Nylah Boone, một nhân viên thời vụ của Apple đã bị sa thải, không được gia hạn hợp đồng sau tháng làm việc. Trước đó, một video được cô quay tại công ty thu hút sự chú ý trên TikTok.
Chia sẻ với The Verge, Boone đăng video lên TikTok vào tháng 4 với nội dung "Một ngày của cô gái da màu làm việc trong ngành công nghệ". Đoạn video ghi lại khung cảnh trụ sở Apple và chỗ ngồi của Boone, không tiết lộ các sản phẩm chưa ra mắt hay thông tin mật.
Đoạn video được quay trong ngày đầu tiên Boone làm việc tại Apple. Bên cạnh chỗ ngồi, video còn bao gồm quãng đường đến công ty, quầy bánh ngọt và bữa trưa cùng đồng nghiệp.
Đoạn clip thu hút hơn 400.000 lượt xem trên TikTok, cùng hàng trăm bình luận yêu cầu tư vấn việc làm, chia sẻ lịch trình hàng ngày của Boone.
Những video trên thuộc thể loại "tech girlie", chủ yếu được đăng tải để khuyến khích phụ nữ, người da màu và một số cộng đồng có cơ hội tìm kiếm công việc phù hợp tại các doanh nghiệp công nghệ.
"Khoảng 80% đối tượng theo dõi hoặc liên hệ với tôi là phụ nữ da màu. Điều đó rất quan trọng để kết nối và khuyến khích họ. Bạn hoàn toàn có thể làm việc trong ngành công nghiệp này, hoặc tại vị trí như thế này", Boone nói với The Verge. Cô tự nhận mình có tầm ảnh hưởng nhỏ trên TikTok nhờ các nội dung chia sẻ khác nhau.
Đến tháng 5, Boone bất ngờ mất việc tại Apple khi hợp đồng của cô không được gia hạn. 3 đoạn video nói về vụ việc được chia sẻ trên TikTok, thu về khoảng 150.000 lượt xem.
Đó là khó khăn chung của nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn khi đón nhận lớp nhân sự thích chia sẻ nội dung trên TikTok, đặc biệt là những người có độ ảnh hưởng nhất định.
Apple thường cấm nhân viên chia sẻ hình ảnh quay trong văn phòng công ty. Theo 9to5Mac, các điều khoản được ghi rõ trong hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận không tiết lộ.
Các video dạng "một ngày làm việc tại công ty" thu về hàng triệu lượt xem, nhưng có thể khiến chủ tài khoản bị cảnh cáo hoặc sa thải. Tuy được quảng bá hình ảnh miễn phí, các doanh nghiệp lo sợ khả năng bị tiết lộ quá nhiều thứ, bao gồm thông tin, hình ảnh mật.
Chloe Shih, một YouTuber với hơn 50.000 lượt theo dõi cho biết người sáng tạo nội dung phải cân bằng giữa việc xây dựng thương hiệu, quyền tự do chia sẻ với các quy định từ công ty, bao gồm điều khoản hạn chế tiết lộ thông tin.
Đây không phải lần đầu video trên TikTok khiến nhân viên Apple gặp rắc rối. Hồi tháng 8, Paris Campbell, kỹ sư của Apple bị dọa đuổi việc khi đăng video tư vấn người dùng bị tống tiền do làm mất iPhone. Trong video, Campbell tự nhận là nhân viên Apple, vi phạm chính sách của công ty.
Năm 2021, Apple đã chấm dứt hợp đồng 2 nhân viên với cáo buộc chia sẻ thông tin mật. Ngày 5/9, Phó chủ tịch bộ phận Giao dịch của Apple, Tony Blevins cũng mất việc do phát ngôn khiếm nhã trong một video trên TikTok.
Dù không trực tiếp đăng video, trò đùa của ông lại rất mất lịch sự. “Chúng tôi muốn bạn hãy là chính mình nhưng đừng quên cẩn trọng trong mọi bài viết và mỗi lúc trò chuyện trên mạng với người khác”, Apple từng nhấn mạnh về quy định của mình trong một bài đăng.
Tính năng ít người biết khi lướt web trên iPhone
Apple đã bổ sung chế độ trình đọc trên Safari, giúp loại bỏ các file phương tiện, quảng cáo không cần thiết khi người dùng lướt web.
Phó chủ tịch Apple mất việc vì video TikTok
Phó chủ tịch bộ phận tại Apple bị đuổi việc ngay sau khi video quay lại cảnh ông tỏ thái độ cợt nhả, đùa thô tục lan truyền trên TikTok.
Nhân viên Apple bị dọa đuổi việc vì video TikTok
Paris Campbell, nhân viên sửa chữa tại cửa hàng Apple bị cấp trên dọa sa thải sau khi đăng video đưa ra lời khuyên cho người dùng trên TikTok.