Điểm chung của những đội bóng ấy chính là giá trị của hai từ: “đồng đội”. Họ luôn chơi như đó là trận đấu cuối cùng của mình. Trong những con người ấy không hề có sự bất mãn nào khi đồng đội mắc sai lầm, hay bỏ sót cơ hội. Ra sân, họ tập trung cho một mục tiêu duy nhất là phải chiến thắng.
Xứ sở chuột túi vẫn có thể ngẩng cao đầu ra về vì đội tuyển quốc gia đã có màn trình diễn tuyệt vời trước ứng cử viên vô địch Hà Lan. Ghana cũng đã thi đấu rất kiên cường trước cỗ xe tăng Đức và cánh cửa đi tiếp vẫn còn mở rộng trước mắt. Những đội bóng được xem là lót đường như Costa Rica thì lại đang chễm chệ đầu bảng và giành vé đi tiếp trước những ngôi sao của Anh, Ý và Uruguay.
Một lần nữa người ta thấy sự rệu rã của những ông vua bong bóng nước Anh, những đôi chân không còn muốn cống hiến nữa của Tây Ban Nha và cả một vài cá nhân tiêu biểu xuất sắc vẫn không thể kéo được một tập thể không muốn chiến đấu hết mình như Bồ Đào Nha.
Triết lý bóng đá, sơ đồ chiến thuật nào cũng xoay quanh 11 người trên sân, và chỉ khi những con người ấy cùng hoà chung lại làm một, sẵn sàng xung trận với nhuệ khí của những kẻ muốn chiến đấu hết mình, không chấp nhận gục ngã, thì lúc ấy, họ mới chiến thắng. Người Hà Lan đã có trận đấu huỷ diệt trước Tây Ban Nha, nhưng sau đó họ chệch choạc và suýt nữa thì phải chịu thúc thủ trước Australia. Tất cả là vì họ không tập trung, họ coi thường những tập thể không có ai quá nổi bật ấy.
Và nghịch lý đồng tiền…
Người Anh có thể tự hào vì Premier League là giải đấu mang lại nhiều lợi nhuận nhất, có sự cạnh tranh cao nhất và vô vàn cái nhất khác. Nhưng họ cũng phải chấp nhận rằng trong vòng 20 năm qua, đội tuyển quốc gia của họ chỉ là một tập thể rất nhiều ngôi sao nhưng tinh thần luôn rệu rã nhất.
Có người vì va chạm với đồng đội mà không muốn lên tuyển, có người vì không thích phong cách của huấn luyện viên mà từ chối nghĩa vụ quốc gia, cũng có người coi đó như một sự bắt buộc. Những đồng lương hàng chục tới trăm nghìn bảng mỗi tuần đưa họ gia nhập thế giới giàu có, sở hữu siêu mẫu, rồi siêu xe và vậy là hết. Nhạt nhẽo!
Mới đây, triệu phú Eto’o cũng đã cùng đồng đội nổi loạn chỉ vì tiền thưởng cho đội tuyển chênh nhau một con số chưa tới... phân nửa lương anh nhận được mỗi tuần. Thế mới thấy, trước sức nặng đồng tiền, những cầu thủ sẵn sàng "bán độ" vì màu cờ sắc áo cũng không... lạ.
Độc giả bình chọn cho bài viết vui lòng bấm Like và Share trên Facebook Fanpage Zing.vn: