Nhiều người dùng Internet tại Việt Nam đã trở thành nạn nhân của những đối tượng lừa đảo qua mạng dưới hình thức tuyển cộng tác viên cho sàn TMĐT. Ảnh: Xuân Mai. |
Chị Nguyễn Thị T. (TP.HCM) bị lừa mất số tiền gần 600 triệu đồng vì tham gia vào hội nhóm tìm kiếm việc làm trên nền tảng Telegram.
Người này cho biết, những "nhà tuyển dụng" đã chủ động liên hệ đến chị thông qua tài khoản MXH. Sau đó, chị được thêm vào hội nhóm dưới tên "GĐ Trần Anh Tuấn" để được hướng dẫn làm việc
Nạp tiền là có hoa hồng
"Ban đầu họ yêu cầu đăng nhập vào đường dẫn có hiển thị các sản phẩm gia dụng như túi xách, máy giặt, tủ lạnh", chị T. kể.
Người này bắt đầu chuyển tiền để mua các sản phẩm nhằm nhận hoa hồng. "Bắt đầu với 3 nhiệm vụ, chuyển khoản 1,6 triệu đồng rồi sẽ được hoàn trả tiền gốc và được hoa hồng khoảng 1 triệu đồng", chị T. cho biết.
Những tin nhắn yêu cầu chuyển khoản, làm nhiệm vụ để nhận hoa hồng trong các hội nhóm lừa đảo. Ảnh: NVCC. |
Khi đã chuyển tiền qua tài khoản được chỉ định, chị T. được báo đơn hàng đã bị lỗi, cần phải nạp thêm tiền để được hoàn hoa hồng.
Để "cứu" số tiền trước đó đã chuyển khoảng, chị T. xoay xở để chuyển thêm 4 lần với số tiền tăng dần khoảng 50-400 triệu đồng.
Tuy nhiên sau khi đã chuyển khoản tổng cộng 560 triệu đồng cho đối tượng lừa đảo, chị lại được thông báo các giao dịch bị lỗi, thất bại và không thể hoàn trả lại tiền.
"Họ bảo tôi phải làm thêm 2 lệnh tăng ca, 2 lệnh mở cửa chuyển tiền, rồi lại 2 lệnh VIP. Đến khi tôi không thể cố để chuyển khoản được nữa thì có nhắn tin xin họ giúp đỡ, nhưng người chủ bảo tài khoản hoàn tiền của tôi đã bị lỗi, không thể nhận được cả tiền gốc và hoa hồng", chị T. chia sẻ.
Để có tiền chuyển khoản cho các đối tượng này, chị T. đã cầm cố chiếc xe máy duy nhất trong gia đình cũng như thế chấp cả sổ hộ khẩu.
Đến cuối cùng, chị vẫn đành chịu mất khoản tiền gần 600 triệu đồng bởi những "nhà tuyển dụng" giả mạo đã xóa thông tin liên hệ, số điện thoại giả và toàn bộ cuộc hội thoại liên quan.
"Tôi xin số điện thoại của giám đốc và địa chỉ công ty để liên lạc thì họ có gửi giấy phép kinh doanh, đó cũng là giấy tờ duy nhất tôi nhận được", chị T. cho biết.
Nhiều người dùng mạng xã hội (MXH) cũng đã trở thành nạn nhân của các chiêu trò tìm kiếm việc làm trực tuyến. Số tiền mà các nạn nhân bị lừa đảo dao động từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng.
Chị Nguyễn Thị Nga (Hà Nội) chia sẻ với Zing, vì cả tin mà nạn nhân này đã bị lừa hơn 111 triệu đồng cũng dưới hình thức tuyển dụng online, làm nhiệm vụ nhận hoa hồng.
"Tôi được tiếp cận chào mời làm công việc online chỉ cần thả tương tác và ấn theo dõi những người nổi tiếng trên TikTok sẽ được nhận lương. Ngày đầu tiên họ chuyển trả tiền đầy đủ. Nhưng sau đó họ yêu cầu tôi chuyển khoản thêm nhiều hơn mới được thực hiện các nhiệm vụ tiếp theo",
Ban đầu, Nga được yêu cầu nạp 5 triệu đồng để hoàn thành nhiệm vụ, các con số tăng dần lên 15 triệu đồng, 45 triệu đồng rồi 100 triệu đồng. Để thúc ép những nạn nhận chuyển khoản, các hội nhóm thường có từ 2-3 người chơi, nhưng đều là những tài khoản ảo, cùng đường dây với nhóm lừa đảo.
Những người chơi ảo này đều yêu cầu Nga nhanh chóng chuyển khoản bởi nếu không, những người chơi cùng cũng không nhận được tiền.
Đánh vào tâm lý mong muốn sớm nhận lại tiền, những kẻ lừa đảo thường yêu cầu người chơi chuyển khoản nhanh chóng, vay mượn, thế chấp tài sản để có thể nhận được nhiệm vụ lớn, tăng thu nhập.
Dưới hình thức đăng nhập làm nhiệm vụ, nhóm lừa đảo yêu cầu Nga truy cập vào đường dẫn có tên GiaP*** để tham gia trò chơi. Các trò chơi đều dưới hình thức cá cược, tài xỉu và người dùng được chỉ định đánh "chẵn" hay "lẻ" để làm nhiệm vụ.
Theo khảo sát của Zing, những đường dẫn đến trang web lừa đảo không chỉ được gắn mác trang cá cược mà thậm chí, chúng còn tạo ra các trang web giả mạo những sàn thương mại điện tử (TMĐT) nổi tiếng như Shopee, Lazada hay Tiki.
"Vì vào tiền rồi sợ mất nên tôi phải làm theo không sẽ mất tiền nên đã bị lừa. Sau khi tôi không còn tiền nói họ lừa đảo thì họ bảo là do tôi không hoàn thành nhiệm vụ nên họ không thể thanh toán tiền", chị Nga cho biết thêm.
Giấy cam kết, địa chỉ giả
Để lấy được lòng tin của nạn nhân, những kẻ lừa đảo đã gửi nhiều giấy phép kinh doanh, cung cấp địa chỉ công ty. Tuy nhiên, đa số những hồ sơ, giấy phép và địa chỉ công ty được gửi đều là giả và không hề có giá trị pháp lý.
Giấy cam kết hoàn vốn giả được gửi đến nạn nhân. Ảnh: NVCC. |
"Khi mình chuyển khoản tiền, họ đều gửi cho mình giấy cam kết an toàn vốn vì vậy mình yên tâm. Mình có tra cứu thì thấy công ty ghi trên giấy có thật, cũng là công ty tài chính lớn nên không nghĩ bị lừa", Nguyễn Thanh Hằng (TP.HCM), nạn nhân của chiêu trò tương tự cho biết.
Địa chỉ công ty được kẻ giả mạo gửi cho các nạn nhân thường là các địa chỉ giả, nhiều nạn nhân đã lần theo địa chỉ được cung cấp để đến nơi mong lấy lại được số tiền đã mất nhưng chỉ có thể ra về tay trắng.
"Họ nói với tôi địa chỉ của công ty là số 22-24 Đông Du, quận 1 (TP.HCM). Tôi dành cả ngày để tìm đến địa chỉ thì nhận ra đây chỉ là một khách sạn, chẳng có công ty tài chính nào cả, đành phải về tay không", chị Nga chia sẻ thêm.
Từ khoảng tháng 4 đến nay, các đơn vị thuộc Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) đã liên tục có cảnh báo người dùng Internet nâng cao cảnh giác với thủ đoạn được nhiều đối tượng lừa đảo sử dụng thời gian gần đây bằng việc giả mạo các sàn TMĐT tuyển dụng cộng tác viên xử lý đơn hàng nhằm thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.
Các chuyên gia Cục An toàn thông tin cũng nhận định rằng đang nở rộ xu hướng lừa đảo tuyển cộng tác viên cho các sàn thương mại điện tử và công ty lớn với mức thù lao hấp dẫn để chiếm đoạt tài sản người dùng.
Theo ghi nhận từ các hệ thống kỹ thuật của Cục An toàn thông tin, các công ty lớn như Amazon, TikTok hay các trang thương mại điện tử Tiki, Lazada, Shopee… đều đã bị các đối tượng mạo danh để dụ người dùng “sập bẫy” lừa đảo.
Để tránh không bị lừa đảo dẫn đến mất mát, bị chiếm đoạt tài sản, các chuyên gia Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT khuyến nghị người dân cảnh giác với những lời mời chào tuyển làm cộng tác viên bán hàng online.
Đồng thời, người dân cũng cần thường xuyên chia sẻ, cảnh báo với người thân, bạn bè và mọi người xung quanh về những phương thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng dưới hình thức tuyển cộng tác viên online.