Website giả mạo dự án "Vinpearl". Ảnh: Cục ATTT. |
Trong bản tin tuần vừa qua, Cục An toàn thông tin (ATTT) - Bộ Thông tin & Truyền thông, tiếp tục cảnh báo một số hình thức lừa đảo trực tuyến đáng chú ý.
Thời gian gần đây, thủ đoạn lừa đầu tư dự án mạo danh, tiền mã hóa nhằm chiếm đoạt tài sản tiếp tục diễn ra với chiêu thức tinh vi.
Mất gần 1,4 tỷ vì đầu tư dự án giả mạo "Vinpearl"
Ngày 11/6, Công an TP. Hà Nội cho biết đã tiếp nhận đơn trình báo của một người phụ nữ tên N. (trú tại TP. Hà Nội) về việc bị lừa gần 1,4 tỷ đồng sau khi tham gia dự án “Vinpearl”.
Theo lời kể, bà N. quen một đối tượng trên Facebook. Người này thường xuyên trò chuyện tình cảm để tạo lòng tin, sau đó dẫn dụ nạn nhân đầu tư dự án "Vinpearl" (giả mạo dự án của tập đoàn Vingroup) và mở tài khoản theo đường link vinpearl1.vingroupsvn.com.
Đầu tư dự án giả mạo "Vinpearl", người phụ nữ bị chiếm đoạt gần 1,4 tỷ đồng. Ảnh: Cục ATTT. |
Do tin tưởng, bà N. làm theo hướng dẫn và chuyển tiền đến các tài khoản do đối tượng cung cấp, tổng số tiền gần 1,4 tỷ đồng.
Đến khi đầu tư có lãi và bà N. muốn rút tiền, đối tượng yêu cầu nạp thêm 10% số tiền có trong tài khoản. Nghi ngờ bị lừa, nạn nhân đến cơ quan công an trình báo.
Theo Cục ATTT, đây là hình thức lừa đảo bằng cách xây dựng mối quan hệ tình cảm để lấy lòng, sau đó mời đầu tư, hứa hẹn lợi nhuận cao nhằm chiếm đoạt tài sản.
Để ngăn chặn tình trạng trên, Cục ATTT khuyến cáo người dân tuyệt đối cẩn trọng trước đối tượng kết bạn trên mạng xã hội. Cần xác minh danh tính bằng cách tìm hiểu, yêu cầu cung cấp địa chỉ, số điện thoại hoặc gặp trực tiếp nếu có thể. Không nên vội vàng làm theo yêu cầu, hướng dẫn của đối tượng.
Ngoài ra, cảnh giác những yêu cầu gửi tiền, đầu tư hoặc tham gia giao dịch tài chính không rõ nguồn gốc. Tuyệt đối không chia sẻ thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng dưới mọi hình thức.
Khi gặp các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần liên hệ cơ quan công an để giải quyết kịp thời vụ việc theo quy định.
Cảnh báo chiêu thức lừa đầu tư chứng khoán, tiền số
Theo Cục ATTT, hiện nay xuất hiện tình trạng người dân bị lừa đầu tư chứng khoán quốc tế, tiền mã hóa nhằm chiếm đoạt tài sản với các chiêu thức, thủ đoạn tinh vi.
Cụ thể, các đối tượng tổ chức hội nghị, hội thảo... lồng ghép giới thiệu đầu tư chứng khoán quốc tế, tiền mã hóa. Lợi nhuận vượt trội so với thị trường, dễ dàng rút vốn, lãi là những yếu tố mà các đối tượng đưa ra để lôi kéo người dân, nhà đầu tư.
Các đối tượng không cung cấp đầy đủ thông tin công ty, giấy phép hoạt động, mã số thuế, lịch sử giao dịch, nhân sự quản lý, không được kiểm soát từ cơ quan Nhà nước.
Cảnh báo chiêu thức lừa đảo đầu tư chứng khoán, tiền mã hóa mới. Ảnh: Cục ATTT. |
Ngoài ra, chúng còn yêu cầu người dân, nhà đầu tư chuyển tiền trước khi giao dịch, thường dưới hình thức phí đăng ký, phí tham gia hoặc tiền ký quỹ.
Khi thấy nhà đầu tư không còn khả năng chuyển tiền, các đối tượng sẽ vô hiệu hóa tài khoản, chặn liên lạc nhằm chiếm đoạt số tiền mà nạn nhân đã chuyển khoản.
Trước thông tin trên, Cục ATTT khuyến cáo người dân thận trọng khi được mời chào đầu tư chứng khoán quốc tế, tiền mã hóa, đặc biệt khi bản thân không có kiến thức về lĩnh vực tài chính, chứng khoán.
Cần tham khảo kỹ phản hồi, đánh giá từ người dùng trước về trải nghiệm của họ với sàn giao dịch, công ty tài chính, chứng khoán đang quan tâm. Bên cạnh đó, nên tìm tư vấn từ chuyên gia, luật sư trước khi đầu tư nhằm tránh mất tiền từ các sàn đầu tư, công ty lừa đảo.
Người dân không nên tham gia các sự kiện, hội nghị, hội thảo kêu gọi đầu tư liên quan đến tài chính, chứng khoán, tiền ảo, tiền kỹ thuật số. Khi phát hiện trên địa bàn diễn ra các sự kiện trên, hãy lập tức thông tin đến cơ quan công an gần nhất.
Mời gọi làm việc online để lừa đảo
Mới đây, chính quyền Ấn Độ đã cảnh báo hình thức lừa đảo qua tin nhắn mời gọi làm việc tại nhà, hứa hẹn trả lương cao khi tham gia.
Cụ thể, kẻ lừa đảo gửi tin nhắn giả mạo các tập đoàn, công ty nổi tiếng trong nhiều lĩnh vực. Nội dung tin nhắn chủ yếu gồm thông tin ngắn gọn về công việc, thời gian làm việc, tiền lương trả theo ngày kèm đường link đăng ký.
Sau khi bấm vào link, nạn nhân sẽ trực tiếp trao đổi với đối tượng qua WhatsApp. Tiếp theo, đối tượng lừa đảo gửi một link khác, yêu cầu truy cập nhằm hoàn tất thủ tục đăng ký và trả một khoản phí nhỏ.
Cảnh giác hình thức lừa đảo thông qua lời mời làm việc online tại nhà. Ảnh: Cục ATTT. |
Lần này, đường link yêu cầu cung cấp số thẻ ngân hàng, ngày hết hạn, mã CVV… Những thông tin này được đối tượng dùng để chuyển tiền sang ngân hàng của chúng, số tiền tùy thuộc vào số dư tài khoản nạn nhân.
Để chuyển tiền, đối tượng yêu cầu người tham gia cung cấp mã OTP. Do tin tưởng đây là giao dịch thanh toán phí, nạn nhân dễ dàng làm theo.
Sau khi chiếm đoạt tiền, các đối tượng sẽ chặn tin nhắn của nạn nhân, xóa hết thông tin trên trang cá nhân.
Trước tình trạng lừa đảo như trên, Cục ATTT khuyến cáo người dân cảnh giác trước các tin nhắn lừa đảo với nội dung trên. Khi nhận được tin nhắn qua Facebook hay Zalo, người dân cần báo cáo tài khoản đó.
Ngoài ra, không bấm vào bất cứ đường link do đối tượng gửi, không cung cấp thông tin cá nhân dưới mọi hình thức. Không cài đặt ứng dụng từ nguồn lạ, tắt chế độ “cài đặt ứng dụng từ nguồn không xác định” trên smartphone.
Khi phát hiện dấu hiệu lừa đảo, người dân cần lập tức trình báo lực lượng chức năng nhằm truy vết và ngăn chặn đối tượng.
Những chiếc bẫy vô hình trên mạng xã hội
Cuốn sách Vũ trụ kĩ thuật số của giáo sư Kim Sang Kyun đã đi sâu phân tích, mổ xẻ một cách tường tận, những tác động các thiết bị thông minh, thế giới ảo và mạng xã hội trong cuộc sống hiện đại.